Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trong phiên làm việc chiều 22/10 của kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV.
Liên quan đến các phương án tên gọi mà Chính phủ trình xin ý kiến, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vì 3 lý do.
Một là, tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác chưa bảo đảm được tính bao quát, chưa thể hiện được đúng bản chất của đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, trong khi chưa xác định được một cách chính xác và đầy đủ các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác vì việc thành lập Liên đoàn Hợp tác xã mới ở giai đoạn nghiên cứu, xây dựng thí điểm theo chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác chưa phản ánh một cách chính xác về sự hợp tác giữa các thành viên của HTX, Ủy ban Kinh tế phân tích.
Hai là, khái niệm hợp tác xã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, tên gọi này đã được sử dụng thường xuyên trong công tác truyền thông, tuyên truyền, kể cả pháp luật dẫn chiếu đều thuận lợi và gần gũi với người dân từ Luật Hợp tác xã năm 1996, Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012.
Ba là, theo Ủy ban Kinh tế, việc giữ nguyên tên Luật là Luật Hợp tác xã một mặt vẫn bảo đảm bao quát mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình HTX, mặt khác tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, rà soát về dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ, nghiên cứu 12 nhóm vấn đề, nội dung đang được dự thảo.
Ví dụ việc bổ sung điều chỉnh Tổ hợp tác trong dự thảo Luật nhằm xác định địa vị pháp lý của Tổ hợp tác, nhưng nội dung trong dự thảo Luật còn khá mờ nhạt, chưa đủ cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định; cân nhắc thận trọng trong việc cho phép thành lập các Liên đoàn Hợp tác xã; quy định về trích lập quỹ chung không chia chưa phản ánh rõ nét được việc trích lập quỹ chung không chia từ lợi nhuận do giao dịch bên ngoài; chưa cụ thể về cách thức quản lý và sử dụng quỹ chung không chia nhằm phát huy hiệu quả tài chính, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí để tạo sự yên tâm cho các thành viên HTX đồng thuận với việc để lại một phần thu nhập của mình để đầu tư phát triển HTX trong khi thu nhập của các thành viên HTX so với mặt bằng thu nhập chung của các thành phần kinh tế khác là không cao...;
Về chế độ hạch toán, kế toán đang được dự thảo, Ủy ban Kinh tế cho biết một số ý kiến cho rằng hoạt động kế toán của các HTX sẽ phức tạp hơn do dự thảo Luật quy định phải hạch toán kế toán riêng các khoản thu, chi của giao dịch bên trong với giao dịch bên ngoài theo quy mô, mô hình tổ chức hoạt động của các HTX.
Đặc biệt, về mô hình tổ chức quản trị đối với các hình thức tổ chức HTX, Dự thảo Luật đã thiết kế 2 mô hình quản trị.
Mô hình thứ nhất là quản trị rút gọn, bao gồm Đại hội thành viên, Giám đốc, Kiểm soát viên áp dụng đối với HTX quy mô siêu nhỏ, Liên hiệp hợp tác xã dưới 10 thành viên;
Mô hình thứ hai là quản trị đầy đủ bao gồm Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên áp dụng đối với HTX quy mô nhỏ, vừa, lớn, Liên hiệp hợp tác xã từ 10 thành viên trở lên, Liên đoàn hợp tác xã.
Việc thiết kế 2 mô hình quản trị đối với quy mô và loại hình HTX khác nhau như trên, theo Ủy ban Kinh tế, là phù hợp vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản trị nội bộ của các HTX, nhưng đồng thời đáp ứng được yêu cầu kiểm soát nội bộ hoạt động của HTX theo Điều lệ HTX quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) |
"Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về quyền hạn, nghĩa vụ của Hội đồng quản trị và Đại hội thành viên, tránh việc lạm quyền, làm mất đi bản chất của HTX, bảo đảm quyền quyết định của Đại hội thành viên", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Chẳng hạn trong việc đầu tư hoặc bán tài sản chung của HTX cần lấy ý kiến rộng rãi các thành viên của HTX hoặc thành viên là đại biểu dự đại hội cần biết trước về chủ trương để trao đổi lấy ý kiến các thành viên do mình đại diện, thực hiện quyền đại diện cho các thành viên khác, bảo đảm dân chủ, đồng thời tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến tài sản của HTX hiệu quả, phù hợp hơn.
Ngoài ra, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế đại diện sở hữu kinh tế tập thể, HTX.
Thực tế, các HTX chủ yếu hoạt động với quy mô siêu nhỏ, dưới 10 thành viên. Một số HTX được thành lập mang tính chất gia đình, chưa phát huy được vai trò hỗ trợ thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng bản chất HTX.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định hợp lý về số lượng thành viên HTX; quy định về lộ trình tăng số lượng thành viên theo thời gian hoạt động của HTX; nghiên cứu các tiêu chí hỗ trợ ưu tiên cho HTX có nhiều thành viên và các quy định để khuyến khích các thành viên mới tham gia HTX.
Liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, một số ý kiến nhất trí với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhằm thúc đẩy việc tiếp cận vốn của các HTX.
Nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn quy định tại Điều 21 dự thảo Luật về nguồn hình thành Quỹ, cơ chế vận hành Quỹ và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và ở cấp tỉnh nhằm bảo đảm một mặt phát huy tính tích cực của Quỹ trong việc hỗ trợ cho các HTX tiếp cận vốn, nhất là việc tiếp cận vốn để đầu tư phát triển khoa học công nghệ nhưng mặt khác cũng phải bảo đảm tính hiệu quả, công khai, minh bạch của Quỹ này.
Đồng thời, phải làm rõ vai trò và chức năng của Quỹ để tránh chồng chéo, trùng lặp với vai trò và chức năng của Ngân hàng Hợp tác xã và Quỹ tín dụng nhân dân.