Vì sao các nhà đầu tư nên để mắt đến Ngân hàng trung ương Nhật Bản vào năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự thay đổi trong khuôn khổ chính sách tiền tệ của Nhật Bản là một trong những điều mà các nhà đầu tư sẽ hết sức chú ý vào năm 2024.
Vì sao các nhà đầu tư nên để mắt đến Ngân hàng trung ương Nhật Bản vào năm 2024

Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản đã áp dụng chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trong nỗ lực gần như không thành công nhằm kích thích nền kinh tế đang trì trệ. Lãi suất ở Nhật Bản đã ở mức dưới 0 kể từ năm 2016 và chưa bao giờ vượt quá 1% trong thiên niên kỷ này.

Các hình thức chính sách tiền tệ khác cũng đã được thử nghiệm. Kiểm soát đường cong lợi suất, trong đó ngân hàng trung ương can thiệp vào thị trường trái phiếu nhằm cố gắng đạt được một mức lãi suất nhất định, được đưa ra vào năm 2016 sau nhiều năm nới lỏng định lượng mạnh mẽ.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) hiện sở hữu 70% tổng số trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 5 năm và hơn 80% trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngày càng chắc chắn rằng sự thay đổi sẽ đến sớm hơn.

Lạm phát - điều gần như không tồn tại ở Nhật Bản trong suốt 30 năm qua - đã tăng lên 3,3%. Lạm phát cơ bản được dự đoán sẽ tăng chậm trong khi kỳ vọng lạm phát toàn phần cũng tăng vừa phải.

Trong cuộc họp cuối cùng trong năm 2023, ngân hàng trung ương xác nhận rằng lãi suất sẽ vẫn ở mức âm, nhưng Thống đốc BOJ cho biết nền kinh tế đang “tiến đều đặn để đạt được lạm phát ổn định ở mức 2%”.

Mặc dù vẫn chưa có thay đổi nào xảy ra, nhưng nhiều nhà phân tích kỳ vọng rằng BOJ sẽ mạnh dạn thay đổi hướng đi sau vòng đàm phán lương mới nhất, diễn ra vào mùa xuân năm sau. Các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng điều này sẽ cho thấy lạm phát do nguyên nhân trong nước nhiều hơn.

Neil Wilson, nhà phân tích của Finalto cho biết: “Những cuộc đàm phán vào mùa xuân này là chìa khóa để đạt được lạm phát bền vững - họ không muốn duy trì tình trạng giảm phát lâu dài”.

Nhưng sau nhiều năm chính sách lỏng lẻo, những thay đổi trong chính sách tiền tệ có nguy cơ gây ra những xáo trộn tài chính lớn.

Mối nguy hiểm trong nước là các quỹ đầu tư Nhật Bản phải đối mặt với tình huống không khác gì cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu chính phủ Anh vào mùa thu năm ngoái.

Nếu BOJ từ bỏ việc kiểm soát đường cong lợi suất, lợi suất có thể sẽ tăng và giá trái phiếu sẽ giảm (lợi suất trái phiếu và giá di chuyển ngược chiều). Sau đó, giá trái phiếu giảm khiến các nhà đầu tư có nguy cơ mất khả năng thanh toán, trong một số trường hợp buộc họ phải bán tài sản nhằm cố gắng củng cố vị thế của mình, nhưng điều này chỉ khiến giá trái phiếu giảm xuống, bắt đầu một vòng luẩn quẩn.

Marcel Thieliant, người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Capital Economics cho biết, đây không phải là rủi ro lớn đối với các quỹ hưu trí Nhật Bản vì họ chỉ nắm giữ khoảng 5% số trái phiếu chính phủ đang lưu hành.

Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm có nguy cơ lớn hơn. Các công ty bảo hiểm nắm giữ khoảng 20% số nợ tồn đọng của chính phủ, khiến họ có nguy cơ mất khả năng thanh toán nếu giá trái phiếu giảm mạnh. Các công ty bảo hiểm cũng nắm giữ ít tài sản lưu động hơn, nghĩa là họ có nhiều rủi ro hơn từ việc bán tháo trái phiếu.

Trong khi những mối nguy hiểm trong nước là có thật, các nhà đầu tư toàn cầu cũng lo lắng về những tác động lan tỏa có thể xảy ra.

Lợi suất thấp được chào bán ở Nhật Bản đã khuyến khích các nhà đầu tư chuyển sang thị trường quốc tế. IMF ước tính danh mục tài sản đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản đạt 5.000 tỷ USD trong quý IV/2020, gấp đôi mức trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Điều này được thúc đẩy bởi khả năng vay vốn rẻ ở Nhật Bản, nơi lãi suất âm và đầu tư số vốn đó vào thị trường toàn cầu của các nhà đầu tư.

Gordon Shannon, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Twenty Four Asset Management cho biết: “Việc vay bằng đồng yên với giá rẻ và đầu tư vào tài sản nước ngoài là cách kiếm tiền dễ dàng đối với những người liên quan”.

“Nhưng ngay cả dự đoán một ít về sự thay đổi của BOJ cũng sẽ khiến một số người tham gia rời khỏi giao dịch chênh lệch lãi suất, một lần nữa làm giảm nhu cầu đối với tài sản nước ngoài”, ông cho biết.

Nếu và khi lãi suất ở Nhật Bản bắt đầu tăng, các nhà đầu tư trong nước có thể sẽ rút lui phần nào khỏi sự hiện diện trên thị trường quốc tế, điều này có thể có tác động rất lớn đến sự ổn định tài chính tại thời điểm đã có nhiều biến động trên thị trường trái phiếu.

Các nhà đầu tư Nhật Bản là những người nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ lớn nhất bên ngoài Mỹ. Họ là những người nắm giữ trái phiếu chính phủ lớn ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, bao gồm khoảng 10% trái phiếu của Úc và Hà Lan. Họ cũng có sự hiện diện đáng kể ở Anh, sở hữu khoảng 5% trái phiếu chính phủ và từ 1 - 2% cổ phần của Anh.

Nếu các nhà đầu tư Nhật Bản thay đổi hành vi một cách có ý nghĩa, thị trường vốn đã lo lắng cũng có thể gặp phải một lượng lớn sự không chắc chắn.

Các tổ chức quốc tế đã cảnh báo về những nguy hiểm mà điều này có thể gây ra đối với nền kinh tế, đặc biệt nếu những thay đổi không được báo hiệu rõ ràng cho những người tham gia thị trường.

IMF đã cảnh báo hồi tháng 4/2023 rằng: “Điều bắt buộc là BOJ phải truyền đạt rõ ràng ý định của mình để tránh những biến động không đáng có và giảm thiểu tác động lan tỏa trên thị trường tài chính toàn cầu”.

Vì vậy, hãy chú ý đến BOJ vào năm 2024.

Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục