Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT của VIB cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, HĐQT đã thường xuyên thực hiện việc rà soát kết quả kinh doanh, tình hình tài chính, tình hình hoạt động và việc tuân thủ pháp luật của VIB thông qua việc xem xét, đánh giá tại các cuộc họp HĐQT định kỳ. Kết quả nổi bật trong 3 năm qua là VIB đã lấy lại được đà tăng trưởng tốt, với mức tăng trưởng dư nợ từ 4% năm 2013 lên 8% năm 2014 và 25% trong năm 2015.
Lợi nhuận trước thuế từ năm 2012 đến 2015 đã có những thay đổi đáng kể, cụ thể, năm 2012 là 701 tỷ đồng với trích lập chi phí dự phòng 744 tỷ đồng; năm 2013 là 81 tỷ đồng với trích lập chi phí dự phòng 871 tỷ đồng; năm 2014 là 648 tỷ đồng với trích lập chi phí dự phòng 1.188 tỷ đồng và năm 2015 là 655 tỷ đồng với trích lập chi phí dự phòng 509 tỷ đồng. Hệ số an toàn vốn luôn đạt 17-19%.
Chi tiết hơn đối với kết quả kinh doanh năm 2015 đó là, VIB đã tăng trưởng tín dụng chất lượng ở mức 25% trong bối cảnh tăng trưởng của toàn thị trường ở mức 18%. Số dư tài khoản tiền gửi tăng trưởng ổn định, trong đó tiền gửi thanh toán tăng tốt ở mức 21%. Tổng số khách hàng tăng 11%, đạt trên 1,6 triệu khách hàng, trong đó khách hàng chất lượng của khối ngân hàng bán lẻ đạt mức tăng 21%. Nợ xấu của VIB thường xuyên được duy trì ở mức dưới 3%, tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2015 là 2,07%.
Đặc biệt, tỷ lệ chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2015 được phê duyệt ở mức 25%, bao gồm cổ tức tiền mặt 8,5% và cổ phiếu thưởng 16,5% tính trên vốn điều lệ cuối kỳ (4.845 tỷ đồng). Mức cổ tức 8,5% đã được NHNN phê duyệt theo công văn số 177/NHNN-TTGSNH ngày 18/3/2016. Tỷ lệ chia cổ tức tăng nhẹ so với con số 24% của năm 2014 (bao gồm 9% cổ tức tiền mặt và 15% cổ phiếu thưởng). Lợi nhuận để lại sau khi chia cổ tức tương ứng là 90.423 triệu (riêng lẻ) và 116.768 triệu (hợp nhất).
Về định hướng kinh doanh năm 2016, ĐHCĐ thông qua các chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 675 tỷ đồng, dư nợ không gồm trái phiếu 59.721 tỷ đồng, huy động vốn 65.664 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 3%, đầu tư tài sản 325 tỷ đồng, tổng tài sản 90.210 tỷ đồng.
Để phục vụ cho các mục tiêu chiến lược và kế hoạch phát triển kinh doanh trong năm 2016, cũng như thời gian tiếp theo, vốn điều lệ của VIB cần được bổ sung cho phù hợp. Do đó, ĐHCĐ cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ trong năm nay.
Cụ thể, VIB dự kiến tăng thêm 799,425 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 5.644,425 tỷ đồng, tăng 16,5% so với vốn điều lệ hiện hành.
Ông Vỹ cho biết thêm, “ĐHCĐ cũng thông qua định hướng sẽ đưa cổ phiếu của VIB niêm yết trên Sở GDCK vào năm 2018 để đáp ứng các nhu cầu về vốn, tính thanh khoản và hấp dẫn của cổ phiếu và quy chuẩn công tác quan hệ cổ đông”.
Trong phần hỏi đáp, một cổ đông lâu năm của VIB Nguyễn Hoài Phương đã quan ngại liệu tương lai NHNN có giao VIB phải nhận ngân hàng yếu kém nào về? Khi đó, VIB sẽ thuận theo quyền lợi của cổ đông hay chỉ đạo của NHNN. Vị cổ đông này cũng không ngần ngại dẫn chứng về tiền lệ đã có khi một ngân hàng yếu kém trong TP.HCM sáp nhập vào một ngân hàng được thị trường đánh giá tốt thì nay ngân hàng tốt trở nên èo uột…
Về vấn đề này, ông Vỹ khẳng định: “Không có áp lực nào ép buộc đối với Ngân hàng. VIB thường xuyên mở cửa sẵn sàng hợp nhất, sáp nhập nhưng với một điều kiện duy nhất là số liệu ngân hàng tham gia với chúng ta phải minh bạch tuyệt đối”.