Vì sao doanh nghiệp Việt khó chen chân làm ốc vít, sạc pin cho Samsung?

Một linh kiện cấp 2 là khuôn mẫu thì Samsung yêu cầu độ chính xác đến phần nghìn, trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đảm bảo chính xác đến phần trăm.
Rất ít doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia. Ảnh: Báo Thái Nguyên Rất ít doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Đã 3 năm kể từ khi các cuộc triển lãm, hội thảo của Samsung nhằm tìm kiếm đối tác cung cấp linh phụ kiện cho tập đoàn này đều đặn được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nhưng số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện, lọt vào "tầm ngắm" vô cùng ít ỏi.

Trong số 192 công ty Việt Nam có đủ năng lực trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của Samsung, chỉ 12 trong số này là nhà cung cấp số một, số còn lại là các nhà cung cấp cấp 2. Và 3 công ty trong số 12 nhà cung ứng cấp một đó là cung cấp linh phụ kiện điện tử, cơ khí…, số còn lại vẫn chỉ là bán bao bì, đóng gói sản phẩm.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp may mắn trở thành nhà cung cấp hiếm hoi được Samsung lựa chọn cho biết, trước khi trở thành đối tác của tập đoàn này, mỗi năm doanh thu công ty ông đạt gần 100 tỷ đồng. Để ký được hợp đồng chính thức, doanh nghiệp phải trải qua cuộc cải tổ sản xuất, quản lý dưới sự giám sát của chính các chuyên gia của tập đoàn này.

Tại Diễn đàn đối thoại chính sách đầu tư tổ chức mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, không hẳn vì các nhà đầu tư ngoại đưa ra yêu cầu quá khắt khe, mà “phải thưa thật là công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất khó phát triển, thậm chí muôn đời không làm được nếu không có sự đồng hành chia sẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)”.
"Sự khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, vấn đề là các doanh nghiệp thể hiện ý chí đến đâu", ông Dũng nói.
Những điều kiện để sàng lọc doanh nghiệp theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, là khắt khe, nhưng công bằng. Đơn cử, lãnh đạo Samsung đề cập 18 tiêu chí (chất lượng, thời gian giao hàng, giá cả…) đều sẽ lọt vào “tầm ngắm” của tập đoàn. Nhưng thực tế, điều này không hề dễ dàng.

"Nếu không có sự hỗ trợ của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam muôn đời không làm được và phát triển công nghiệp hỗ trợ chỉ là khẩu hiệu, ước mơ."

 - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Ví dụ, với một linh kiện cấp 2 là khuôn mẫu thì Samsung yêu cầu độ chính xác đến phần nghìn, trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đảm bảo chính xác đến phần trăm. Vì thế, phía Việt Nam chủ yếu tham gia khâu lắp ráp - khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong cơ cấu chuỗi giá trị.
“Muốn làm vậy, doanh nghiệp FDI phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Chừng nào doanh nghiệp FDI coi mình là doanh nghiệp Việt Nam, phát triển lâu dài trên tinh thần cộng hưởng, 2 doanh nghiệp sẽ gặp nhau, khắc phục nhược điểm của doanh nghiệp FDI”, GS Nguyễn Mại bình luận.
Tiết lộ rằng bản thân đã tham dự rất nhiều hội thảo liên quan tới phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng quan điểm: "Nếu không có sự hỗ trợ này, doanh nghiệp Việt Nam muôn đời không làm được và phát triển công nghiệp hỗ trợ chỉ là khẩu hiệu, ước mơ”. Ông cũng đề cập tới 3 cấp độ của công nghiệp hỗ trợ, mà cấp độ nào doanh nghiệp Việt cũng đều khó đáp ứng.
Ở cấp độ cao nhất đòi hỏi trình độ công nghệ cao, bí quyết công nghệ thì thường nằm ở những tập đoàn lớn. Họ phải giữ bí quyết, làm phụ tùng quan trọng. Tầng thấp nhất, theo ông, là chỉ cần cung cấp phụ tùng, linh kiện nhanh, rẻ, thuận lợi. “Ở cấp này Việt Nam cũng không cạnh tranh được với các doanh nghiệp Trung Quốc, vì giá bán của họ rất thấp”, ông nói.
Nêu thực tế doanh nghiệp FDI luôn nói rất muốn hỗ trợ, mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam nhưng do doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng yêu cầu. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam thì lại nói "làm sao dám đầu tư khi không biết ai là người sẽ mua. Tôi đã nhỏ sao lại dám tham gia cuộc chơi mà không biết bán cho ai", Bộ trưởng Dũng đặt vấn đề: “Chuyện phát triển công nghiệp hỗ trợ, cung cấp linh phụ kiện… khiến chúng ta liên tưởng tới câu chuyện 'con gà, quả trứng'. Vậy ai sẽ làm trước?”, và ông thẳng thắn cho rằng trong những trường hợp như vậy rất mong cộng đồng doanh nghiệp FDI chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam, bằng cách hợp tác, bổ sung cái Việt Nam còn thiếu. Đặc biệt, có hỗ trợ thì doanh nghiệp Việt Nam mới tham gia được.

Theo Vnexxpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục