Khẳng định Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSTC-V7 ngày 22/11/2019 về vụ án Hồ Duy Hải là có căn cứ, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và cần thiết, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết sẽ kiến nghị Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo thủ tục đặc biệt quy định tại điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Như Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã đưa tin, ngày 15/5 vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã có báo cáo “Quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về vụ Hồ Duy Hải ở Long An” gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo này cũng được gửi đến Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Còn 6 điểm “chưa làm rõ”
Báo cáo của Viện trưởng nêu rõ, vụ án Hồ Duy Hải là vụ án giết người và cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo bị áp dụng mức án cao nhất là tử hình, nhưng chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của bị cáo, không có chứng cứ vật chất trực tiếp; trong khi lời khai của bị cáo không nhất quán, mâu thuẫn với nhau (lúc nhận tội, lúc kêu oan) và mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ khác. Nhiều tình tiết quan trọng chưa làm rõ; nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra.
Sau đó, Viện trưởng Lê Minh Trí đưa ra 6 điểm chưa được làm rõ.
Thứ nhất, chưa làm rõ mâu thuẫn về thời gian bị cáo xuất hiện tại nơi xảy ra vụ án. Nhân chứng Đinh Vũ Thường đến bưu điện lúc 19 giờ 39 phút 22 giây có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện, nhưng vào lúc 19 giờ 13 phút, Hồ Duy Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ. Việc di chuyển sẽ khiến Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây. Nội dung này rất quan trọng, nên phải hủy án để thực nghiệm.
Thứ hai, tại hiện trường có thu giữ 5 dấu vân tay, trong đó có dấu thu trên cửa kính và lavabo; kết quả giám định không phải của bị cáo, nhưng chưa làm rõ của ai. Nội dung này cũng cần hủy án để truy nguyên xác định dấu vân tay của ai.
Thứ ba, chưa làm rõ thời điểm tử vong của 2 nạn nhân để xác định Hải có phải hung thủ không, cần hủy án để trưng cầu giám định thời điểm tử vong.
Thứ tư, chưa làm rõ cơ chế gây ra một số vết thương trên cơ thể nạn nhân, về khả năng con dao với đặc điểm bị cáo mô tả có thể gây ra các vết thương đó không.
Thứ năm, chưa làm rõ động cơ gây án của đối tượng, vì kết luận của bản án sơ thẩm, phúc thẩm về động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Báo cáo nêu rõ, tại phiên giám đốc thẩm, chủ tọa phiên tòa đã thừa nhận điểm trên, nhưng trong phần nhận định của quyết định giám đốc thẩm lại không nêu những vi phạm này.
Thứ sáu, có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, đặc biệt bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng, như: lời khai ban đầu bị cáo không nhận tội, lời khai nhân chứng, tài liệu thu giữ dấu vân tay và kết quả truy nguyên cá biệt dấu vân tay; cần hủy án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ.
Theo Viện trưởng Lê Minh Trí: “Những vi phạm trên là vi phạm về nội dung do điều tra không đầy đủ và vi phạm về tố tụng, đã ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ, cần phải điều tra lại để thu thập thêm chứng cứ và khắc phục những vi phạm, thiếu sót, nhằm giải quyết vụ án đúng pháp luật”.
Từ những phân tích trên, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, việc kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này là cần thiết, bởi lẽ, đây là vụ án được Chủ tịch nước có nhiều chỉ đạo từ năm 2014 đến nay về việc kiểm tra bị cáo Hồ Duy Hải có bị oan hay không. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm theo dõi, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải trả lời có căn cứ, thuyết phục, thấu đáo những băn khoăn, kiến nghị đã nêu.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao đã kết luận cho rằng những vi phạm đó chỉ là sai sót về tố tụng, không làm thay đổi bản chất vụ án là trái với các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự như nguyên tắc “suy đoán vô tội” (điều 13), nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” (điều 15) và nguyên tắc “tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra” (điều 19), trái với nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”.
Theo Viện trưởng, những vi phạm nêu trên sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án sau này, đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nhưng vẫn kết luận có tội với lập luận “có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.
Khẳng định kháng nghị giám đốc thẩm của mình là đúng pháp luật và đúng thẩm quyền, Viện trưởng nêu tiếp: quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán nhận định cho rằng Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án từ hình của Hồ Duy Hải là quyết định tố tụng, chỉ được thay thế, hủy bỏ bằng một quyết định tố tụng khác, không thể thay thế bằng một văn bản hành chính, quyết định này đang có hiệu lực thi hành, nhưng Viện trưởng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lại có quyết định kháng nghị là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự và không đúng thẩm quyền.
Viện trưởng khẳng định kháng nghị của mình là đúng pháp luật, đúng thẩm quyền vì đơn xin ân giảm hình phạt tử hình là quyền của người bị kết án tử hình, là hình phạt nặng nhất, kết thúc cuộc đời của họ. Quyền này được trao cho tử tù trong thời điểm bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật. Người bị kết án tử hình có thể xin hoặc không xin ân giảm.
Việc Chủ tịch nước quyết định bác hoặc chấp nhận đơn xin ân giảm không tác động đến tính đúng sai của bản án. Khi Chủ tịch nước chấp nhận đơn ân giảm thì không có nghĩa là bản án tử hình là sai, mà chỉ là quyết định có tính chất nhân đạo của Chủ tịch nước ân giảm hình phạt, cho tử tù cơ hội sống và hoàn lương. Không có quy định khi có quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình thì chấm dứt các thủ tục tố tụng sau này.
Ông Trí cũng khẳng định, quy đinh của pháp luật hiện hành không có bất cứ điều khoản nào hạn chế quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSTC-V7 ngày 22/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã căn cứ vào khoản 2 Điều 371 bộ luật Tố tụng hình sự (có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án), căn cứ khoản 1 Điều 373 bộ luật Tố tụng hình sự (về thẩm quyền kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) và khoản 2 Điều 379 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ).
Kể cả trường hợp quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước đối với Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, thì kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo hướng có lợi cho Hồ Duy Hải vẫn có thể thực hiện bất cứ lúc nào, ông Trí nhấn mạnh.
Theo Viện trưởng, về phạm vi giám đốc thẩm, Điều 387 bộ luật Tố tụng hình sự chỉ cho phép Hội đồng giám đốc thẩm xem xét lại nội dung vụ án mà không được xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tối cao có đúng thẩm quyền hay không. Nếu xác định kháng nghị trái thẩm quyền thì Tòa án không thụ lý và phải trao đổi vấn đề này trước, nhưng trong thực tế Tòa án vẫn thụ lý, mở phiên tòa giám đốc thẩm và xem xét nội dung kháng nghị trái thẩm quyền, đồng nghĩa với việc xét xử cả kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là trái với phạm vi giám đốc thẩm.
Sẽ kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm
Ông Trí cũng cho biết, mặc dù đã có Quyết định số 639/QĐ-CTN bác đơn xin ân giảm án tử hình, nhưng do Hồ Duy Hải kêu oan, nên ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số 1639/TB-VPCTN-m thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo tạm dừng thi hành án để xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai không và báo cáo Chủ tịch nước, sau đó hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An ra quyết định hoãn thi hành án; khi tạm dừng thi hành án thì Quyết định số 639/QĐ-CTN cũng chấm dứt hiệu lực.
Báo cáo nêu rõ, trước khi kháng nghị Viện trưởng Lê Minh Trí đã có báo cáo số 68/BC-VKSTC ngày 16/4/2019 xin ý kiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục tạm dừng thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải để xem xét kháng nghị, đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước tham mưu cho Chủ tịch nước giải quyết Quyết định số 639/QĐ-CTN bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải để bảo đảm hiệu lực pháp luật khi Viện trưởng ban hành kháng nghị giám đốc thẩm. Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn 688/VPCTN- PL-m ngày 24/7/2019, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước "đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải”.
Do đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm trong trường hợp này là đúng thẩm quyền theo luật định, thể hiện trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo chỉ đạo của Chủ tịch nước là phải xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai không; bảo đảm thận trọng, chắc chắn trước khi kết tội và áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo.
"Ngoài ra, dự luận hiện nay cho rằng đồng chí Nguyễn Hòa Bình, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tối cao đã ký quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm, nay với tư cách Chánh án Toà án nhân dân tối cao lại chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm sẽ khó bảo đảm vô tư, khách quan, vì việc chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ mâu thuẫn với quyết định không kháng nghị trước đó"
Sau 4 trang phân tích những sai sót của vụ án và sự cần thiết kháng nghị, ông Trí viết: "Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khẳng định quyết định kháng nghị ngày 22/11/2019 là có căn cứ, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và cần thiết vì vụ án có nhiều thiếu sót, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Viện trưởng Lê Minh Trí thấy không an tâm nên kháng nghị huỷ án, yêu cầu cơ quan chức năng điều tra lại vụ án để khẳng định một lần nữa Hồ Duy Hải có tội hay không. Việc làm này là thể hiện sự thận trọng, khách quan, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đồng thời củng cố lòng tin của người dân và xã hội với nên tư pháp Việt Nam".
Do đó, Viện trưởng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm kháng nghị và sẽ kiến nghị Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo thủ tục đặc biệt quy định tại điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự.