Vì sao Petrolimex (PLX) thua lỗ khi doanh thu phá đỉnh?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh thu tăng đột biến nhờ giá xăng dầu tăng, song giá vốn và chi phí khác, đặc biệt khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã ăn mòn lợi nhuận của Petrolimex khiến doanh nghiệp đang chiếm thị phần xăng dầu lớn nhất cả nước này báo lỗ gần 141 tỷ đồng trong quý II/2022.
Doanh thu cao nhất từ trước đến nay nhưng Petrolimex vừa báo lỗ 141 tỷ đồng. Doanh thu cao nhất từ trước đến nay nhưng Petrolimex vừa báo lỗ 141 tỷ đồng.

Nghịch lý

Ước tính, cả nước hiện có hơn 15.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung cấp hàng chục triệu tấn sản phẩm cho người tiêu dùng mỗi năm. Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) hiện là doanh nghiệp chiếm khoảng 48% thị phần với hơn 5.000 cửa hàng xăng dầu. Tiếp theo là Tổng công ty dầu Việt Nam – CTCP (PV OIL, mã OIL) nắm khoảng 20% thị phần.

Theo lẽ thường, hoạt động kinh doanh của hai doanh nghiệp này sẽ tỷ lệ thuận với giá dầu thế giới (tác động gián tiếp là giá xăng dầu trong nước), tuy nhiên thực tế không phải lúc nào cũng diễn biến như vậy.

Còn nhớ, năm 2020 là một năm không mấy thuận lợi của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Giá dầu đầu năm đang ở ngưỡng 68 USD/thùng bỗng “rơi tự do” xuống mức 22,9 USD/thùng vào ngày 31/3/2020 khiến cho doanh thu của ngành xăng dầu bị ảnh hưởng. Quý I/2020, PLX lỗ khoảng 1.900 tỷ đồng, OIL lỗ ròng 538 tỷ đồng.

Về cuối năm 2020, giá dầu nhiều lần hồi phục (giao dịch ở ngưỡng 51,80 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối cùng của năm) đã giúp OIL thu hẹp mức thua lỗ từ 538 tỷ xuống còn 166 tỷ đồng cả năm 2020, trong khi PLX vẫn có lợi nhuận sau thuế hơn 1.252 tỷ đồng (dù đã giảm 73% so với năm 2019).

Bước sang năm 2021, giá dầu thế giới bùng nổ mạnh mẽ (hôm 29/12/2021 là 79,23 USD/thùng) do sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và các nước sản xuất hạn chế sản lượng. Các công ty kinh doanh xăng dầu đều đạt đỉnh lợi nhuận trong quý II/2021: PLX lãi ròng 1.400 tỷ đồng, OIL lãi hơn 200 tỷ, công ty nhỏ hơn như Dầu khí Nam Sông Hậu (mã PSH) cũng lãi khoảng 100 tỷ đồng.

Cả năm 2021, Petrolimex lãi 3.123 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2020; PV OIL chuyển từ lỗ 166 tỷ năm 2020 sang lãi 772 tỷ đồng, lợi nhuận Nam Sông Hậu tăng hơn 11 lần (đạt 319 tỷ đồng so với con số 28,2 tỷ lợi nhuận năm 2020).

Thế nhưng năm 2022, khi giá dầu thế giới tiếp tục phá đỉnh 122 USD/thùng đầu tháng 6 (ở trong nước, giá bán lẻ xăng RON 95 lên đến 32.870 đồng/lít, xăng RON 92 tăng lên 31.300 đồng/lít vào ngày 21/6), trong khi OIL lãi kỷ lục gần 510 tỷ đồng trong quý II/2022 (tăng 87,5% so với cùng kỳ) thì PLX lại bất ngờ báo lỗ 141 tỷ đồng mặc dù đạt doanh thu kỷ lục hơn 84.367 tỷ đồng, cao nhất từ khi đi vào hoạt động.

Chi phí ăn mòn lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính quý II/2022 của PLX, mặc dù doanh thu thuần từ bán hàng, dịch vụ đạt hơn 84.367 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái), song lợi nhuận thuần vẫn âm hơn 295 tỷ đồng do chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu là giá vốn hàng bán (gần 82.000 tỷ đồng), chi phí bán hàng (2.570 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp (208 tỷ đồng), chi phí tài chính (512 tỷ đồng)…

Sau khi cân đối với các khoản mục khác, lãi trước thuế và sau thuế trong kỳ của doanh nghiệp lần lượt âm 278 tỷ đồng và âm gần 141 tỷ đồng, trong khi quý II/2021 vẫn lãi 1.827 tỷ đồng và 1.594 tỷ đồng, dù thời điểm năm ngoái giá xăng dầu thế giới và trong nước thấp hơn rất nhiều.

Petrolimex lỗ hợp nhất gần 141 tỷ đồng trong quý II/2022, riêng công ty mẹ lỗ gần 748 tỷ đồng (Nguồn: BCTC của doanh nghiệp).
Petrolimex lỗ hợp nhất gần 141 tỷ đồng trong quý II/2022, riêng công ty mẹ lỗ gần 748 tỷ đồng (Nguồn: BCTC của doanh nghiệp).

Tính chung nửa đầu năm nay, “ông lớn” nắm gần một nửa thị phần bán lẻ xăng dầu cả nước này chỉ lãi sau thuế gần 302 tỷ đồng, giảm tới 87% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải việc thua lỗ, đại diện Petrolimex cho biết là do giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp xung đột Nga – Ukraine, các nước phương Tây và Mỹ cấm vận dầu Nga đã làm giá xăng dầu thế giới biến động bất thường. Theo đó, một thùng dầu thế giới WTI tăng 99,4 USD vào đầu quý II lên mức 122 USD (tương đương tăng 23%) rồi lại giảm về 105,8 USD vào cuối tháng 6.

Khi giá dầu thế giới tăng vọt, doanh nghiệp này buộc phải tăng cường nhập khẩu để bù đắp nhu cầu tiêu dùng xã hội tăng cao, do đó làm biên lợi nhuận gộp giảm mạnh.

Tiếp đó, từ tháng 7, giá xăng dầu điều chỉnh giảm với biên độ lớn, công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trên cơ sở giá trị thuần tại thời điểm lập báo cáo tài chính (20/7) với lượng hàng tồn kho tại ngày 30/6 là 1.259 tỷ đồng.

“Nếu không trích lập dự phòng khoản 1.259 tỷ đồng này, lợi nhuận trước thuế 6 tháng công ty mẹ là 295 tỷ đồng”, vị đại diện nói.

Ngoài ra, đại diện Petrolimex cũng chia sẻ, các lĩnh vực khác như hoá dầu, gas, kinh doanh kho... cũng đạt hiệu quả thấp.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của PLX diễn ra hôm 8/6, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc PLX cho biết, 5 tháng đầu năm, sản lượng kinh doanh xăng dầu đạt 5,9 triệu m3, bằng 48,4% kế hoạch năm, ước lãi 1.340 tỷ đồng sau 5 tháng. Vị lãnh đạo doanh nghiệp hồ hởi cho biết, với tình hình này, có khả năng PLX đạt được tiến độ kế hoạch sản lượng, lợi nhuận 6 tháng cao và cố gắng vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, kết thúc nửa đầu năm, doanh nghiệp mới đạt 10% kế hoạch lợi nhuận hợp nhất 3.060 tỷ đồng của cả năm 2022.

“Điểm yếu” hàng tồn kho

Nói về khoản mục hàng tồn kho thì đây là câu chuyện thường được nhắc đến của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi giá đầu vào liên tục tăng.

Về lý thuyết, giá xăng dầu tăng cao thì doanh nghiệp nào có lượng tồn kho giá thấp càng nhiều càng hưởng lợi và ngược lại. Thực tế, do nhập nguyên liệu dự phòng giá cao, khi giá dầu thế giới quay đầu giảm kéo theo giá xăng trong nước giảm theo, cộng với những biện pháp kiềm chế giá xăng dầu của Chính phủ để kiểm soát lạm phát, PLX đã gặp khó khăn do phải trích lập dự phòng cho khoản tồn kho giá cao.

Cuối năm 2021, tồn kho của PLX và OIL là 13.400 tỷ đồng và 2.600 tỷ đồng, không lớn so với quy mô doanh thu. Tuy nhiên tính đến cuối quý II/2022, tồn kho của PLX đã lên đến gần 23.500 tỷ đồng (tăng 10.000 tỷ so đầu năm), tồn kho của OIL là hơn 5.300 tỷ đồng (gấp đôi đầu năm).

PLX trích lập dự phòng đến 1.259 tỷ đồng trong khi OIL chỉ mới trích lập dự phòng 31 tỷ đồng và đây chính là nguyên nhân có sự phân hoá lợi nhuận quý II/2022 giữa hai “ông lớn” xăng dầu.

Thiếu tiền nhập dầu thô, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị được đầu tư 9 tỷ USD, chiếm 35% tổng nguồn cung xăng dầu trong nước, phải cắt giảm công suất từ đầu năm 2022.
Thiếu tiền nhập dầu thô, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị được đầu tư 9 tỷ USD, chiếm 35% tổng nguồn cung xăng dầu trong nước, phải cắt giảm công suất từ đầu năm 2022.

Nguyên nhân khiến PLX phải nhập khẩu xăng dầu dự phòng quá lớn với giá cao là do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố tài chính (thiếu hụt dòng tiền) kéo dài từ quý I/2022 đến nay dẫn đến phải cắt giảm công suất hoạt động, không đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, trong khi ngành dầu khí năm qua không khai thác được thêm mỏ dầu nào.

Theo ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc PLX, từ năm 2021 về trước, tỷ trọng nhập khẩu xăng dầu của doanh nghiệp chiếm 30% cơ cấu sản lượng, song 6 tháng đầu năm 2022 với diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thì tập đoàn phải tăng nhập khẩu khiến tỷ trọng ước lên đến 46%.

“Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn đang gặp sự cố và chưa đảm bảo nguồn cung cấp nên Petrolimex vẫn phải tăng dự phòng, tạo nguồn để đảm bảo an ninh năng lượng

(Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex

Về triển vọng cuối năm 2022, tại Đại hội đồng cổ đông hôm 8/6, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc PLX cho biết, Petrolimex mới nhận được thông tin đảm bảo nguồn hàng đến tháng 6, các tháng cuối năm tập đoàn vẫn cần dự phòng cũng như theo dõi sát.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PLX đóng cửa phiên chiều 5/8 ở mức giá 41.650 đồng/cổ phiếu, giảm 1,07% so với phiên trước và giảm khoảng 38% từ vùng đỉnh 62.000 – 65.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định, PLX giao dịch với xu hướng downtrend dài hạn ở thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 và sẽ dao động ở mức 38.000 – 42.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 7, sau đó có thể hồi phục để vượt các cản ngắn hạn, tuy nhiên việc hồi phục sẽ không dễ dàng do diễn biến thị trường vẫn kém tích cực.

Tuy vậy, đây lại là cổ phiếu ưa thích của Công ty Chứng khoán MB (MBS) trong kế hoạch cả năm 2022. Lấy mức giá dầu thế giới 90 USD/thùng cho năm 2022, báo cáo phân tích của MBS hồi tháng 6/2022 dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2022 của công ty lần lượt đạt 228.000 tỷ đồng và 5.790 tỷ đồng, tăng trưởng 35% và 53% so với 2021.

Trên cơ sở đó, MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 65.200 đồng (tăng hơn 60%).

Hiện tại (ngày 5/8), giá dầu thế giới tuy đã chạm đáy 6 tháng nhưng vẫn ở mức 94,12 USD/thùng.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục