Tiếp tục chọn cải cách theo chuẩn mực quốc tế
Trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và những năm tiếp theo (thường được lấy tên là Nghị quyết 02), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tiếp tục cách tiếp cận lựa chọn cải cách theo chuẩn mực quốc tế.
Có nghĩa là các mục tiêu cải cách sẽ bám theo tiêu chí, thứ hạng của Việt Nam trên Bảng xếp hạng về Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF); Năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc. Có hai bộ chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành tiếp tục được đề xuất làm căn cứ cho các nhiệm vụ cải cách cụ thể là Hiệu quả dịch vụ logistics của Ngân hàng Thế giới (WB) và Năng lực cạnh tranh ngành du lịch của WEF.
Có hai bảng xếp hạng toàn cầu được đề cập mới làm căn cứ là Quyền tài sản của Liên minh Quyền tài sản quốc tế, Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Khác với Nghị quyết 02/2020/NQ-CP và các phiên bản Nghị quyết 19 những năm trước, xếp hạng của Việt Nam trong Báo cáo Doing Business của WB không còn, do WB đã thông báo dừng công bố báo cáo này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các chỉ số của Doing Business không còn xuất hiện trong Dự thảo Nghị quyết.
“Lý do WB dừng công bố là có sự can thiệp dữ liệu từ một số quốc gia, chứ không phải do vấn đề về cách tiếp cận, nên việc tìm kiếm và thực thi các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh gắn với các yếu tố của báo cáo này, từ khởi sự kinh doanh đến phá sản doanh nghiệp vẫn là những giải pháp chính sách phù hợp và hữu ích”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình với Thủ tướng Chính phủ.
Việc xác định mục tiêu cải thiện thứ hạng các chỉ số xếp hạng tiếp tục được gắn với trách nhiệm (gồm cả chủ trì và phối hợp) của bộ, ngành, cơ quan cụ thể, nêu rõ trong Dự thảo Nghị quyết. Cách làm này một mặt tạo áp lực thúc đẩy cải cách, thúc đẩy quá trình làm chính sách tốt hơn theo chuẩn mức quốc tế.
Nhưng mặt khác, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do các phương pháp đánh giá của quốc tế đảm bảo tính khách quan, dựa trên nguồn dữ liệu độc lập và có tính liên tục, dài hạn, nên mức độ cải cách sẽ góp phần tạo lập và nâng cao hình ảnh, vị thế của quốc gia. Các nhà đầu tư thường nhìn vào kết quả xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín để lựa chọn thị trường, quyết định đầu tư.
“Cộng đồng doanh nghiệp, giới tri thức đã luôn đồng tình, ủng hộ cách tiếp cận này”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng trong Tờ trình.
Có thể giảm số ngành nghề kinh doanh có điều kiện
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cảm thấy vui mừng khi đọc nhiệm vụ thứ 3 trong Dự thảo. Đó là cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ được giao nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; đánh giá sự cần thiết của từng ngành nghề trong danh mục; kiến nghị đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc không có mục tiêu quản lý rõ ràng.
Các bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan. “Thông điệp rất rõ là sẽ có những thay đổi về chất trong quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh khi nhiệm vụ rà soát phục vụ mục tiêu khuyến khích, ưu đãi đầu tư”, ông Cung lý giải.
Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư từ năm 2014, dựa trên đề xuất của các bộ quản lý chuyên ngành và theo yêu cầu quản lý nhà nước theo từng giai đoạn. Việc sửa đổi danh mục này khá thường xuyên cũng vì yêu cầu này.
Nhưng vấn đề là, theo ông Cung, cách làm này khó tránh khỏi có sự thiếu cân đối giữa các nhiệm vụ như đảm bảo quyền tự do kinh doanh, nhu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu kiểm soát, quản lý hành chính, nhất là khi nhiều bộ, ngành vẫn chưa hướng theo mục tiêu Nhà nước kiến tạo, tập trung quản lý ngành theo hướng cát cứ.
Hệ lụy là trong những năm qua, nhiều cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý chuyên ngành thường trong thế đối đầu, khi doanh nghiệp đòi gỡ bỏ, giảm nhẹ hoặc thay thế điều kiện kinh doanh bằng công cụ quản lý khác, còn cơ quan quản lý nhà nước vẫn đặt thêm yêu cầu về điều kiện kinh doanh.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn với các nhà đầu tư khi danh mục này không chỉ giới hạn ở phạm vi kinh doanh, mà gồm điều chỉnh ngay các hoạt động đầu tư. Bởi vì khi đó, thay vì các điều kiện chỉ xuất hiện khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, các kế hoạch đầu tư sẽ bị giới hạn, ràng buộc bởi các quy trình, thủ tục ngay khi mới bắt đầu triển khai ý tưởng. Hệ quả là hoạt động của doanh nghiệp bị chậm trễ, gia tăng chi phí gia nhập thị trường.
Nhưng khó khăn còn ở chỗ, các điều kiện đầu tư đối với các nhà đầu tư chưa được quy định cụ thể. Đáng nói là, trong Dự thảo, nhiệm vụ trên được giao cùng với yêu cầu dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.
Cụ thể, các bộ, ngành rà soát các luật có liên quan đến đầu tư tạo tài sản, phát triển năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phải thực hiện rà soát Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... và các điều khoản có liên quan trong các nghị định hướng dẫn thi hành, trên cơ sở đó kiến nghị các phương án bổ sung, sửa đổi phù hợp.
“Cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, thì môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và cạnh tranh bình đẳng luôn là nhân tố quyết định trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng thịnh vượng quốc gia. Tôi tin Nghị quyết 02 năm tới sẽ thực sự có giá trị với Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, ông Cung nhấn mạnh.
Một số mục tiêu cải thiện năng lực cạnh tranh 2022 - 2025
a) Xếp hạng Năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF) tăng 2-3 bậc trong năm 2022 và thuộc nhóm 50 nước đứng đầu đến hết năm 2025.
b) Xếp hạng Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 2 bậc trong năm 2022 và thuộc nhóm 40 nước đứng đầu đến hết năm 2025.
c) Xếp hạng Quyền tài sản (của Liên minh Quyền tài sản) tăng ít nhất 4 bậc năm 2022 và thuộc nhóm 60 nước đứng đầu đến hết năm 2025.
d) Xếp hạng Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 5 bậc năm 2022 và thuộc nhóm 60 nước đứng đầu đến hết năm 2025.
đ) Xếp hạng Phát triển bền vững (của UN) tăng ít nhất 3-5 bậc năm 2022 và thuộc nhóm 40 nước đứng đầu đến hết năm 2025.
e) Duy trì xếp hạng Hiệu quả logistics (của WB) trong năm 2022 và tăng ít nhất 4 bậc đến hết năm 2025.
g) Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) lên nhóm 50 đứng đầu đến hết năm 2025.
Nguồn: Dự thảo Nghị quyết 02/2022/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia