Sẽ hồi phục lại từ cuối năm 2024
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), 10 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí của ngành bảo hiểm nhân thọ đạt 127.000 tỷ đồng, giảm 10,93% so với cùng kỳ năm 2022. Theo cơ quan này, trong lịch sử 20 năm, chưa bao giờ bảo hiểm nhân thọ ghi nhận kết quả doanh thu phí tăng trưởng âm như 10 tháng năm 2023.
Theo ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM, thị trường bảo hiểm đang trải qua những thách thức chưa từng có, nhưng đây chính là cơ hội để thị trường phát triển chuyên nghiệp hơn, các đại lý chân chính phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
“Thị trường bảo hiểm sẽ sớm quay lại đà phục hồi và phát triển từ sau quý III/2024. Trong đó, cũng giống như xu hướng của các lĩnh vực khác, mảng kinh doanh online bảo hiểm sẽ ngày càng phát triển và bùng nổ”, ông Vinh nhận định.
Cũng dự báo thị trường bảo hiểm sẽ hồi phục trở lại từ cuối năm 2024, nhưng nhiều chuyên gia và doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, thị trường sẽ khó phát triển trở lại như trước đây.
“Những người trong ngành động viên nhau rằng, cuối năm 2024, đầu năm 2025, cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ ấm dần, doanh thu sẽ khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, theo nhận định của tôi, đến 5 năm nữa, thị trường cũng khó có thể trở lại như cũ”, ông Đặng Đình Chính, Giám đốc Công ty Dịch vụ bảo hiểm ITmedia Việt Nam dự báo.
Theo ông Chính, giai đoạn 2008 - 2022 (15 năm) là giai đoạn phát triển hoàng kim nhất của ngành bảo hiểm nhân thọ. Đây là giai đoạn có nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ gia nhập thị trường Việt Nam và hàng loạt hội thảo khách hàng, hội thảo nghề nghiệp về bảo hiểm được các công ty bảo hiểm tổ chức tại khắp các vùng miền tại Việt Nam. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã thay đổi, đặc biệt là sự phát triển của mạng xã hội, buộc các công ty phải thay đổi để thích nghi theo.
Chính sự phát triển của mạng xã hội đã khiến ngành bảo hiểm nhân thọ đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin chưa từng trong năm 2023 và được coi là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của thị trường hiện nay, bên cạnh khó khăn của bối cảnh kinh tế chung.
Ông Lê Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TC Advisors (TCA) - công ty hoạt động theo mô hình đại lý tổ chức - đánh giá, thị trường bảo hiểm Việt Nam và cả khách hàng đã thay đổi mãi mãi, không thể quay lại như xưa.
Về mức độ gia tăng doanh thu phí mới, theo ông Hải, còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp bảo hiểm có thay đổi hay không.
“Với mức nền thấp của năm 2023, rất dễ bị đánh lừa và hưng phấn khi tăng trưởng trở lại năm 2024, nhưng nếu cách làm không đổi, thì kịch bản sụt giảm có thể lặp lại sau 2 - 3 năm”, ông Hải cho biết.
Cần một cuộc “đại phẫu”
Theo ông Hoàng Gia Phong, chuyên gia đào tạo đại lý bảo hiểm, đã đến lúc thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cần một cuộc “đại phẫu” toàn diện. Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong thời gian dài đã hoạt động không chuẩn chỉnh, nhiều công ty bảo hiểm chạy theo doanh số, tuyển người ồ ạt mà không đào tạo bài bản, tử tế, không nêu cao đạo đức nghề nghiệp, mà chỉ chú trọng doanh thu, dẫn đến để nhân viên, đại lý làm bậy, làm bừa.
“Hệ lụy là khách hàng mất niềm tin, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân doanh nghiệp, mà còn cả ngành. Do đó, cần phải có một cuộc ‘đại phẫu’ sâu rộng để làm trong sạch thị trường, lấy lại niềm tin của khách hàng”, ông Phong cho biết.
Tại Hội nghị Định phí bảo hiểm Việt Nam 2023 (Vietnam Actuarial Conference 2023 - VAC 2023) với sự tham dự của hơn 350 chuyên gia trong và ngoài nước cùng thảo luận về chủ đề “Kỷ nguyên mới của ngành bảo hiểm” (The Next Insurance Era), nhiều chuyên gia cho rằng, trải qua năm 2023 đầy thăng trầm và biến động, đây chính là lúc toàn ngành bảo hiểm cùng chung tay khôi phục niềm tin thị trường, mở ra một chương mới hướng tới sự phát triển bền vững.
Theo ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential, những thử thách và thay đổi trong năm 2023 đã mở ra kỷ nguyên mới cho ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, đặc biệt là sau khi Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành ngày 2/11/2023. Kỷ nguyên mới của ngành cần sự chung tay của tất cả các bên để mang lại sự tăng trưởng bền vững và đặt khách hàng làm trọng tâm.
Về phía cơ quan quản lý, theo bà Lý Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Bảo hiểm nhân thọ (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm), trong bối cảnh thị trường hiện nay, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khi xây dựng sản phẩm nên chọn đặt mục tiêu khôi phục niềm tin thị trường sau khủng hoảng truyền thông của ngành. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm phân phối qua ngân hàng (bancassurance) phải hướng tới cho doanh nghiệp, ngân hàng hợp tác hiệu quả và đảm bảo lợi ích bên mua qua kênh này.
Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, đến năm 2025, mục tiêu kế hoạch đặt ra là có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030, chỉ tiêu này tăng lên 18%. Các công ty bảo hiểm cũng cho biết, đang tập trung vào nhóm dân số già (trên 65 tuổi), bởi tới năm 2050, Việt Nam sẽ có thêm 17 triệu người già và đây cũng là nhóm dân số cần được bảo vệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và người trong ngành, để đạt được mục tiêu trên, quan trọng là đổi mới về cách bán, hay còn gọi là “chuyển hóa” chất lượng dịch vụ.
“Những bài học khủng hoảng từ các thị trường quốc tế đã chỉ ra rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất không phải chạy theo doanh thu, mà là cung cấp dịch vụ tốt, đặc biệt là dịch vụ bồi thường. Bởi hiện nay, nhiều đại lý bảo hiểm đã rời bỏ ngành và các công ty bảo hiểm đang cắt giảm chi phí bằng cách cắt giảm nhân sự, bao gồm cả nhân viên dịch vụ bồi thường, trong khi khách hàng (người tham gia bảo hiểm) đã trả phí và xứng đáng nhận được dịch vụ bồi thường tốt. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp khách hàng không thể liên hệ được với đại lý bảo hiểm khi cần bồi thường. Khi đến gặp nhân viên dịch vụ khách hàng và văn phòng của công ty bảo hiểm, họ ngậm ngùi khi thấy các văn phòng này đã đóng cửa và nhân viên quá tải công việc, không thể hỗ trợ họ giải quyết bồi thường, bởi thế rất cần một sự chuyển hóa về dịch vụ bồi thường”, ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TC Advisors cho biết.
Trước những vấn đề của thị trường bảo hiểm thời gian qua, cơ quan quản lý đã đưa ra một loạt quy định chặt chẽ và rõ ràng, thậm chí được coi là khắt khe về các sản phẩm, kênh phân phối, đào tạo, nghĩa vụ pháp lý của các doanh nghiệp và đại lý kinh doanh bảo hiểm, nội dung của hợp đồng bảo hiểm, chế tài xử lý đối với các hành vi sai phạm… để chấn chỉnh thị trường, tạo dựng lại niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên, để tạo dựng lại niềm tin cho khách hàng, theo các chuyên gia, cần có chế tài xử phạt các công ty bảo hiểm có tỷ lệ duy trì hợp đồng thấp và phát hiện hành vi lừa dối khách hàng, đồng thời ngăn chặn các công ty đó mở rộng hoạt động cho đến khi vấn đề được khắc phục.