Trăn trở giải pháp căn cơ thu hồi tài sản tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ cần cơ chế thu hồi cả tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của nghi can tham nhũng, mà cần đổi mới cả chính sách hình sự để thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả cao hơn.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phải có được cơ chế như nước ngoài

Chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội sốt ruột với kết quả thu hồi tài sản tham nhũng chưa được như mong muốn của nhân dân.

Theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, thu hồi tài sản tham nhũng không bao giờ là triệt để. Tổng kết 10 năm qua tại Việt Nam, đã thu được 40% số tài sản tham nhũng. “Đây là một con số rất đáng ghi nhận, đáng biểu dương của các cơ quan thi hành tố tụng”, ông Bình nêu rõ.

Vậy làm cách nào để thu nhiều hơn nữa? Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao giải thích, theo quy định của Việt Nam, chỉ thu hồi được những tài sản mà chứng minh được có nguồn gốc từ tội phạm tham nhũng. Vì thế, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến trình tố tụng phải nâng cao chất lượng chuyên môn và kịp thời phong tỏa những tài sản có dấu hiệu tham nhũng.

“Nhưng đối với thế giới, tham nhũng là tội đặc thù, cho nên, bên cạnh nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tham nhũng của tài sản, người ta còn có một cơ chế khác là tăng nghĩa vụ giải trình của những nghi can là tham nhũng. Nếu có tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì cũng được xem là tài sản tham nhũng và bị tịch thu”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu kinh nghiệm quốc tế.

Ông Bình nhắc lại rằng, khi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đặt ra vấn đề trên, “nhưng Quốc hội cũng đang thận trọng”. “Thế giới có một cơ chế thu hồi tài sản của các nghi can tham nhũng nhưng không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của tài sản. Nếu chúng ta làm được điều này, thì tỷ lệ thu hồi tài sản trong tương lai, tôi nghĩ, sẽ rất cao”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận.

Tuy nhiên, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cũng nhấn mạnh rằng, “việc này phụ thuộc vào luật lệ, giải pháp căn cơ thì chỉ có thay đổi luật, chứ không có cách nào khác”.

“Chia lửa” với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long không đề cập giải pháp căn cơ nói trên, dù thừa nhận việc này còn có những khó khăn.

“Tài sản trong hầu hết các vụ án lớn nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trên phạm vi cả nước. Nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian để làm rõ. Có trường hợp cần phải xác minh tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng, tài sản của người phạm tội và của người ngay tình đến mức nào và đặc biệt tài sản chung, của các chủ sở hữu khác nhau...”, ông Long liệt kê các khó khăn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua khá tích cực. Ví dụ, trong 5 tháng (báo cáo thi hành án dân sự bắt đầu từ ngày 1/10/2022), đã thu được trên 17.000 tỷ đồng, nếu xét về số lượng tuyệt đối thì tăng gần 12.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu này, theo Bộ trưởng, “rất đáng khích lệ”.

Nêu giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường quá trình giám sát “để có nhiều mắt tập trung vào đây, thì việc tẩu tán và giấu các tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế giảm đi”.

Tăng phạt tiền, giảm phạt tù

Cũng trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định, ngành kiểm sát đã áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ngay từ giai đoạn tiếp nhận giải quyết nguồn tin về tội phạm cho đến điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để bảo đảm cho việc thu hồi tài sản đạt kết quả cao nhất.

Viện trưởng cũng nêu rõ quan điểm về giải pháp qua kiến nghị với các cơ quan liên quan, như tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện xử lý vi phạm từ sớm, từ xa, không để sai phạm tích tụ từ nhỏ thành lớn, lặp lại có hệ thống, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm như đất đai, quản lý ngân sách, vốn, tài sản công, tài chính - ngân hàng...

Giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cũng là vấn đề được đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) trực tiếp chất vấn Viện trưởng Lê Minh Trí.

Hồi âm đại biểu, ông Lê Minh Trí cho biết, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là vấn đề khiến ông trăn trở suy nghĩ và từng phát biểu một số lần ở các hội nghị khác nhau. “Tôi và ngành kiểm sát xác định tiếp tục quyết tâm cao trong thực hiện chủ trương của Đảng trong đấu tranh hiệu quả với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, việc này là để bảo vệ chế độ”, ông Trí trả lời.

Viện trưởng Lê Minh Trí cũng nêu rõ, phải xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, đối tượng chủ mưu, vụ lợi chiếm đoạt gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, càng xử lý nghiêm khắc càng răn đe giáo dục tốt. Tuy nhiên, ông Trí cũng băn khoăn vì thực tế có những trường hợp thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên, cấp trên gợi ý cấp dưới phải chấp hành, hoặc do cấp dưới tham mưu không chính xác, không đầy đủ, hoặc có yếu tố rủi ro ngoài dự kiến, nhưng không áp dụng được quy định miễn, giảm trách nhiệm hình sự.

Phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi, theo Viện trưởng Lê Minh Trí, cũng chính là nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.Cho rằng, cần điều chỉnh chính sách pháp luật về hình sự, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng nhấn mạnh, có những quy định không theo kịp sự phát triển. Chẳng hạn, từ năm 1999, Bộ luật Hình sự quy định, vô ý làm trái, thiệt hại 100 triệu đồng đã bị khởi tố và xử lý hình sự, sau đó luật đã sửa nhưng vẫn giữ quy định đó.

“Hình phạt tù nên giảm và tăng phạt tiền để đảm bảo vừa xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu chiếm đoạt vụ lợi, vừa nhân văn với người có rủi ro. Tôi đề nghị có đối tượng thì phải xử nghiêm để răn đe giáo dục, nhưng cái nào cần nhân văn thì phải nhân văn để phát huy sự năng động sáng tạo của cán bộ nhằm ổn định phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay”, Viện trưởng Lê Minh Trí kiên trì nêu quan điểm.

Hoàn thiện thể chế để không dám tham nhũng

Tham gia trả lời chất vấn về hoàn thiện thể chế để không dám tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an rất quan tâm đến vấn đề này. Ngoài việc điều tra, chứng minh tội phạm, xử lý các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của điều tra vụ án là xác định sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị khắc phục, qua đó góp phần tạo cơ chế không thể tham nhũng.

“Làm sao cho những đối tượng tham nhũng phải bị xử lý, nhưng những người đang có kiểu cách làm việc như những đối tượng đó, các đơn vị, công ty đang có phương thức làm việc kiểu như vậy phải chấm dứt ngay và khắc phục hậu quả, nếu không sẽ bị xử lý”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Họp ba ngành không phải để bàn mức phạt

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án họp với nhau có bảo đảm tính độc lập xét xử của thẩm phán và tòa án không, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đối với những vụ án lớn, phức tạp, thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ họp.

Nhưng ông Bình khẳng định “là không ảnh hưởng đến việc xét xử độc lập của tòa án. Họp để bàn giao tài liệu, tổ chức xét xử thế nào cho đúng người, đúng pháp luật, chứ không bàn nhau về việc ông này bao nhiêu năm, ông kia bao nhiêu năm, thu của ông này cái gì, thu của ông kia cái gì”.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục