Viện Tài chính Quốc tế (IIF): Khối ngoại rút ròng 5 tháng liên tiếp khỏi các thị trường mới nổi

(ĐTCK) Dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng khỏi các thị trường mới nổi trong tháng 7 - tháng thứ năm liên tiếp, lập kỷ lục dài nhất kể từ năm 2005 với bối cảnh rủi ro suy thoái toàn cầu, lạm phát và đồng đô la tăng mạnh.

Dữ liệu cho thấy, vào tháng 7, khối ngoại đã rút ròng 9,8 tỷ USD ra khỏi danh mục đầu tư của các thị trường mới nổi, so với mức rút ròng 3,8 tỷ USD vào tháng 6 và 35,1 tỷ USD nộp ròng vào tháng 7/2021.

Theo IIF, tổng dòng tiền rút ròng trong 5 tháng qua đạt 39,3 tỷ USD.

Tiền mặt đã rời bỏ các thị trường mới nổi một phần vì các nền kinh tế phát triển đã đảo ngược những năm lãi suất cực thấp để cố gắng kiềm chế lạm phát. Ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2 đã gây ra sự tăng vọt về giá lương thực và năng lượng, làm tăng thách thức lên việc kiểm soát lạm phát của các quốc gia.

Các nhà xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi đã ghi nhận doanh thu từ xuất khẩu gia tăng và thu hút đầu tư, giúp kiềm chế sức ảnh hưởng của đồng đô la đối với đồng nội tệ, nhưng chỉ trong một thời gian.

"Hầu hết các động lực gần đây trong việc rút ròng của khối ngoại có thể là do đồng đô la", nhà kinh tế học Jonathan Fortun của IIF cho biết, đồng thời lưu ý rằng, sau một chuỗi tăng lãi suất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiến tới mức lãi suất "trung lập". Việc tiến tới mức lãi suất trung lập và đạt được một số ổn định trong lãi suất của Mỹ có thể giúp ngăn chặn động thái rút ròng của khối ngoại.

Trong tuần này, bộ ba quan chức Fed đã báo hiệu rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn "hoàn toàn thống nhất" trong việc nâng lãi suất của Mỹ lên mức sẽ kiềm chế đáng kể hơn hoạt động kinh tế và giảm lạm phát cao nhất kể từ những năm 1980.

“Trong những tháng tới, một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến động lực của dòng vốn. Trong số này là thời điểm lạm phát đạt đỉnh và triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc”, nhà kinh tế học Jonathan Fortun cho biết.

Riêng trong tháng 7, khối ngoại đã nộp ròng 2,5 tỷ USD vào các danh mục đầu tư cổ phiếu tại các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc, tháng đầu tiên ghi nhận nộp ròng kể từ tháng 2, trong khi các thị trường trái phiếu của các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc ghi nhận mức rút ròng 6 tỷ USD.

Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm nắm giữ trái phiếu Trung Quốc kể từ tháng 2, do các chính sách tiền tệ phân kỳ khiến lợi suất của Trung Quốc thấp hơn các trái phiếu của Mỹ.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã nới lỏng chính sách để hỗ trợ một nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid, trong khi Fed đã tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục