CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã DCM) đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lợi nhuận giảm mạnh. Cụ thể, tổng doanh thu mục tiêu là 7.956 tỷ đồng, cao hơn 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch đặt ra năm 2019. Nhưng lợi nhuận trước thuế và sau thuế dự kiến chỉ lần lượt đạt 57,02 tỷ đồng và 51,91 tỷ đồng. Trong khi, cùng kỳ năm trước, Đạm Cà Mau đặt kế hoạch lãi sau thuế là 240,6 tỷ đồng.
Mức lợi nhuận trên được xây dựng dựa trên công thức giá khí là 46%FO cộng thuế với giá khí là 60 USD/thùng. Công ty cho biết giá khí chính thức sẽ được cập nhật sau khi có phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Kế hoạch trên cũng dựa theo giả định cấp đủ khí PM3-CAA để vận hành 100% công suất thiết kế.
Đạm Cà Mau nằm trong cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau với 4 nhà máy được phân bổ nguồn khí đầu vào. Theo ông Trần Mỹ - thành viên HĐQT công ty, dù nhu cầu khí của Đạm Cà Mau rất nhỏ so với 2 nhà máy điện, nhưng hiện nguồn khí đang được ưu tiên cho 2 nhà máy điện sử dụng trước.
Giải thích thêm về việc lợi nhuận quý III của Đạm Cà Mau sụt giảm mạnh với lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 9 tỷ đồng, ông Mỹ cho biết Đạm Cà Mau đã dừng máy để thực hiện bảo dưỡng hằng năm. Biên lợi nhuận giảm mạnh do công ty vẫn phải ghi nhận các chi phí cố định. Ngoài ra, giá bán phân bón cũng đã sụt giảm rất sâu trong quý III vừa qua.
Lợi nhuận Đạm Cà Mau giảm mạnh vì thay đổi cơ chế giá khí
Trước đây, ở giai đoạn 2015 – 2018, Đạm Cà Mau được áp dụng cơ chế giá khí hợp lý. Lợi nhuận sau thuế hàng năm nằm trong khoảng 600 – 700 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ hiện tại đã tăng lên 5.294 tỷ đồng, theo kế hoạch kinh doanh trên, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Đạm Cà Mau sẽ đạt chưa đến 100 đồng.
Với kế hoạch lợi nhuận trên, Đạm Cà Mau dự kiến không đủ chia cổ tức. Tuy nhiên, phương án phân phối lợi nhuận cụ thể sẽ dựa trên kết quả kinh doanh thực tế của công ty. Kế hoạch mà Đạm Cà Mau đặt ra cho năm 2019 cũng khá thận trọng. Sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã vượt 28% mục tiêu đề ra.