Vì sao khởi tố vụ nhà máy thép 12 năm “đắp chiếu” tại Vũng Áng

Sai phạm tại Dự án Nhà máy Liên hợp gang thép Vạn Lợi (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) gây thất thoát ngân sách Nhà nước gần 2.000 tỷ đồng đã và đang được cơ quan Công an tỉnh Hà Tĩnh làm rõ.
Dự án Nhà máy liên hợp gang thép Hà Tĩnh sau 12 năm phơi nắng đã bị vướng phải án hình sự do chủ đầu tư không có khả năng trả nợ. Dự án Nhà máy liên hợp gang thép Hà Tĩnh sau 12 năm phơi nắng đã bị vướng phải án hình sự do chủ đầu tư không có khả năng trả nợ.

Như Báo Đầu tư Online đưa tin, ngày 24/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng có liên quan để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại tá Đặng Hoài Sơn, Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát cho Nhà nước và các tổ chức tín dụng có liên quan trên địa bàn Hà Tĩnh để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

12 năm “đắp chiếu” tại Vũng Áng

Theo giấy chứng nhận đầu tư được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên gần 2.000 tỷ đồng.

Vì sao khởi tố vụ nhà máy thép 12 năm “đắp chiếu” tại Vũng Áng ảnh 1

Với công suất 500.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư (sau điều chỉnh) lên mức gần 2.000 tỷ đồng, tọa lạc trên vùng đất rộng 25,8 ha tại Khu Kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 15/5/2007, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh), Công ty TNHH Vạn Lợi, Công ty cổ phần Mangan (thuộc Mitraco Hà Tĩnh) đã thống nhất góp vốn thành lập Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh. Các cổ đông góp vốn gồm: Công ty TNHH Vạn Lợi góp 85% vốn điều lệ, Mitraco Hà Tĩnh góp 12%, Công ty Mangan góp 3%.

Ngày 6/6/2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với Công ty Gang thép Hà Tĩnh với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Đến năm 2008, Dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi do chủ đầu tư là Công ty Gang thép Hà Tỉnh làm chủ đầu tư được khởi công với công suất 500.000 tấn/năm. Tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, tọa lạc trên vùng đất rộng 25,8 ha tại Khu Kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Sau nhiều năm trong tình trạng “đắp chiếu” với một “núi” sắt thép khổng lồ bị hư hỏng, rỉ sét tại Vũng Áng, ngày 29/7/2015, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 366 về việc chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án Liên hợp Gang thép công suất 250.000 tấn/năm. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với một số cơ quan chức năng xử lý việc thanh lý dự án, tháo dỡ máy móc, thiết bị...

Trước khi dự án bị thu hồi thì tổng số tiền mà các ngân hàng đã giải ngân cho dự án nhà máy thép Vạn Lợi đã lên con số hàng ngàn tỷ đồng.

Do chủ đầu tư không có khả năng trả nợ, cuối năm 2018, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh phối hợp với các đơn vị liên quan cưỡng chế, kê biên toàn bộ tài sản, công trình phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thép để phát mại, trả lại tiền cho các ngân hàng. Sau đó Công ty Đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh là đơn vị hợp đồng với Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh đứng ra tổ chức phiên đấu giá tài sản tại dự án này với giá khởi điểm 108 tỷ đồng.

Tháng 4/2019, tại trụ sở UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Công ty Đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh tổ chức phiên đấu giá toàn bộ thiết bị, máy móc và các công trình xây dựng hiện có trên đất (thuê) của Công ty Gang thép Hà Tĩnh. Có 23 đơn vị doanh nghiệp tham giá đấu giá số tài sản trên. Giá khởi điểm của số tài sản được đưa ra đấu giá là 108.765.800.000 đồng.

Sau 11 vòng, khách hàng Nguyễn Minh Hoàng Phương Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân (đóng tại Bình Định) là người trúng đấu giá với giá hơn 205 tỷ đồng. Sau phiên đấu giá, ông Vũ từ chối thông tin về hướng xử lý tài sản của nhà máy thép Vạn Lợi vừa mua được. Tuy nhiên, theo thông tin từ một lãnh đạo ngân hàng, tiền thu từ đấu giá sẽ chia theo tỷ lệ phần trăm của các ngân hàng liên quan đến dự án.

Chủ nợ của Gang thép Hà Tĩnh là ai?

Theo cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh, trong quá trình thực hiện dự án, Gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng cho vay có nhiều sai phạm như năng lực tài chính của chủ đầu tư, chỉ định thầu, cho vay vốn không đảm bảo điều kiện. Bên cạnh đó, do sự biến động của thị trường…, nên dự án dang dở, gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh với số tiền trên 1.554 tỷ đồng và 164.889,85 USD.

Vì sao khởi tố vụ nhà máy thép 12 năm “đắp chiếu” tại Vũng Áng ảnh 2

Thi hành án TX Kỳ Anh đã tổ chức bán đấu giá toàn bộ thiết bị, máy móc và các công trình xây dựng hiện có trên đất (thuê) của Công ty CP gang thép Hà Tĩnh với số tiền 205 tỷ đồng cho một doanh nhân tại Bình Định.

Cụ thể, ngày 11/1/2008, Gang thép Hà Tĩnh đã thế chấp toàn bộ thiết bị, máy móc theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành sau đầu tư số 02/2007/HĐTCQSDĐ– TL mà doanh nghiệp này ký kết với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - Chi nhánh Hà Tĩnh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Hà Tĩnh và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Hà Tĩnh.

Ngày 19/5/2008, Gang Thép Hà Tĩnh tiếp tục ký kết hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 03/2008/HĐTCTS– NHPT.PC với VDB - Chi nhánh Hà Tĩnh.

Năm 2014, doanh nghiệp này cùng một số ngân hàng kể trên đã ký kết các hợp đồng sửa đổi, bổ sung liên quan đến hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành sau đầu tư; hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.

Trước khả năm không thể thanh toán nợ, tháng 7/2018, Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã đứng ra phân giải khoản nợ giữa chủ đầu tư với 3 “chủ nợ” ngân hàng nêu trên. Cụ thể, nợ VDB gần 1.300 tỷ đồng (nợ gốc gần 590 tỷ, nợ lãi quá hạn gần 500 tỷ, phạt lãi quá hạn gần 180 tỷ), nợ Vietcombank là hơn 150 tỷ đồng (trong đó nợ gốc hơn 74 tỷ, nợ lãi quá hạn 71 tỷ đồng, phạt lãi quá hạn hơn 5 tỷ đồng), nợ BIDV hơn 115 tỷ đồng (nợ gốc hơn 49 tỷ, lãi quá hạn hơn 27 tỷ, lãi phạt quá hạn hơn 38 tỷ đồng).

Việt Hương
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục