Vì sao cổ phiếu họ HUD tắc thanh khoản?

Sau việc công bố kết quả thanh tra tại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) với nhiều vấn đề nổi cộm trong hoạt động đầu tư, cổ phiếu của nhiều công ty họ nhà HUD “chết đứng” do không có giao dịch.
Vì sao cổ phiếu họ HUD tắc thanh khoản?

Điểm qua các gương mặt họ nhà HUD đang có trên sàn, hiện có cổ phiếu HU1 của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng HUD1, HU3 của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng HUD3 và HLD của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản (Hudland).

Trong phiên giao dịch ngày 27/5, cả HU1 và HU3 đều không có giao dịch. Nhìn vào cán cân cung - cầu trên thị trường, số nhà đầu tư muốn bán khá nhiều, nhưng điều đặc biệt là, bên bán không muốn bán ra với giá thấp, dẫn đến cung - cầu không gặp được nhau. Riêng cổ phiếu HLD vẫn có giao dịch, nhưng thanh khoản khá thấp và giá giảm từ mức 19.300 đồng/cổ phiếu xuống còn 18.900 đồng/cổ phiếu.

Sự lạnh nhạt của giới đầu tư đối với các cổ phiếu họ nhà HUD xuất phát từ kết luận do Thanh tra Chính phủ vừa công bố với nhiều sai phạm trong đầu tư của HUD. Trong đó, nhiều khoản đầu tư của HUD đang trở thành gánh nặng đối với “đại gia” ngành xây dựng này.

Một trong những khoản đầu tư lớn bị mắc kẹt của HUD là khoản đầu tư lên tới 516,55 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao. Dự án xây dựng nhà máy xi măng chậm tiến độ, chi phí đầu tư phát sinh lớn, giá thành sản xuất tăng cao, thiếu vốn hoạt động và hoạt động không hiệu quả. Đến cuối năm 2012, lỗ lũy kế tại dự án này đã lên tới 305 tỷ đồng.

Khoản đầu tư thất bát khác của HUD là số tiền hơn 161 tỷ đồng góp vào Công ty cổ phần Phát triển nhà xã hội HUD.VN. HUD.VN đã sử dụng hầu hết các khoản vốn góp cùng HUD để mua đất thực hiện Dự án Ánh Dương và các dự án ủy quyền đầu tư kinh doanh của HUD sai quy định, dẫn đến tài chính khó khăn, kinh doanh trì trệ, không hiệu quả kéo dài, lãng phí vốn đầu tư.

Một số khoản đầu tư khác của HUD cũng trong hoàn cảnh tương tự, như khoản đầu tư hơn 46 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Thép Sông Hồng và khoản 72 tỷ đồng đầu tư vào Quỹ Đầu tư Việt Nam. Đây đều là các khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả.

Trở lại câu chuyện giao dịch của các cổ phiếu họ nhà HUD, thái độ băng giá của giới đầu tư đối với các cổ phiếu này có thể chỉ là tạm thời. Lý do là, áp lực của HUD trong việc thoái những khoản đầu tư không hiệu quả chủ yếu là tại các doanh nghiệp ngoài ngành, trong khi các công ty con của HUD đang niêm yết vẫn đang kinh doanh khá tốt và đều có lợi nhuận tích lũy.

Trong quý I/2015, HUD1 đạt lợi nhuận sau thuế gần 1,9 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức lợi nhuận 1,1 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết quý I/2015, nguồn vốn chủ sở hữu của HUD1 là 164 tỷ đồng, tăng hơn 64 tỷ đồng so với vốn góp 100 tỷ đồng. Trong đó, HUD1 có khoản thặng dư vốn hơn 23,3 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối hơn 11,7 tỷ đồng.

HUD3 cũng có lợi nhuận sau thuế quý I/2015 đạt 992,5 triệu đồng, tăng đột biến so với hơn 191 triệu đồng cùng kỳ năm 2014. Hiện tại, vốn chủ sở hữu của HUD3 ở mức 175 tỷ đồng, vượt khá nhiều so với vốn góp 100 tỷ đồng. Ngoài khoản tích lũy khá lớn cho vốn đầu tư phát triển (hơn 49 tỷ đồng), hiện lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của HUD3 là 15,7 tỷ đồng.

Riêng đối với Hudland, tình hình kinh doanh quý I/2015 không thực sự vượt trội so với năm ngoái như những người anh em khác là HUD1 và HUD3, nhưng với lợi nhuận sau thuế là 15,8 tỷ đồng, chỉ giảm rất nhẹ so với kết quả 15,9 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014.

Tuy nhiên, Hudland lại có điểm vượt trội hơn so với HUD1 và HUD3 ở chỗ, vốn chủ sở hữu đã tích lũy cao hơn 2,5 lần so với vốn góp. Cụ thể, vốn góp chủ sở hữu tại Hudland là 200 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu đã lên tới hơn 454 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận chưa phân phối của Hudland hiện ở mức hơn 103 tỷ đồng và công ty này có một khoản quỹ đầu tư phát triển khá dồi dào, với hơn 151 tỷ đồng.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục