Việt Nam 2022: Cỗ xe kinh tế bắt đầu hành trình phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
Lúc tiến nhanh, khi chạy chậm, chỗ lại đi lùi, nhưng cuối cùng, cỗ xe kinh tế Việt Nam đã đi qua “cơn bão” Covid-19 của năm 2021, để bắt đầu hành trình phục hồi từ năm 2022.
Làm nên kỳ tích xuất siêu và lập đỉnh xuất khẩu trong năm 2021, nông nghiệp tiếp tục là điểm tựa vững chắc của nền kinh tế năm 2022 Làm nên kỳ tích xuất siêu và lập đỉnh xuất khẩu trong năm 2021, nông nghiệp tiếp tục là điểm tựa vững chắc của nền kinh tế năm 2022

Kinh tế 2021: Nhiều cung bậc cảm xúc

Hiếm có năm nào, nền kinh tế trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như năm nay. Cứ nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP theo từng quý là đủ biết điều ấy. Quý I, tăng trưởng GDP là 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; và quý IV tăng 5,22%, để cả năm, con số đạt được là 2,58%.

Còn nhớ, năm 2021 đã bắt đầu bằng mức tăng trưởng 2,91% của năm 2020. Thời điểm đó, dịch Covid-19 ở Việt Nam đang dần được kiểm soát, nền kinh tế đang từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện “bình thường mới”. Quý IV/2020, tăng trưởng GDP là 4,48%, mức cao nhất trong các quý của năm 2020.

Bởi thế, biết bao kỳ vọng đã được đặt ra cho năm 2021. Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 là 6%, nhưng Chính phủ quyết tâm đạt được con số 6,5%, với tràn đầy hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế.

Nhưng rồi, cuối tháng 1/2021, đợt dịch Covid-19 bùng lên, ngay trước Tết Nguyên đán, ở Hải Dương và một số địa phương trong cả nước. Không quá kéo dài, nhưng hậu quả để lại cũng không nhỏ, khiến tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 4,72%, thấp hơn kịch bản kinh tế đã đề ra trong Nghị quyết số 01 của Chính phủ.

Dẫu vậy, khi đó, đánh giá về kinh tế quý I, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói rằng, đọc báo cáo nhưng thấy không quá “sốt ruột”, “không nóng lắm”. Thế có nghĩa là nền kinh tế vẫn có những điểm sáng, tác động của đợt dịch thứ ba không quá lớn.

Sau nỗi lo đó, kịch bản kinh tế được tính toán lại, với kỳ vọng tăng trưởng quý II sẽ cao hơn. Và đúng là cao hơn thật, bởi con số 6,73% là rất tích cực. Tất nhiên, đó là mức tăng trưởng cao trên nền mức tăng trưởng rất thấp của quý II năm ngoái - khi dịch bệnh bùng phát mạnh, cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội trong một thời gian khá dài.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, đón tin kinh tế quý II tăng trưởng 6,73% mà chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lại nhắc tới những “bất trắc” của nền kinh tế. Bởi từ cuối tháng 4/2021, đợt dịch Covid-19 thứ tư đã bùng phát. Biến chủng Delta khiến dịch diễn biến phức tạp và lan rộng tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam.

Điều khiến ông Võ Trí Thành cũng như các chuyên gia kinh tế lo ngại nhất, đó là đợt dịch này đã “đánh thẳng” vào các trung tâm kinh tế lớn, các khu công nghiệp. Bắc Giang đã từng phải đóng cửa các khu công nghiệp trong một thời gian. Sau Bắc Giang là Bắc Ninh, nhưng nghiêm trọng hơn cả là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… - những “thủ phủ” công nghiệp của cả nước.

Liên tục trong thời gian dài, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng. Nhiều nhà máy phải đóng cửa. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Lao động mất việc làm, từng đoàn người hồi hương rồng rắn từ các thành phố lớn. Sức mua lao dốc thẳng đứng. Sản xuất bị tê liệt… Và điều gì phải đến đã đến. Tăng trưởng kinh tế quý III đã âm tới 6,02% (ban đầu được ước tính là 6,17%). Kể từ khi Việt Nam tính GDP theo quý, chưa bao giờ tăng trưởng kinh tế lại sụt giảm sâu như vậy.

Cỗ xe kinh tế thậm chí đã đi lùi trong nỗi lo lắng của không chỉ Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, mà cả người dân. Thêm một ngày giãn cách, thêm một nhà máy phải đóng cửa, là sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.

Trước thực tế ấy, cộng thêm việc chiến dịch tiêm chủng vắc-xin đã đạt kết quả tích cực, Chính phủ quyết định chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch và ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nghị quyết ấy như một cột mốc đánh dấu sự “hồi sinh” của nền kinh tế.

Không còn ngăn sông, cấm chợ, chuỗi cung ứng đã được hàn gắn, các hoạt động sản xuất - kinh doanh bắt đầu trở lại với trạng thái bình thường mới. Tiêu dùng, dịch vụ bắt đầu hồi phục trở lại. Giải ngân vốn đầu tư công cũng thế. Nhờ vậy, cục diện nền kinh tế đã thay đổi. Cỗ xe kinh tế đã tăng tốc trở lại. Kinh tế quý IV đã bật tăng 5,22%, đưa tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 2,58%.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương một lần nữa thừa nhận, đó là một mức tăng trưởng rất thấp. Nhưng năm 2021 là năm mà nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có trong lịch sử, cả về y tế, kinh tế, xã hội… Bởi thế, dù tăng trưởng kinh tế năm 2021 là thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ Đổi mới vừa qua, song đó vẫn là thành quả của sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong năm 2021. Hơn thế nữa, còn những thành tựu cũng rất đáng ghi nhận. Đó là kỷ lục xuất nhập khẩu trên 668 tỷ USD. Là kỳ tích thu hút đầu tư nước ngoài trên 31 tỷ USD. Là thu ngân sách vẫn vượt dự toán…

Quan trọng hơn, nền kinh tế đang bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Nhưng mừng đấy mà vẫn chênh chao lo lắng. Bởi phía trước còn nhiều lắm những khó khăn…

Cỗ xe kinh tế 2022 có vận hành trơn tru?

Dù xu hướng trong hiện tại của nền kinh tế là khá tích cực, nhưng khi năm mới 2022 sắp bắt đầu, nỗi lo lại tràn đến, rằng liệu cỗ xe kinh tế 2022 có vận hành trơn tru?

Để trả lời, phải nhắc đến nhận định của ông Joseph Zveglich, Jr., quyền Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Rằng các đợt dịch bệnh bùng phát mới trong quý III/2021 đã khiến tăng trưởng GDP của khu vực châu Á bị chững lại. Thêm vào đó, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đang dẫn đến tình trạng “bất định” mới. “Những nỗ lực hồi phục gần đây sẽ phải tính đến các diễn biến này”, ông Joseph Zveglich, Jr. nói.

Chính phủ đang xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, với mục tiêu đưa nền kinh tế sớm quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững. Cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, toàn hệ thống chính trị đang trông ngóng vào sự đột phá của chương trình này.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành là người hay dùng từ “bất định” khi bình luận về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam những năm gần đây. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng đã nhắc đến những yếu tố “bất định” sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam trong năm tới.

Sự bất định lớn đến mức, năm 2021, nền kinh tế không hề đi theo một kịch bản nào được tính toán trước. Thậm chí, chỉ sau một vài tuần, câu chuyện đã khác rất nhiều. Chỉ trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5/2021 một tuần, nào ai có thể tưởng tượng được, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thế ở Việt Nam và cuốn phăng đi bao nỗ lực để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh hồi năm 2020.

Và chắc chắn, năm 2022, tình hình cũng sẽ không dễ dự đoán. Chỉ biết rằng, các chuyên gia kinh tế đều chung một nhận định, bước sang năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nghiêng phần nhiều hơn. Dịch bệnh Covid-19 có thể tiếp tục phức tạp và nguy hiểm hơn. Kinh tế thế giới cũng tăng trưởng không đồng đều, rủi ro tiếp tục gia tăng.

Trong khi đó, ở trong nước, dù kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn, nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế. Chưa kể, rủi ro lạm phát đang gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn…

Trông chờ vào động lực tăng trưởng nào luôn là câu hỏi không dễ trả lời. Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nói rằng, năm 2022, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại được nhịp độ tăng trưởng GDP ở mức 6,8% của năm 2020, với động lực chủ yếu đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Còn bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhắc đến cầu nội địa, đến xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo hai Nghị quyết số 01 và 02, về điều hành kinh tế vĩ mô và về các giải pháp chủ yếu cải thiên môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Chưa được quyết chính thức, song rất có thể, chủ đề điều hành của năm 2022 sẽ là “ổn định, kỷ cương, an toàn, linh hoạt và hiệu quả”. Đấy chính là những từ khóa quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế, làm sao để tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6%.

Hai năm 2020-2021, do dịch bệnh Covid-19, kinh tế tăng trưởng thấp và đều không đạt mục tiêu đề ra. Đó là một nỗi buồn và cũng là một thách thức không nhỏ cho hành trình đi lên của nền kinh tế. Đầu năm 2021, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã quyết nghị mục tiêu “hóa rồng”, đưa nước Việt đi tới thịnh vượng, hạnh phúc vào năm 2045. Nhưng nếu tăng trưởng kinh tế cứ luẩn quẩn 2-3%, thậm chí dù lên tới 5-6%, thì con đường hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng càng trở nên gập ghềnh.

Cũng bởi thế, Chính phủ đang xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, với mục tiêu đưa nền kinh tế sớm quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững. Cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, toàn hệ thống chính trị đang trông ngóng vào sự đột phá của chương trình này.

Ngày cuối cùng của năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên họp bàn về gói chính sách tài khóa, tiền tệ cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023. Quốc hội cũng đang họp phiên bất thường, xem xét thông qua chương trình này. Đây là yếu tố cốt tử cho sự hồi phục của nền kinh tế. Chậm triển khai một ngày, cơ hội phục hồi của nền kinh tế sẽ lặng lẽ qua đi.

Vì thế, cỗ xe kinh tế 2022 sẽ vận hành thế nào là phụ thuộc nhiều vào Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đang xây dựng. Lần đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam có một gói giải pháp toàn diện và quy mô lớn đến như vậy!

Dù các con số cho đến nay vẫn chưa được công bố, song tất cả đang mang lại những kỳ vọng lớn lao cho nền kinh tế, khi năm mới 2022 - năm khởi đầu của hành trình hồi phục kinh tế - đã bắt đầu…!

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục