Việc EU đánh thuế cao đối với xe điện Trung Quốc có thể làm ảnh hưởng tới các mục tiêu về khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ áp dụng mức thuế cao hơn lên tới 38,1% đối với xe điện Trung Quốc đã làm nảy sinh những lo ngại rằng tranh chấp thương mại với Trung Quốc có thể cản trở các mục tiêu về khí hậu của EU.
Việc EU đánh thuế cao đối với xe điện Trung Quốc có thể làm ảnh hưởng tới các mục tiêu về khí hậu

EU có kế hoạch đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. EU cũng cam kết sản xuất tất cả ô tô và xe tải mới không phát thải từ năm 2035.

Các mức thuế bổ sung là kết quả của cuộc điều tra của EU về các khoản trợ cấp không công bằng của chính phủ dành cho ngành sản xuất ô tô của Trung Quốc, gây ra mối đe dọa kinh tế cho các hãng sản xuất ô tô của châu Âu. Đây cũng là một nỗ lực của khối nhằm giải quyết tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc đang tràn vào EU.

Mức thuế đặt ra cho các nhà sản xuất xe điện cụ thể phụ thuộc vào mức trợ cấp của chính phủ mà các công ty nhận được. EU hiện đang áp dụng mức thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu vào EU. Thuế quan dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào ngày 4/7, nhưng có thể được điều chỉnh vì cho đến lúc đó, các công ty Trung Quốc phải cung cấp bằng chứng có thể thách thức những phát hiện của EU.

Cuộc điều tra chống trợ cấp của Ủy ban Châu Âu sẽ tiếp tục cho đến tháng 11. Trong khi Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc về các hoạt động thương mại không công bằng, và gọi động thái của EU là “hành vi bảo hộ”.

Theo các nhà phân tích, các thương hiệu ô tô từ Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chiếm 11% thị phần tại châu Âu trong năm nay và dự kiến ​​sẽ tăng lên 20% vào năm 2027. Những thương hiệu này có thể có giá rẻ hơn gần 30% so với các hãng sản xuất ô tô của châu Âu.

Trong khi các quan chức châu Âu kỳ vọng các mức thuế bổ sung có thể giúp tăng hơn 6 tỷ USD mỗi năm và giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng, thì vẫn có những lo ngại rằng chúng sẽ làm phức tạp thêm các kế hoạch khí hậu đầy tham vọng của EU.

Một số lo ngại rằng những phương tiện đắt tiền hơn có thể làm giảm nhu cầu và làm suy yếu mục tiêu của EU là cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel vào năm 2035. Trong khi đó, xe điện chiếm gần một nửa tổng số xe đăng ký mới ở EU vào năm ngoái.

Bart Horsten, thành viên của Phòng Thương mại Bỉ - Trung Quốc cho biết, niềm tin của người tiêu dùng dựa trên sự an toàn trong tương lai của sản phẩm và người mua tiềm năng có thể bị trì hoãn bởi sự không chắc chắn về giá của một chiếc xe điện.

Một số nước châu Âu, trong đó có Đức cũng cảnh báo tranh chấp thương mại có thể khiến giá xe điện tăng vọt. Trong khi đó, dữ liệu gần đây cho thấy EU cần có một bước đột phá khi triển khai cơ sở hạ tầng sạc xe điện.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), EU cần xây dựng số trạm sạc xe điện gấp 8 lần mỗi năm cho tới năm 2030 để đạt được mục tiêu phát thải. Giới quan sát cho rằng EU có thể đạt được mục tiêu về xe điện nhưng chỉ với tham vọng đúng đắn và sự ổn định chính trị.

Floris van de Klashorst, Phó chủ tịch cấp cao về sản phẩm và nền tảng phần cứng của ABB E-mobility - một trong những công ty đang cố gắng đưa việc mở rộng cơ sở hạ tầng sạc của EU trở lại đúng hướng - cho biết: “Chúng tôi có thể học hỏi từ một thị trường đang đi trước, vì vậy, khi nhìn vào thị trường đó, chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi…Điều này sẽ đặt chúng tôi vào một vị trí mà chúng tôi có thể đảm bảo rằng các sản phẩm của chúng tôi luôn phù hợp với tương lai và điều đó cực kỳ quan trọng”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục