Trình bày Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sáng 21/11, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, tình hình an ninh, chính trị cơ bản trên cả nước được bảo đảm; đạt và vượt các chỉ tiêu quan trọng do Quốc hội giao.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022; xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, như: đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật; một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước,...
Toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022); Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết của Tòa án theo thủ tục sơ thẩm 12.159 vụ án hành chính (tăng 0,9%); 446.258 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (tăng 7%), nổi lên là các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về hợp đồng dân sự...
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí |
Toàn ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 168.578 nguồn tin về tội phạm (tăng 13,5%), bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát.
Đồng thời ban hành 129.379 văn bản yêu cầu cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm (tăng 10,9%); trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.827 cuộc tại Cơ quan điều tra (tăng 13%);...
Yêu cầu khởi tố 790 vụ án; yêu cầu hủy bỏ 12 quyết định khởi tố vụ án do chưa bảo đảm căn cứ pháp luật; trực tiếp ra 20 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, ngành Kiểm sát đã tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
"Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tạm dừng giao dịch... được số tiền hơn 389.219 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 82,4%)", Viện trưởng Lê Minh Trí nói.
Trình bày trước Quốc hội, Viện trưởng Lê Minh Trí tiếp tục kiến nghị một số nội dung ông đã từng đề cập tại nghị trường.
Đó là: kiến nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu có cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật chặt chẽ hơn và xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng;
Kiến nghị có cơ chế thí điểm giao cho một cơ quan thay mặt Nhà nước thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị hoặc khởi kiện vụ án hành chính để đưa ra Tòa án phán quyết đối với trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại tới lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước.
"Làm được cơ chế này sẽ góp phần giảm bớt việc phải khởi tố, xử lý về hình sự trong một số trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng", ông Trí nhấn mạnh.
Đáng chú ý, người đứng đầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách hình sự xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng.
Cụ thể, đề xuất theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, Quốc hội khoá XV và một số diễn đàn pháp luật khác, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã từng đề xuất nội dung phân hoá các chủ thể trong vụ án tham nhũng và vi phạm chức vụ để xử lý riêng.
Trong đó, trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi (cụ thể Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) thì tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, tăng thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 5/2023, ông Trí cũng kiên định quan điểm cho rằng việc tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi, cũng chính là nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát.