Hành lang pháp lý về quỹ mở đã có, được coi là cứu cánh đối với các quỹ đầu tư nội địa dạng đóng. Tuy nhiên, trong đại hội NĐT của hai quỹ VF1 và VF4 mới đây, khi đi sâu thảo luận đến các yếu tố kỹ thuật, cả giới chuyên môn và NĐT nhận thấy, việc chuyển sang quỹ mở không dễ như kỳ vọng.
Chuyển đổi cần 8 - 15 tháng
Hai vấn đề lớn nhất đối với các chứng chỉ quỹ đại chúng hiện nay là mức chiết khấu và thanh khoản. Việc chuyển đổi mô hình quỹ đóng thành quỹ mở được coi là giải pháp giải quyết triệt để hai thách thức này và tăng sức hấp dẫn cho các chứng chỉ quỹ. Vì vậy, đại hội NĐT thường niên của VF1 và VF4 mà CTCP Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) đang quản lý đều dành thời gian để thảo luận về vấn đề này.
Khác VF4, VF1 chỉ thảo luận, chứ chưa biểu quyết chuyển đổi mô hình thành quỹ mở
Tại đại hội NĐT của VF1, ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc VFM cho biết, theo quy định hiện hành, danh mục đầu tư của các quỹ mở phải là các tài sản có thanh khoản tốt. Riêng với các cổ phiếu chưa niêm yết bị khống chế tỷ lệ không vượt quá 10% giá trị tài sản ròng (NAV) và phải đạt yêu cầu có cam kết bằng văn bản sẽ niêm yết trong vòng 12 tháng. Với danh mục 39 cổ phiếu mà VF1 đang nắm giữ, giới hạn 10% đã bị vượt qua. Muốn chuyển đổi mô hình, giảm tỷ lệ xuống giới hạn cho phép, VF1 chỉ còn cách bán ra các cổ phiếu OTC.
Đáng ngại nhất là có cổ phiếu có thể giải quyết dứt điểm trong vòng 3 - 4 tháng, nhưng cũng có loại phải dự kiến mất tới 12 tháng. Với riêng thách thức này, VF1 ước lượng thời gian chuyển đổi nếu thông suốt cũng mất tới 15 tháng. Tức là việc chuyển đổi thành công cũng chỉ sớm hơn thời hạn đóng quỹ VF1 vào tháng 5/2014 vài tháng. Vì vậy, khá dễ hiểu khi vấn đề này chỉ dừng lại ở mức thảo luận, mà không được đề nghị biểu quyết tại đại hội.
Việc chuyển đổi VF4 tỏ ra khả thi hơn “người anh” VF1 khi đại hội NĐT của VF4 đã biểu quyết “thông qua chủ trương chuyển đổi mô hình thành quỹ mở và đồng ý ủy quyền cho Ban đại diện quỹ trình phương án chi tiết vào thời điểm thích hợp”.
Tại thời điểm cuối năm 2011, 94% danh mục của quỹ tập trung vào các cổ phiếu blue-chip niêm yết, cổ phiếu OTC duy nhất là PV Gas có mức thanh khoản tốt trên thị trường và về định hướng cũng lên sàn trong năm 2012.
Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Khánh Lynh, Phó tổng giám đốc VFM chỉ ra một vấn đề khó khăn ở yếu tố kỹ thuật. Đó là TTCK Việt Nam đang thiếu hành lang pháp lý cho việc hủy niêm yết tự nguyện. Muốn chuyển đổi, VF4 phải rời sàn HOSE và ngưng giao dịch khoảng 3 tháng trước khi các NĐT có thể mua bán chứng chỉ quỹ trực tiếp. VF4 ước lượng, nếu hành lang pháp lý thông suốt, việc chuyển đổi cũng mất khoảng 8 tháng.
Thách thức từ nhiều phía
Bên hành lang đại hội, ông Lynh cho ĐTCK biết, đã nộp hồ sơ thành lập quỹ mở VFM-30 cho cơ quan quản lý từ cuối tháng 2. Quy mô ban đầu ở mức 50 tỷ đồng. Như tên gọi, về bản chất VFM-30 giống như một quỹ đầu tư chỉ số (ETF), nhưng khác biệt là không được niêm yết, mà NĐT giao dịch trực tiếp với công ty quản lý quỹ.
Theo ông Lynh, sức hấp dẫn của các quỹ mở đại chúng manh nha như VFM-30 thời gian tới phụ thuộc khá nhiều vào “số phận” của các chứng chỉ quỹ đóng hiện tại. Việc chuyển đổi là giải pháp duy nhất tăng sức hấp dẫn của các chứng chỉ quỹ niêm yết, nhưng khi VFM đi sâu vào nghiên cứu, thì thấy phát sinh nhiều nút thắt.
Đơn cử, giới hạn của “room” NĐT nước ngoài trên TTCK hiện nay là 49% (với ngân hàng là 30%). Với các chứng chỉ quỹ niêm yết, Trung tâm Lưu ký chứng khoán giám sát giới hạn này, nhưng với chứng chỉ quỹ mở, NĐT mua bán trực tiếp với công ty quản lý quỹ, làm sao để giao dịch phù hợp với các quy định quản lý vốn gián tiếp hiện tại?
Bên cạnh nút thắt về pháp lý, hạ tầng công nghệ cũng gặp khó khăn. Ông Minh cho biết, trên thị trường tài chính hiện nay không có quá 3 ngân hàng có thể cung cấp dịch vụ cho các công ty quản lý quỹ. Ban đầu, VFM dự kiến cho phép NĐT giao dịch chứng chỉ quỹ mở 2 tháng một lần, còn muốn rút ngắn thời gian, cần chờ đợi thêm… 2 năm, khi các đơn vị cung cấp dịch vụ sẵn sàng. Ngoài ra, thanh khoản thất thường của TTCK Việt Nam là thách thức lớn với các công ty quản lý quỹ trong trường hợp cần giảm nhanh danh mục, thu tiền về để mua lại chứng chỉ quỹ khi NĐT có yêu cầu.
Trong cuộc hội thảo về quỹ mở cách đây tròn một năm, ông Henk Ruitenberg, Tổng giám đốc Quỹ EastSpring (Prudential cũ) chia sẻ với các khách tham dự rằng, quỹ sẽ không chuyển đổi thành quỹ mở do thực tiễn tại các thị trường tài chính cho thấy, việc chuyển đổi mất rất nhiều công sức và thời gian.
Mùa ĐHCĐ năm nay, VF4 là quỹ đầu tư đại chúng đầu tiên đạt được đồng thuận về chủ trương chuyển đổi, tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố kỹ thuật thách thức ở phía trước.