Nhà nước không nắm cổ phần chi phối
Theo Đề án Tái cơ cấu ngành xây dựng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục phải rà soát các dự án đầu tư trên phạm vi cả nước; tiến hành phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với kế hoạch phát triển từng loại bất động sản của từng địa phương; nghiên cứu, giải quyết tình trạng các dự án khu đô thị mới dở dang, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp ngành xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xây dựng theo hướng Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp này. Đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại, bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Đặng Văn Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2015, về cơ bản, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành công tác cổ phần hóa đối với tất cả các tổng công ty. Chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần, doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi về thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi có sự tham gia của các cổ đông chiến lược có tiềm lực tài chính, doanh nghiệp có thể thay đổi hệ thống quản trị, công nghệ, thiết bị và có cơ hội phát triển sang giai đoạn mới.
“Bản thân các doanh nghiệp phải rất nỗ lực khi phải cạnh tranh một cách sòng phẳng theo cơ chế thị trường mà không còn chỗ dựa là Nhà nước”, ông Long nhấn mạnh.
Thách thức với nhiều “đại gia”
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong số 12 nhiệm vụ đặt ra cho ngành xây dựng năm 2015, thì nhiệm vụ tổ chức thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành xây dựng; tích cực thực hiện cổ phần hóa các tổng công ty nhà nước thuộc Bộ theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được ưu tiên đặc biệt. Đơn vị nào không thực hiện nghiêm túc hoặc chậm trễ trong việc thực hiện cổ phần hóa, người đứng đầu sẽ bị thay thế, phải chuyển sang làm công tác khác.
Số vốn đầu tư mà các doanh nghiệp ngành xây dựng sử dụng hầu hết tập trung vào lĩnh vực hạ tầng đô thị và phát triển nhà, với 58.284 tỷ đồng, chiếm 60,5% tổng vốn đầu tư. Trong số vốn đầu tư được các doanh nghiệp ngành xây dựng sử dụng, hầu hết là vốn vay thương mại, chiếm trên 90% kế hoạch vốn hàng năm của các doanh nghiệp.
Điều đáng nói là, số vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp ngành xây dựng mới chỉ đạt 33,04% kế hoạch. Kế hoạch đầu tư ban đầu do các doanh nghiệp ngành xây dựng đề xuất và được Bộ Xây dựng phê duyệt cho giai đoạn 2011 - 2015 lên đến 291.352 tỷ đồng. Tuy nhiên, do sự trầm lắng của thị trường bất động sản, nên số vốn đầu tư thực tế chỉ là 96.253 tỷ đồng.
Nếu nhìn từ góc độ tồn kho bất động sản hiện tại, thì việc không đạt kế hoạch đầu vtư của các doanh nghiệp ngành xây dựng có thể xem là điều may mắn. Đề án Tái cơ cấu ngành Xây dựng mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là thách thức lớn với các “đại gia” bất động sản một thời, song đó cũng là “liều kháng sinh” mạnh để các doanh nghiệp ngành này thoát khỏi chiếc “tổ kén” Nhà nước để đi trên đôi chân của chính mình.