Những dãy phố tài chính như trên không phải là “của hiếm” tại Hà Nội. Ngược lại, người dân thủ đô có thể kể tên rất nhiều con đường như vậy. Thậm chí, ở các vùng ngoại ô, huyện ngoại thành của Hà Nội cũng có những con đường ngân hàng tương tự. Tìm kiếm những không gian mới để cạnh tranh, duy trì được tốc độ tăng trưởng, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của cổ đông đang là bài toán thách thức với mỗi nhà băng. Theo nhận xét của giới phân tích tài chính, đây cũng là những nội dung nóng được đề cập ở các cuộc họp đại hội cổ đông thường niên, bắt đầu từ giữa tháng 3 năm nay.
Lựa chọn khó khăn
Tăng trưởng nóng, đốt cháy giai đoạn để đạt lợi nhuận cao hay chấp nhận đi từ từ để phát triển bền vững là câu hỏi khó đối với không chỉ ban lãnh đạo các ngân hàng mà với chính các nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực này. Tại đại hội cổ đông của nhiều ngân hàng năm ngoái, câu hỏi chất vấn phổ biến nhất là tại sao ROE của ngân hàng lại thấp, dù lợi nhuận tuyệt đối nhìn qua là rất cao. Kiểm toán viên một công ty kiểm toán Big 4 nói rằng, đừng nhìn vào lợi nhuận nghìn tỷ của các ngân hàng, mà nhà đầu tư phải xem xét thêm nợ xấu, trích lập dự phòng và cơ cấu các mảng hoạt động. Trên thực tế, có những ngân hàng báo lãi lớn nhưng lại hầu như không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Câu hỏi đặt ra là những con số được công bố có phản ánh đúng năng lực và bản chất hoạt động của ngân hàng?
Đại hội cổ đông 2014 của VIB được nhìn nhận là khá nóng khi cổ đông chất vấn về việc ngân hàng trích lập dự phòng rất lớn, đề cao chất lượng khách hàng và chấp nhận biên lợi nhuận thấp. Lãnh đạo VIB đã chia sẻ về chiến lược phát triển bền vững dựa trên quan điểm tăng trưởng thận trọng của ngân hàng. VIB đã mạnh dạn thoát khỏi các phân khúc khách hàng rủi ro cao và hướng tới các DN/cá nhân có tiềm lực tài chính và nhu cầu vay vốn lành mạnh để phát triển kinh doanh, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngay từ đầu vào, ngân hàng đã áp dụng quy trình phê duyệt tín dụng tập trung cho mảng Khách hàng doanh nghiệp với sự tham gia của khối Quản trị rủi ro và Ủy ban tín dụng. Quy trình này cũng đang được triển khai cho mảng Khách hàng cá nhân, với sự hỗ trợ của hệ thống phần mềm phê duyệt tín dụng tập trung.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào và cổ đông nào cũng mạnh dạn chấp nhận thay đổi và chọn lối đi khó từ đầu.
Ở thời điểm này, thị trường vẫn chứng kiến nhiều ngân hàng đang trong giai đoạn tiến hành tái cấu trúc và vẫn còn nhiều dự đoán về các ngân hàng có thể sáp nhập vào ngân hàng khác tới đây. Trước những thông tin ấy, giờ đây trong con mắt của các nhà đầu tư, bên cạnh lợi nhuận, yếu tố quản trị rủi ro được đặt lên hàng đầu.
Trái ngọt sau nỗ lực đường dài
Việc thay đổi khẩu vị rủi ro, chấp nhận lãi biên giảm mạnh khiến lợi nhuận năm 2013 của nhiều nhà băng không về đích. Tuy nhiên, những tác động tích cực của chiến lược này đã thể hiện rõ nét trong hoạt động và kết quả năm 2014.
Một lãnh đạo VIB cho biết, từ nhiều năm trước, sau rất nhiều cân nhắc và thảo luận, HĐQT VIB đã quyết định lựa chọn đi theo mô hình Ngân hàng tăng trưởng bền vững, theo đó, có thể không thấy được ngay những bước đột phá của ngân hàng nhưng cổ đông có thể hoàn toàn an tâm về hoạt động lành mạnh và đồng vốn luôn được đảm bảo.
Tại VIB, tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng giảm còn 2,51% so với 2,82% của 1 năm trước đó. Việc trích lập dự phòng tiếp tục được thực hiện nghiêm túc với con số 1.188 tỷ đồng và ngân hàng này cũng tiếp tục dẫn đầu thị trường về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) với CAR tại thời điểm 31/12/2014 đạt 17,7% so với quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều này đã giúp VIB được NHNN lựa chọn là 1 trong 10 ngân hàng triển khai thí điểm mô hình quản trị rủi ro tiên tiến Basel II trong giai đoạn đầu. Kết thúc năm 2014, VIB đạt lợi nhuận trước thuế 648 tỷ đồng, tương đương 201% so với kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông giao từ đầu năm.
Kết quả khởi sắc của năm 2014 của VIB như trên có thể là cơ sở để HĐQT Ngân hàng cân nhắc khả năng chia một phần lợi nhuận, đảm bảo hài hòa quyền lợi của các cổ đông và mục tiêu tái đầu tư nhằm phát triển bền vững.
Sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng
Số liệu công bố gần đây của các ngân hàng cho thấy, khi không gian kinh doanh chưa thể mở rộng do khó khăn chung của cả nền kinh tế, trong khi cạnh tranh ngày một gay gắt, những ngân hàng nào sáng tạo, sẽ có sự bứt phá trong nguồn thu. Đơn cử như tại VIB, sáng tạo dường như không chỉ là yêu cầu mà đã trở thành nhu cầu tự thân và hiện diện trong mọi hoạt động của ngân hàng này, đóng góp đáng kể góp phần kéo doanh thu thuần năm 2014 của ngân hàng đạt 3.470 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2013.
VIB đã nỗ lực cung cấp dịch vụ vượt trội cho khách hàng với rất nhiều dịch vụ tiên phong trên thị trường. Chẳng hạn, trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng chính sách hoàn tiền lên tới 5% cho chủ thẻ thanh toán toàn cầu VIB Debit MasterCard. Sau gần một năm thực hiện, VIB đã thu hút khoảng 50.000 khách hàng với giá trị thanh toán qua thẻ này đạt trên 300 tỷ đồng.
Hay việc VIB tiên phong triển khai các giải pháp cho vay với lãi suất ưu đãi cố định trong thời gian dài từ 24 đến 30 tháng và công khai ngay từ đầu biên độ lãi suất sau thời gian ưu đãi. Đơn cử là gói cho vay ưu đãi lãi suất 0,68%/tháng trong suốt 30 tháng đầu, từ tháng thứ 31, lãi suất được tính với biên độ cố định 4%/năm. Cách làm này giúp khách hàng yên tâm hơn khi có thể chủ động dự đoán và lên kế hoạch cho tương lai nên đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng từ thị trường.
Khả năng sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, theo nhận xét của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, có vai trò quan trọng đối với hoạt động ngân hàng. Đối thủ có thể sao chép sản phẩm nhưng họ chỉ là người đến sau, lợi thế thu hút khách hàng dành cho những người tiên phong, mà hoạt động nhà băng không phải là ngoại lệ.
Bên cạnh yếu tố sáng tạo, chìa khóa tạo ra lợi thế cạnh tranh chính là công nghệ và nhân sự. Cả 2 yếu tố này, gần đây được các ngân hàng ưu tiên tập trung đầu tư mạnh mẽ. Dễ bắt gặp nhất có lẽ là các kênh giao tiếp khách hàng hiện đại như “chi nhánh trực tuyến” trên facebook của VIB, hay giải pháp tư vấn trực tuyến ngay trên các website đang được VIB và một số ngân hàng khác triển khai bên cạnh hệ thống chi nhánh/phòng giao dịch và tổng đài điện thoại trước đây.
2015 được dự đoán là năm ngành ngân hàng có nhiều chuyển động khi thị trường cũng dần nhận diện rõ hơn những ngân hàng khỏe hay yếu. Với cổ đông của các ngân hàng, lợi nhuận tuyệt đối là điều quan trọng nhưng quan trọng hơn, những con số này phải đến một cách thực chất và bền vững. Có như vậy, họ mới có cơ hội hưởng quả ngọt lâu dài trong tương lai. Đồng thời, đó chính là những tiền đề để ngân hàng có thể phát triển nhanh hơn trong thời gian tới, khi kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực, kéo theo sự cải thiện về sức khỏe tài chính của khách hàng, cũng như nhu cầu chi tiêu và đầu tư gia tăng.
ROE: chỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu Big4 là cách gọi quen thuộc của 4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới về quy mô và doanh thu, bao gồm: PricewaterhouseCoopers (PWC), Deloitte Touche Tohmatsu (Deloitte), Ernst and Young (E&Y) và KPMG. |