Vì sao doanh thu dầu mỏ của Nga tăng mạnh bất chấp trừng phạt?

0:00 / 0:00
0:00
Việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến Moscow phải hứng chịu các lệnh trừng phát khắc nghiệt. Tuy nhiên, doanh thu của Nga từ nhiên liệu hóa thạch vẫn tăng mạnh trong giai đoạn 100 ngày đầu chiến sự.
Nga thu về doanh thu kỷ lục 93 tỷ euro (135 tỷ USD) từ việc xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá trong 100 ngày đầu chiến sự. Ảnh: Bloomberg. Nga thu về doanh thu kỷ lục 93 tỷ euro (135 tỷ USD) từ việc xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá trong 100 ngày đầu chiến sự. Ảnh: Bloomberg.

Nga thu về doanh thu kỷ lục 93 tỷ euro (135 tỷ USD) từ việc xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá trong 100 ngày đầu chiến sự, theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CRECA) - một tổ chức có trụ sở ở Helsinki, Phần Lan. Khoảng 2/3 nguồn doanh thu này là từ dầu mỏ và phần lớn trong số còn lại là từ khí đốt tự nhiên.

Theo báo cáo của CRECA, EU chiếm 61% kim ngạch xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga trong 100 ngày đầu tiên của cuộc xung đột, trị giá khoảng 60 tỉ USD. Các nhà nhập khẩu hàng đầu khác là Trung Quốc với 13,2 tỷ USD; Đức 12,7 tỷ USD; Italy 8,2 tỷ USD; Hà Lan 8,4 tỷ USD; Thổ Nhĩ Kỳ 7 tỷ USD; Ba Lan 4,6 tỷ USD; Pháp 4,5 tỷ USD và Ấn Độ 3,6 tỷ USD.

“Tỷ lệ doanh thu hiện tại là chưa từng thấy, do giá tăng cao và khối lượng xuất khẩu cũng gần mức kỷ lục cao nhất của Nga”, ông Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại CRECA cho biết.

Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch là yếu tố quan trọng để tăng cường sức mạnh quân sự của Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2021, chỉ riêng doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt đã chiếm 45% ngân sách liên bang của Nga.

CRECA ước tính, doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã vượt chi tiêu của Moscow cho cuộc chiến ở Ukraine.

Trong khi đó, giới chức Ukraine tiếp tục kêu gọi các quốc gia trên thế giới và các công ty chấm dứt hoàn toàn việc giao thương với Nga.

“Chúng tôi đã đề nghị thế giới làm mọi điều có thể để ngăn chặn Nga và cỗ máy chiến tranh khỏi mọi nguồn tài chính có thể, nhưng điều này mất quá nhiều thời gian”, ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine cho biết.

Ukraine cũng đã theo dõi hoạt động xuất khẩu của Nga và ông Ustenko mô tả các con số của CRECA có vẻ như đang đứng về phía Moscow và nhiên liệu hóa thạch tiếp tục là nguồn cung cấp tài chính cho chiến dịch quân sự của Nga.

Giá tăng cao đem lại doanh thu lớn

Mặc dù xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã bắt đầu giảm về mặt khối lượng, do nhiều quốc gia và nhiều công ty né tránh giao dịch với Nga, nhưng giá tăng không chỉ bù lại những tác động của việc giảm khối lượng xuất khẩu, thậm chí còn mang lại cho Nga doanh thu lớn hơn.

Nghiên cứu cho thấy, giá xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga trung bình cao hơn khoảng 60% so với năm 2021, mặc dù đã tính đến cả thực tế dầu mỏ Nga được giao dịch ở mức thấp hơn 30% so với giá thị trường thế giới.

Đặc biệt, châu Âu cho đến nay vẫn đang phải chật vật tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Liên minh châu Âu đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga, mua ít hơn 23% trong 100 ngày đầu chiến sự Nga-Ukraine so với cùng kỳ năm 2021.

Dù vậy, doanh thu của Gazprom, tập đoàn năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu của nhà nước Nga, vẫn cao hơn gấp 2 lần so với năm trước nhờ giá khí đốt tăng cao, theo CRECA.

EU cũng giảm nhập khẩu dầu mỏ Nga, vốn đã giảm 18% trong tháng 5. Tuy nhiên sự sụt giảm ở châu Âu lại được bù lại ở Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), do đó không có sự thay đổi trong khối lượng xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Ấn Độ trở thành nhà nhập khẩu quan trọng của dầu mỏ Nga, đã mua 18% khối lượng xuất khẩu của Nga trong giai đoạn 100 ngày đầu chiến sự.

Mỹ cũng đóng góp vào doanh thu của Nga, mặc dù Washington cấm nhập khẩu tất cả các nhiên liệu hóa thạch của Nga. Mỹ nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế từ Hà Lan và Ấn Độ, nhưng các nước này nhập khẩu dầu thô của Nga để tinh chế và đây chính là lỗ hổng để dầu mỏ của Nga vẫn có thể tới Mỹ.

Phương Tây tìm cách áp giá trần để giảm doanh thu của Nga

Các lệnh cấm vận khắc nghiệt hơn sẽ được thực thi. Cuối tháng 5 vừa qua, EU đã nhất trí lệnh cấm vận đối với gần 3/4 dầu mỏ Nga được vận chuyển bằng tàu biển tới lục địa này, mặc dù phải 6 tháng sau đó mới chính thức có hiệu lực. Anh tuyên bố sẽ giảm dần nhập khẩu dầu mỏ Nga đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia, những nước mua dầu mỏ Nga qua đường ống dẫn, là ngoại lệ. Các tàu vận tải thuộc sở hữu của Mỹ và châu Âu cũng sẽ vẫn tiếp tục vận chuyển dầu mỏ Nga.

Châu Âu cũng đang tăng tốc trong việc từ bỏ các nhiên liệu hóa thạch. EU đặt mục tiêu đến năm 2030, năng lượng sạch sẽ chiếm 63% trong mạng lưới điện, mục tiêu cao hơn so với dự kiến 53% trước đây.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuần trước cho biết Washington đang đàm phán với các đồng minh châu Âu về việc thành lập một liên minh nhằm áp đặt mức trần đối với giá dầu của Nga tương đương với giá sản xuất. Điều đó sẽ làm giảm doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga đồng thời đảm bảo dầu của Nga vẫn chảy vào các thị trường toàn cầu, ổn định giá cả và ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ông Ustenko hoan nghênh động thái như vậy là giải pháp tạm thời cho đến khi các lệnh cấm vận hoàn toàn được thực hiện. Ông cũng đề xuất các nước nên tách biệt giữa mức giá toàn cầu với mức giá trần đối với dầu mỏ Nga và chuyển chúng vào một quỹ tái thiết Ukraine.

“Khi đó chúng ta có thể chặn Nga khỏi cỗ máy tài chính”, ông Ustenko nói.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục