Kinh tế 2022 và kỳ vọng sóng ngành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) GDP quý IV/2021 tăng trưởng dương trở lại, với mức tăng 5,22% củng cố nền tảng cho đà tăng tốc của nền kinh tế trong năm 2022 - giai đoạn Chính phủ đẩy mạnh các gói kích thích kinh tế.
Xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Triển vọng lạc quan

Hãng tin Sputnik (Nga) vừa đăng tải bài viết về kinh tế Việt Nam với những dự báo khá tích cực. Theo tác giả bài viết, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sâu và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Tuy vậy, “gió đã đổi chiều” về cuối năm, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ nhờ các động lực như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, thu hút FDI, các chính sách kịp thời và hiệu quả của Chính phủ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý IV/2021 tăng trưởng dương 5,22%, trong khi quý III âm 6,17%, kéo theo GDP cả năm tăng 2,58% so với năm 2020. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp và lọt Top 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế. Riêng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước.

GDP Việt Nam 15 năm qua. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

GDP Việt Nam 15 năm qua. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số CPI bình quân cả năm 2021 tăng 1,84% so với năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát và tỷ giá trong giới hạn kiểm soát. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (tính đến ngày 20/12/2021) đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 15,25 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm trước, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, kinh tế Việt Nam có được sự hồi phục tăng trưởng như vậy trước hết là do những chính sách quyết liệt của Chính phủ để cải thiện vĩ mô, tinh thần vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và sự chung tay người dân trong một chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng chưa từng có.

Ngoài ra, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới cũng có tác động tích cực, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, liên tục tăng trưởng trong hai thập kỷ qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá hiện tại đã gấp đôi quy mô GDP.

Theo vị chuyên gia này, thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài nhờ quy mô dân số 100 triệu dân, nguồn nhân lực dồi dào và ngày càng được đào tạo ở trình độ cao hơn và có khả năng thay đổi, thích ứng với đổi mới trong công nghệ. Sau hàng loạt nỗ lực của Chính phủ để cải thiện môi trường đầu tư, hệ thống luật pháp được cải thiện, cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại. Thêm vào đó, việc Việt Nam đang tham gia 17 hiệp định thương mại tự do… cũng góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Việt Nam và thúc đẩy đầu tư nội địa.

Hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2023 đang được Chính phủ xây dựng, hoàn thiện để đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 4/1/2022. Chương trình có quy mô dự kiến 800.000 tỷ đồng, tác động vào cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, trên 5 lĩnh vực: chống dịch, kết cấu hạ tầng, tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp và an sinh xã hội.

Theo ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% năm 2022 của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được nếu đáp ứng 2 điều kiện: kiểm soát tốt đại dịch và cải thiện cán cân cung - cầu. Cụ thể, Chính phủ cần triển khai các biện pháp kích cầu trong bối cảnh vẫn còn dư địa về tài khóa và nợ công.

Hứng khởi đón “sóng ngành”

Trên thị trường chứng khoán, nơi được coi là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, tuần qua đã chứng kiến các phiên giao dịch không có nhiều biến động mạnh. Nhà đầu tư hầu như không có phản ứng bất ngờ trước thông tin biến chủng Omicron đã xuất hiện ở Việt Nam.

Các chỉ báo kỹ thuật hiện đang ủng hộ đà tăng của thị trường, ngay sau buổi sáng 29/12/2021, khi Tổng cục Thống kê công bố báo cáo kinh tế - xã hội quý IV/2021 với nhiều chỉ số lạc quan.

Những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 chứng kiến sự dịch chuyển dòng vốn từ nhóm cổ phiếu đầu cơ sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép, năng lượng… và những cổ phiếu hưởng lợi từ vĩ mô (đầu tư công, xuất khẩu) như dệt may, bất động sản, vật liệu xây dựng…

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries nhận định, năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục được hưởng lợi từ xu thế này.

Đồng quan điểm, TS. Lê Duy Bình cho rằng, năm 2022, xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhất là trong bối cảnh nhu cầu nội địa và ngành bán lẻ ghi nhận sự sụt giảm trong năm qua.

“Tôi không nghĩ nhu cầu nội địa và ngành bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Thay vào đó, xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, chi tiêu công, chi tiêu Chính phủ và chi tiêu cá nhân đều tăng trong năm tới”, ông Bình nói.

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm qua, có tới 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD, bao gồm điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng; hàng dệt và may mặc; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép các loại.

Giám đốc Economica Việt Nam chia sẻ thêm, trong 11 lĩnh vực thu hút FDI của Việt Nam hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất đến lĩnh vực chế biến, chế tạo, thu hút tới 53% tổng vốn đăng ký. Như vậy, trong bối cảnh cam kết FDI tiếp tục tăng, những doanh nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục được hưởng lợi.

Trong báo cáo Chiến lược đầu tư 2022 với thông điệp “Dần khởi động cỗ máy tăng trưởng”, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo GDP năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng 7,5%.

Đà tăng trưởng này, theo VNDirect, dựa trên bốn động lực chính: Hoạt động sản xuất lấy lại đà tăng trưởng; xuất khẩu và FDI vẫn là điểm sáng trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh; cầu nội địa phục hồi nhờ các gói hỗ trợ tài khóa sắp triển khai; nền tảng vĩ mô tiếp tục được gia cố vững chắc, thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối ở mức cao.

Từ đó, công ty chứng khoán này đưa ra 4 chủ điểm đầu tư nổi bật trong năm 2022, dựa trên 4 nhóm ngành: Nhóm dầu khí và hóa chất (là nguyên liệu đầu vào cho mọi quá trình tái sản xuất, khôi phục kinh tế); nhóm năng lượng, bất động sản và bất động sản khu công nghiệp (do hưởng lợi từ đầu tư công); nhóm doanh nghiệp liên quan đến kinh tế số (lĩnh vực được đẩy mạnh trong và sau đại dịch); nhóm ngành bán lẻ, F&B và du lịch (hưởng lợi do cầu nội địa phục hồi).

Nhận định thị trường trong năm tới sẽ có nhiều triển vọng tốt, song ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, nhóm ngành được hưởng lợi sẽ có sự phân hóa.

Theo ông Giang, ngành tài chính, chứng khoán, dịch vụ liên quan đến bán lẻ sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc. Ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng khoảng 20 - 25%, còn các cổ phiếu ngành hàng không còn phụ thuộc nhiều vào chính sách/

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục