Vì sao giá dầu nhảy vọt?

0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu vọt tăng hơn 5% trong hai ngày đầu tuần do đồng đô la Mỹ suy yếu cùng với dự báo nhu cầu nhiên liệu tăng lên sau khi Mỹ phê duyệt đầy đủ đối với vaccine Pfizer.
Giá dầu phục hồi mạnh mẽ sau chuỗi 7 ngày lao dốc trước đó. Ảnh: AFP Giá dầu phục hồi mạnh mẽ sau chuỗi 7 ngày lao dốc trước đó. Ảnh: AFP

Giá dầu tiếp tục đi lên ngay đầu phiên giao dịch 24/8 sau khi Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt đầy đủ việc sử dụng vaccine Covid-19 hai liều của liên doanh Pfizer - BioNTech cho người từ 16 tuổi trở lên. Trước đó, cơ quan này đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Pfizer - BioNTech vào tháng 12/2020.

Các quan chức y tế Mỹ cho rằng động thái trên của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ sẽ là lời thuyết phục hiệu quả đối với những người chưa tiêm phòng, đồng thời hy vọng nó có thể thúc đẩy chính quyền các địa phương và tiểu bang ở Mỹ, cùng các doanh nghiệp tư nhân, áp dụng các mục tiêu tiêm phòng.

Còn các nhà đầu tư hy vọng tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 tại Mỹ sẽ tăng lên sau động thái của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, và nhu cầu dầu mỏ cũng tăng theo.

Ông Edward Moya, chuyên viên phân tích cấp cao tại Sàn giao dịch ngoại hối OANDA (Mỹ) dự đoán, khi nhiều doanh nghiệp và cơ quan chính phủ ở Mỹ có khả năng thực thi các quy định tiêm phòng, việc đi lại làm việc dự kiến sẽ tăng đáng kể vào mùa thu.

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đã tăng thêm 66 cent, tương đương 0,9%, lên 69,41 USD/thùng vào lúc 2:01 sáng 24/8 theo giờ GMT, trong khi giá dầu thô WTI giao sau của Mỹ cũng tăng tương ứng 0,9% lên mức 66,24 USD/thùng.

Do đồng đô la Mỹ suy yếu, giá dầu ngày 23/8 đã bật tăng mạnh mẽ sau chuỗi 7 ngày lao dốc trước đó. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 3,57 USD (tương đương 5,5%) và đóng cửa ở mức 68,75 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 21/5 - mức 64,60 USD. Còn giá dầu thô WTI giao tháng 10 của Mỹ cũng tăng sát nút 5,6%, lên mức 65,64 USD/thùng.

Tuần trước, cả dầu thô Brent và dầu thô WTI đều đánh dấu tuần thua lỗ lớn nhất trong hơn 9 tháng qua khi lần lượt lao dốc 8% và 9%.

"Chúng tôi dự báo (giá dầu) sẽ có nhiều đợt điều chỉnh hơn trong tuần này, nhưng thị trường có thể sẽ vẫn đi xuống, do ngày càng nhiều lo ngại về nhu cầu nhiên liệu thế giới sẽ chững lại", Kazuhiko Saito, nhà phân tích trưởng tại Công ty chứng khoán Fujitomi Securities cho biết.

Nhiều quốc gia đang cách áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại mới nhằm ứng phó với số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh do biến thể nguy hiểm Delta.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã kích hoạt các biện pháp chống dịch mới, khiến các hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng toàn cầu đều bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc cũng đều áp đặt các lệnh hạn chế công suất bay.

Trong khi đại dịch kéo nhu cầu nhiên liệu sụt giảm, nguồn cung dầu mỏ vẫn tăng đều đặn. Baker Hughes, một trong những Công ty dịch vụ mỏ dầu lớn nhất thế giới, nhận định sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng lên và các công ty khoan dầu đã bổ sung thêm giàn khoan trong tuần thứ 3 liên tiếp.

Tuy vậy, đồng đô la Mỹ trượt giá đã cứu vớt giá dầu. Chiyoki Chen, nhà phân tích trưởng của Sunward Trading cho biết: "Đồng đô la Mỹ mềm giá hơn đã thúc đẩy các nhà đầu tư giành lại vị thế của họ".

Chỉ số đô la Mỹ so với 6 đồng tiền mạnh khác được giao dịch ở mức 93,349, trượt nhẹ sau khi chạm mức cao nhất trong hơn 9 tháng qua vào ngày 20/8 với mức 93,734.

Các nhà đầu tư cũng đang điều chỉnh lại tâm thế trước khi diễn ra Hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên Jackson Hole do Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tổ chức tại Wyo.

Về khả năng Fed cắt giảm quy mô gói kích thích tiền tệ, ông Ole Hansen, Trưởng bộ phận phân tích hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho rằng: "Mặc dù Covid-19 vẫn là mối đe dọa đối với triển vọng nhu cầu ngắn hạn, nhưng bất chấp những tín hiệu cải thiện ở Trung Quốc, hội nghị thượng đỉnh Jackson Hole tuần này có thể gợi ra một số ý tưởng về thời điểm cắt giảm".

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục