Việc chụp ảnh thuê bao điện thoại cần thêm các quy định chi tiết hơn

Liên quan quy định thuê bao điện thoại di động phải chụp ảnh lưu hồ sơ theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định chi tiết, rõ ràng hơn để người dân thực hiện.
Việc chụp ảnh thuê bao điện thoại cần thêm các quy định chi tiết hơn

Lo ngại tính bảo mật

Luật sư Phạm Văn Phất (Văn phòng Luật sư An Phát Phạm) phân tích, Luật Viễn thông không yêu cầu thông tin thuê bao phải bao gồm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu. Vì thế, quy định mới của Nghị định 49/2017/NĐ-CP về việc hồ sơ thông tin thuê bao phải bao gồm cả ảnh chụp chân dung “có thể được coi là một quy định mới hạn chế quyền dân sự của cá nhân”.

Theo ông Phất, một lo ngại lớn của người dùng là tính bảo mật thông tin của nhà mạng. Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định phải đảm bảo bảo mật thông tin cho công dân, còn Luật Viễn thông lại không có quy định tương ứng đối với những người quản lý thông tin thuê bao trong doanh nghiệp viễn thông. Vì vậy, việc cho phép doanh nghiệp thu thập và quản lý các thông tin, hình ảnh cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông rất dễ dẫn đến các hệ lụy.

Mặt khác, khách hàng sẽ phản ứng mạnh với việc không chụp ảnh sẽ bị cắt thuê bao, bởi theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng vô hiệu, thì đối với các hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông đã ký, không có căn cứ pháp lý cho việc yêu cầu người sử dụng dịch vụ viễn thông không đến chụp ảnh, ký lại hợp đồng. Như vậy, hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông đã ký không thể bị coi là vô hiệu nếu người sử dụng dịch vụ viễn thông không đến chụp ảnh, không đến ký lại hợp đồng.

Luật sư Nguyễn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, đối với những sim cũ đã có thông tin rõ ràng thì không cần thiết phải chụp ảnh nữa.

Cần hướng dẫn rõ ràng hơn để thực thi

Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu vấn đề: “Nghị định 49/2017/NĐ-CP giao điểm cung cấp dịch vụ viễn thông chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu. Tuy nhiên, trong thực tế, sẽ có những trường hợp thường xuyên đi công tác nước ngoài, người ốm đau, bệnh tật vẫn có nhu cầu sử dụng thuê bao di động, nhưng không thể đến làm thủ tục thì giải quyết như thế nào?

Những trường hợp này có thể chụp ảnh chân dung ở nhà và ủy quyền cho người khác đến làm thủ tục được không? Cá nhân tự gửi ảnh chân dung đến email của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có được chấp nhận không?... Vì vậy, trong thời gian tới, cần có thêm  quy định chi tiết, cụ thể hơn”.

Về vấn đề trên, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quy định chụp ảnh khi đăng ký sử dụng sim là “đụng chạm đến quyền lợi người dân”.

“Mỗi sim điện thoại khi đăng ký đều khai báo tên tuổi, số chứng minh nhân dân. Luật Viễn thông không quy định, nhưng Nghị định lại bắt người dân chụp ảnh. Không thể có quy định trên luật được”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Ông Nhưỡng cũng cho rằng, vấn đề này cần được xem xét lại trên phương diện pháp lý, để đúng với các quy định của pháp luật hiện hành.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục