Vì sao TPG liên tiếp rót tiền vào Masan Group?

(ĐTCK) TPG Growth rót thêm 50 triệu USD để mua 49% cổ phần của Công ty TNHH Hoa Mười Giờ (HMG) - công ty con của CTCP Hàng tiêu dùng Ma San (Masan Consumer).
Vì sao TPG liên tiếp rót tiền vào Masan Group?

> KKR đầu tư thêm 200 triệu USD vào Masan

> Masan Consumer dự kiến đầu tư vào lĩnh vực FMCG

> Vẽ lại bức tranh M&A của Masan

> Masan dự kiến bỏ ra 12 triệu USD mua lại PYBECO

> Masan Consumer mua thâu tóm Vĩnh Hảo

> Masan chào mua VCF theo phương án hai

> Bao nhiêu giá trị của Masan đến từ M&A?

 

TPG giúp Masan hiện thực hóa ước mơ chuỗi cung ứng?

Theo thông tin này, giao dịch này sẽ được hoàn tất sau khi có các chấp thuận cần thiết liên quan đến giao dịch, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 7/2013. Bình luận về khoản đầu tư này, ông Madhur Maini, Tổng giám đốc của Masan Group cho biết, khoản đầu tư này tiếp nối khoản đầu tư đầu tiên của TPG Growth vào Masan Group trong năm 2009 và là khoản đầu tư thứ 3 của TPG tại Việt Nam (trong đó, 2 khoản là vào Masan và 1 khoản vào FPT nhưng khoản này đã được thoái vốn).

Chi tiết về tỷ lệ sở hữu “bắc cầu” từ HMG (sắp tới sẽ đổi tên thành CTCP Nông nghiệp Masan - Masan Agriculture) sau khi thực hiện tái cấu trúc lại Masan Group và Masan Consumer không được đại diện Masan tiết lộ, nhưng hiện nay, HMG đang sở hữu 40% cổ phần của CTCP Sản xuất thức ăn gia súc Việt Pháp (Proconco), một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu của Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao TPG, một quỹ đầu tư khá sừng sỏ và kỹ tính trong việc rót vốn đầu tư, cũng như có nhiều thương vụ đầu tư “khủng” lại không chọn đầu tư trực tiếp vào Masan Cosumer, hoặc một trong nhiều lĩnh vực đang sinh lợi về hàng tiêu dùng của Masan như mì ăn liền, nước chấm, cà phê, nước khoáng… mà lại chọn Masan Agriculture?

Vì sao TPG liên tiếp rót tiền vào Masan Group? ảnh 1

Sau 5 năm, Masan đã xây dựng Masan Consumer thành công ty hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam - Ảnh: Lê Toàn

Ngược dòng thời gian, cách đây gần 1 năm (tháng 7/2012), Masan đã “rút hầu bao” 96 triệu USD, tương đương 2.000 tỷ đồng để mua lại toàn bộ 40% của Proconco từ 2 nhà đầu tư nước ngoài là Prudential Vietnam Assurance Private Limited và PCA International Funds SPC (đại diện cho Vietnam Segregated Portfolio). Theo các chuyên gia, thương vụ mua lại Proconco đặt nền móng để Masan Consumer, đơn vị mà Masan Group nắm giữ 77% lợi ích kinh tế, tham gia vào phân khúc thị trường cung cấp chất đạm (thịt, cá, hải sản) với tiềm năng tăng trưởng cao, dựa trên cơ sở sự gia tăng dân số của Việt Nam.

Vào thời điểm đó, Proconco là doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lớn thứ hai trong nước với thương hiệu Cám Con Cò, đang nắm giữ thị phần khoảng 12% và cho đến thời điểm này, thị phần này vẫn tiếp tục được giữ vững. Để hiện thực hóa mục tiêu cung cấp nguồn đạm có chất lượng châu Âu, Masan Consumer dự định sẽ xây dựng nên một chuỗi giá trị “giống sạch - thức ăn sạch - nuôi sạch - phân phối, bảo quản sạch”.

Cũng cần nói thêm, Proconco cũng có mạng lưới phân phối có mặt ở khắp 63 tỉnh thành, với 590 điểm bán hàng. Doanh thu của Proconco tăng trưởng đều đặn với tốc độ trung bình khoảng 25%/năm trong vòng 5 năm qua. Do vậy, một chuyên gia tài chính phân tích, việc sở hữu Proconco là nhằm hiện thực hóa mục tiêu chinh phục thị trường thịt, vốn đang bị Vissan nắm giữ, giống cách mà Masan đã chinh phục thị trường mì ăn liền, là hoàn thiện dây chuyền công nghệ, tiến tới kêu gọi đầu tư phát triển các công nghệ cho ra sản phẩm sạch và tạo sự khác biệt về chất lượng, nguồn cung đặc thù riêng.

Tính khả thi và thành công của bài toán này cần thời gian trả lời, nhưng trước mắt, ít ra Masan cũng đang thành công với 2 bước, thu mua Proconco và kêu gọi được TPG cùng đồng hành trong thương vụ này.

 

TPG-Masan: Mối lương duyên nồng thắm!

Về mặt lịch sử, đây không phải là thương vụ đầu tiên của TPG trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo tài liệu trên website của tập đoàn này, vào tháng 3/2013, TPG đã bỏ ra 901 triệu USD để mua Công ty Gia cầm Inghams (Australia). Inghams là tập đoàn chăn nuôi và chế biến gia cầm số 1 tại Australia, với hơn 1/3 thị phần nước này và doanh số lên tới 2,2 tỷ USD trong năm 2012.

Như vậy, TPG đang thể hiện quyết tâm lấn sân vào ngành nông nghiệp thế giới và việc chọn Masan Agriculture tại Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác, xu hướng M&A trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là đang nở rộ trên quy mô toàn cầu, với tính hấp dẫn chỉ sau các thương vụ tài chính, hàng tiêu dùng như thương vụ Glencore của Thụy Sĩ mua lại Vitera - công ty chế biến ngũ cốc lớn nhất của Canada với giá 6 tỷ USD; Marubeni Trading (Nhật Bản) đã mua Gavilon Group (Mỹ) với giá 5,6 tỷ USD…

Lý do được nhiều chuyên gia nhận định là do giá lương thực thế giới kể từ năm 2000 trở lại đây gần như liên tục tăng và nông nghiệp được xem là lĩnh vực “xương sống”, không thể thiếu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, với nhiều thiên tai và thảm họa ở quy mô toàn cầu. Do vậy, Việt Nam, với vị thế là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và là quốc gia chuyên về nông nghiệp, nên các thương hiệu nông nghiệp trong nước trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài như TPG cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam có nhiều thương hiệu mạnh trong ngành nông nghiệp, tại sao TPG lại chọn Masan?

Lý do đầu tiên không thể bàn cãi chính là TPG đã rất thành công với khoản đầu tư trước đây ở Masan, trong khi Masan đã chứng minh được năng lực triển khai vượt trội của mình ở Việt Nam. Hơn một lần, Masan vận dụng thành công công thức tri thức bản địa, kỹ thuật thế giới và nguồn vốn mạnh để biến tiềm năng thành hiện thực. Cụ thể là việc xây dựng Masan Consumer thành một công ty hàng tiêu dùng hàng đầu của Việt Nam chỉ trong khoảng thời gian 5 năm. Với quỹ thời gian đó, Masan đã biến công ty này từ chỗ là công ty tầm trung, với giá trị thị trường chỉ 300 triệu USD, thành một đế chế 2,3 tỷ USD. Doanh thu của Masan Consumer từ mức khoảng 2.000 tỷ đồng năm 2008 đã tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng năm 2012 (gấp 5 lần), trong khi lợi nhuận tăng từ mức 400 tỷ đồng năm 2008 lên 2.850 tỷ đồng năm 2012 (gấp hơn 7 lần).

Masan cũng chứng tỏ bản lĩnh của mình trong lĩnh vực M&A, bên cạnh sự tham gia một cách tốt đẹp vào ban quản trị các công ty mà Masan mua, sự có mặt của Masan còn đem lại lợi nhuận hữu hình và gần như tức thời với nhiều DN như thương vụ mua Vinacafe Biên Hòa. Sau khi mua thành công doanh nghiệp này, Masan đã giúp Vinacafe Biên Hòa đưa nhà máy mới vào hoạt động, tăng doanh thu và lợi nhuận lên 33% và 41% sau 1 năm, đưa các sản phẩm Vinacafe vào chuỗi phân phối toàn quốc của Masan và nâng số điểm phân phối từ 32.000 điểm, lên gần 180.000 điểm….

Đó là chưa kể một loạt các thương vụ khác cũng khá thành công về mặt lợi nhuận như Dự án Núi Pháo; Nước khoáng Vĩnh Hảo… Nói cách khác, mối lương duyên giữa TPG và Masan có thể nói là hoàn hảo. Masan có năng lực triển khai đã được chứng minh, có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sự am hiểu thị trường nội địa một cách tinh tường. Trong khi đó, TPG là một đối tác tài chính hàng đầu thế giới.

Rõ ràng, sự tham gia của “cặp bài trùng” TPG-Masan trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi rất có ý nghĩa chiến lược, vì những thế mạnh đã phân tích ở trên. Với một thị trường khoảng 4,2 tỷ USD, ngành thức ăn chăn nuôi và ngành chăn nuôi kết hợp lại là một sân chơi vốn đã lớn lại có tốc độ mở rộng nhanh. Vì thế, đặt một chân vào ngành thức ăn chăn nuôi là điểm khởi đầu hợp lý về mặt chiến lược để Masan bắt đầu thực hiện “mơ ước” xây dựng chuỗi giá trị “giống sạch - thức ăn sạch - nuôi sạch - chế biến sạch - phân phối, bảo quản sạch”.

Bảo Giang
Bảo Giang

Tin cùng chuyên mục