Lạm phát ở mức cao không thể chấp nhận được
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 vượt dự báo ở mức 9,1%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981. Khi được hỏi liệu Fed có tăng lãi suất 1%/năm trong thời gian tới, ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed Atlanta trả lời: “Điều đó rất quan trọng”.
Gần đây, ông Bostic là một trong những người ủng hộ việc tăng lãi suất 0,75% lần thứ hai liên tiếp (lãi suất điều hành đã được tăng 0,75% sau cuộc họp ngày 14 - 15/6/2022, lên biên độ mới là 1,5 - 1,75%/năm; các đợt tăng lãi suất trước đó chỉ từ 0,25 - 0,5%).
Chung quan điểm này, Chủ tịch Fed San Francisco là Mary Daly cho rằng, khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 0,75% tại cuộc họp chính sách vào ngày 26 - 27/7/2022.
Tuy nhiên, thành viên Ban điều hành Fed, Thống đốc Christopher Waller cho biết, ông ủng hộ tăng lãi suất ở mức 1% - mức tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm, dấu hiệu cho thấy Fed đang quyết tâm chống lạm phát cao.
Tương tự, Chủ tịch Fed Cleveland, Loretta Mester nhìn nhận, không có lý do gì để tăng lãi suất ít hơn 0,75%, vì báo cáo về CPI rất xấu, lạm phát ở mức cao không thể chấp nhận được (mục tiêu lạm phát chỉ là 2%).
Nhiều chuyên gia nhận định, Fed có thể sẽ tăng lãi suất cao hơn mức 0,75%, sau khi dữ liệu từ Bộ Lao động cho thấy, chi phí khí đốt, thực phẩm và tiền thuê nhà tăng khiến CPI vọt lên cao.
“Lạm phát ngày càng tồi tệ và chúng tôi hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ phản ứng bằng cách tăng tốc độ tăng lãi suất để củng cố tín nhiệm của họ”, chuyên gia kinh tế Jacob Meyer tại Nomura Securities International nói.
Chuyên gia kinh tế trưởng Andrew Hollenhorst tại Citigroup có chung quan điểm khi cho rằng: “Họ (Fed) phải đặt phương án tăng 1% lãi suất lên bàn cân ngay trong tháng 7 này. Mọi người cần thận trọng về việc xem lạm phát đã đạt đỉnh. Vài tháng trước, lạm phát từng được cho là đạt đỉnh khi chạm 8,3%”.
Lo ngại kinh tế suy thoái
Kỳ vọng Fed sẽ hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn lạm phát cũng dấy lên cảnh báo rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ có thể gây tác dụng phụ.
Lợi tức các loại trái phiếu kho bạc dài hạn đang giảm, khiến sự đảo ngược đường cong lợi suất trở nên rõ rệt nhất trong hơn 20 năm qua. Sự đảo ngược này được coi là dấu hiệu của suy thoái kinh tế, vì nó cho thấy các nhà đầu tư lo ngại kinh tế suy giảm nên gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn.
GDP quý II/2022 của Mỹ ước tính giảm 2,1% sau khi đã giảm 1,6% trong quý I so với cùng kỳ năm 2021.
Một cuộc khảo sát của Fed mới đây cho thấy, tâm lý bi quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh tế dần gia tăng. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Fed dựa trên mô hình lợi suất thị trường trái phiếu, khả năng xảy ra suy thoái kinh tế trong năm tới vào khoảng 35% nếu giữ nguyên lộ trình tăng lãi suất cơ bản dự kiến và sẽ ở mức 60% trong trường hợp đẩy nhanh tiến trình này.
Fed dự kiến tăng lãi suất lên mức 3,25 - 3,5%/năm vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư dự báo, lãi suất có thể cao hơn, đạt 3,5 - 3,75%/năm.
Trên phạm vi toàn cầu, hầu hết ngân hàng trung ương đối mặt với diễn biến lạm phát tăng cao, dẫn tới các đợt tăng lãi suất nhanh và mạnh. Gần đây nhất, ngày 13/7, Ngân hàng Trung ương Canada tăng lãi suất 1%. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (châu Á) và Ngân hàng Trung ương New Zealand (châu Đại Dương) cùng nâng lãi suất 0,5%. Ngày 14/7, Ngân hàng trung ương Philippines tăng lãi suất 0,75%.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, lãi suất cơ bản đã được điều chỉnh tăng 80 lần trên toàn thế giới, nhiều gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
“Lãi suất trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cho tới năm 2023, khi lạm phát bắt đầu giảm nhiệt do nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lại sự leo thang của giá cả”, bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra nhận định vào ngày 15/7.