Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảnh báo GDP có thể giảm vì hạn mặn

Hạn hán, xâm nhập mặn đang rất cấp bách, dù chưa có báo cáo nhưng chắc chắn quý này GDP sẽ sụt do mảng nông nghiệp giảm rất mạnh - Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cảnh báo.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh

Phát biểu tại họp tổ QH hôm qua (24/3), ông Bùi Quang Vinh nhấn mạnh phải vượt lên để giải quyết trước mắt vấn đề nan giải này của nông nghiệp. "Nhưng cũng phải tính căn cơ và lâu dài hơn vì biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn, phải nhờ quốc tế hỗ trợ", Bộ trưởng KH-ĐT nói.

Nông nghiệp cũng là trăn trở của nhiều ĐB khác. ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) thấy nông nghiệp đang đối mặt với thách thức kép: rủi ro với biến đổi khí hậu bên cạnh rủi ro về thị trường. "Liệu chúng ta có vượt qua được không?", ĐB lo lắng.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) thấy bức xúc nằm ở tổ chức quản lý thị trường: "60-70% dân số sống bằng nông nghiệp, nhưng tổ chức thị trường không làm tốt, hết chuyện hành tím ở Sóc Trăng đến khoai lang Vĩnh Long, thanh long miền Trung, dưa hấu Quảng Nam… Tại sao cứ để những lời kêu cứu của dân lặp lại hết năm này qua năm khác?".

ĐB Trịnh Thế Khiết cùng đoàn cũng đánh giá sản phẩm nông nghiệp còn tản mạn, manh mún, thiếu chiến lược lâu dài: “Chúng ta sản xuất, xuất khẩu lúa gạo rất nhiều nhưng đến nay gần như gạo VN chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế".

Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nêu giải pháp là nông nghiệp công nghệ cao: "Cơ chế chính sách đã có, còn lại là vấn đề kỹ thuật, đầu tư nguồn lực. Khi đó, với đội ngũ hiện nay, ta hoàn toàn có thể làm được, dù là vấn đề giống, chế biến sâu, bảo quản... Rất nhiều đối tác quốc tế sẵn sàng hợp tác với VN trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp".

ĐB Trương Trọng Nghĩa cùng đoàn đồng tình phải nâng giá trị gia tăng trong nông nghiệp: “Thời gian tới, ai có lương thực và nước ngọt sẽ có thế mạnh chi phối thị trường, thương lượng với thế giới. VN cần xây dựng các hồ lớn ở phía Bắc và Tây Nguyên để chủ động tích nước ngọt, điều tiết mùa hạn, cùng lúc khôi phục tỉ lệ che phủ rừng".

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chia sẻ giải pháp này: Không có dự báo chính xác, tầm nhìn dài hạn thì nông nghiệp có lúc trắng tay.

"Các nước thượng nguồn xây đập, chặn và làm cạn kiệt nguồn nước hạ lưu. Nước biển dâng do biến đổi khí hậu khiến ĐBSCL bị ngập mặn. Giải pháp là gì? Phải nghiên cứu đắp đê bao như vùng Bắc Bộ, chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa sang nuôi thuỷ sản, hoặc nghiên cứu quyết liệt giống lúa chịu được mặn", ông Đương nói.

"Cứ chầm chậm kéo dài thế này, hô hoán chỉ là giải pháp tình thế. Nước sinh hoạt còn không có lấy đâu ra nước uống, nước ăn".

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm sốt ruột đề nghị QH nghe Chính phủ báo cáo, "chỉ cần nửa tiếng đồng hồ", về tình hình thiên tai hiện nay: "Tây Nguyên rồi cả vùng ĐBSCL, cả diện rộng chứ không phải hẹp. Năm nay như vậy, năm sau dự báo sẽ như thế nào? QH không thể không nói gì về vấn đề này. QH có quyết sách gì cho người dân trước mắt và lâu dài?".

Vietnamnet

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục