Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố Báo cáo vĩ mô quý I/2016 chiều 12/4.
Báo cáo cho thấy tăng trưởng kinh tế quý I đạt thấp hơn kỳ vọng do nhiều lĩnh vực suy giảm với những diễn biến kém khả quan so với cuối năm 2015. Báo cáo cũng dự báo lạm phát có khả năng tăng trở lại trong năm nay do áp lực điều chỉnh giá.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, tăng trưởng kinh tế quý I/2016 chỉ đạt mức 5,46%, thấp hơn mức 6,12 của cùng kỳ năm 2015.
“Tăng trưởng kinh tế quý I gây thất vọng do tăng trưởng công nghiệp suy yếu. Thông thường, tốc độ tăng trưởng trong quý I thường thấp hơn so với các quý tiếp theo trong năm, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là vấn đề rất cần lưu tâm”, ông Thành nhấn mạnh.
TS Thành nhận định, cùng với công nghiệp suy giảm tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp khó khăn cũng góp phần làm sụt giảm tốc độ tăng trưởng. Chỉ số PMI đạt mức trung bình 50,7 điểm trong quý I, phản ánh sự mở rộng khiêm tốn của khu vực sản xuất.
Đặc biệt, ông Thành cho biết chỉ số hoạt động kinh tế VEPI của VERP đã có một quý giảm mạnh nhất kể từ khi được đưa vào tính toán (từ quý I/2015 tới nay).
“Trong quý I năm nay, chỉ số này chỉ tăng xấp xỉ 4% so với mức tăng trung bình 5,6% trong năm 2015”, ông Thành cho hay.
Thông thường, tốc độ tăng trưởng trong quý I thường thấp hơn so với các quý tiếp theo trong năm, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là vấn đề rất cần lưu tâm.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu quý I giảm khoảng 5,1% so với cùng kỳ trong khi xuất khẩu tăng nhẹ 3,9%, đưa cán cân thương mại quý I sang trạng thái xuất siêu với mức thặng dư 0,7 tỷ USD.
Một biểu hiện rất bất thường mà TS Thành nhấn mạnh là bắt đầu từ quý III/2015 xuất hiện xu hướng dòng tiền gửi ở nước ngoài trên quy mô lớn sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ hồi tháng 8/2015.
Theo đó, cán cân thanh toán tổng thể chuyển từ trạng thái cân bằng sang thâm hụt lớn với mức thâm hụt lên tới 6,6 tỷ USD trong quý III/2015 do cán cân tài chính đổi chiều.
Theo Báo cáo của VERP, điều này cho thấy chính sách ngoại hối đang gây ra những tác động phụ rất cần được theo dõi chặt chẽ.
Đáng lưu ý, nhân tố mới xuất hiện là tiền gửi ở nước ngoài vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, thời điểm này tăng đột biến lên 7,3 tỷ USD.
“Đây là diễn biến bất thường có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng, cần phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ xu hướng, giải thích và dự báo”, báo cáo của VERP cảnh báo.
Dự báo về lạm phát năm nay, TS Nguyễn Đức Thành nhận định lạm phát rất có thể tăng trở lại ở mức 4-5% do áp lực điều chỉnh giá các dịch vụ công do nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, tuy nhiên điều này không quá lo ngại đối với nền kinh tế do lạm phát năm ngoái ở mức thấp, tuy nhiên cần lưu ý tác động tâm lý đối với người dân và có khả năng tác động tới tăng lãi suất.