Truyền thông vừa qua đưa tin, Hoa Kỳ đang xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và theo kế hoạch, Hoa Kỳ sẽ công bố kết quả vào ngày 26/7. Ông đánh giá và kỳ vọng thế nào về sự kiện này?
Nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, đây sẽ là điều kiện cực kỳ tốt cho Việt Nam và tốt cho cả quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Những năm gần đây, thế giới có nhiều thay đổi. Nếu như trước kia, những quan điểm về kinh tế thị trường, dân chủ, nhân quyền có mô-típ rất rõ ràng, thì sự biến động của thế giới đây đã cho thấy, không có mô hình nào thực sự là ưu việt, toàn diện.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc trở nên phức tạp, câu chuyện của thế giới bây giờ là xây liên minh, tạo ảnh hưởng, vì lợi ích quốc gia. Bởi vậy, Hoa Kỳ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam là phù hợp thực tế hiện nay.
Việc Hoa Kỳ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam giống như một “chiếc barie”, khiến lưu thông kinh tế giữa 2 bên chưa thông suốt, phát sinh chi phí cho cả 2 bên. Nếu “chiếc barie” này được tháo bỏ, sẽ đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp 2 nước, có lợi cho sự phát triển của thế giới nói chung.
Ông nhìn nhận thế nào về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong những năm qua nhằm thực hiện các tiêu chí để được công nhận là nền kinh tế thị trường?
Có thể khẳng định rằng, từ khi Đổi mới đến nay, Việt Nam đã nỗ lực mở cửa, hội nhập với thế giới, minh chứng rõ nét nhất là độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện thuộc nhóm lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã cố gắng xây dựng một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt, liên tục cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp phát triển.
Những nỗ lực đó là tự thân chúng ta mong muốn có một nền kinh tế thị trường mà nguồn lực được phân bổ hợp lý và sử dụng hiệu quả, chứ không phải để đáp ứng yêu cầu của bất cứ một bên nào. Những nỗ lực đó mang tính liên tục và xuyên suốt.
Tất nhiên, kinh tế thị trường cũng có những mặt trái, nhưng đến giờ thì nó vẫn là tốt nhất trong việc phân bổ nguồn lực cho sự phát triển. Song như tôi đã nói ở trên, cách nhìn nhận đối với một nền kinh tế thị trường hiện nay đã có nhiều thay đổi.
Khi nền kinh tế của chúng ta đã phát triển và độ mở như thế, thì việc Hoa Kỳ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam là hợp lý và sẽ vô cùng có lợi cho Hoa Kỳ, cho mối quan hệ giữa hai nước, và tất nhiên sẽ rất có lợi cho Việt Nam.
Ông nhắc nhiều đến từ khóa “lợi ích”. Vậy doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ có thể nhận được những lợi ích gì nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường?
Những năm qua, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn bị “xử ép” với cáo buộc bán phá giá vào Hoa Kỳ. Nhưng nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, thì mọi thứ sẽ khác, hàng hóa từ Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ không bị áp thuế chống bán phá giá và đương nhiên là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi.
Hơn nữa, doanh nghiệp Hoa Kỳ đang làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi, không còn bị ràng buộc bởi “làm ăn với doanh nghiệp của một nền kinh tế phi thị trường”.
Hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ mang tính bổ sung, bổ trợ cho nhau, chứ không cạnh tranh với nhau. Vì vậy, việc làm ăn, kinh doanh giữa 2 nước thuận lợi, dễ dàng hơn là điều mà mọi doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ đều mong muốn.
Ông kỳ vọng thế nào về hợp tác đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam trong tương lai, nếu việc công nhận trở thành hiện thực, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác mới như chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi xanh, công nghiệp bán dẫn…?
Những lĩnh vực mà 2 bên đã xác định trong Tuyên bố chung nằm trong chiến lược tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu, tái định vị ngành sản xuất của Hoa Kỳ. Đây cũng là những ngành trọng yếu mà Việt Nam muốn tham gia.
Khi Hoa Kỳ công nhận cơ chế thị trường cho Việt Nam, cùng với quan hệ 2 nước đã được nâng lên một tầm cao mới vào tháng 9 năm ngoái nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, thì những trao đổi mua bán hàng hóa, lao động, việc làm giữa doanh nghiệp 2 nước sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều.
Tôi tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa 2 nước sẽ phát triển bứt phá trong tương lai.