VEC lại lo về 2 đại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành

Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang ngóng việc khơi thông nguồn thu từ cổ phần hóa để bổ sung vốn đối ứng phục vụ GPMB, xây dựng các khu tái định cư cho công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành.
Tình trạng “đứt bữa” vốn đối ứng cho các dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc – VEC làm chủ đầu tư được đánh giá là khá nghiêm trọng.

Theo VEC, tổng nhu cầu vốn đối ứng vốn năm 2015 cho đơn vị đầu tàu trong lĩnh vực đường cao tốc này lên tới 3.714 tỷ đồng, trong đó Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cần 1.479 tỷ đồng; Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cần 1.850 tỷ đồng; Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cần 385 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 23/3/2016, ngoài 1.080 tỷ đồng được ứng tạm từ nguồn thu phí các dự án do VEC đang khai thác, số vốn còn lại vẫn chưa được các bộ, ngành cân đối bố trí dù chủ đầu tư đã “kêu” từ tháng 3/2015.

Cần phải nói thêm rằng, ngoại trừ một lượng vốn đối ứng nhỏ dành cho chi trả thuế giá trị gia tăng của nhà thầu, phần lớn vốn đối ứng (thường chiếm 15-20% tổng mức đầu tư) tại các dự án ODA giao thông nói chung, các dự án đường cao tốc nói riêng được dành cho công tác giải phóng mặt bằng, nhưng việc vốn cấp không đủ đã làm chậm tiến độ chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng và khiến chủ đầu tư lỡ các cam kết với nhà tài trợ.

Đến ngày 23/3/2016, ngoài 1.080 tỷ đồng được ứng tạm từ nguồn thu phí các dự án do VEC đang khai thác, số vốn còn lại vẫn chưa được các bộ, ngành cân đối bố trí dù chủ đầu tư đã “kêu” từ tháng 3/2015

Trong khi đó, tại Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đến nay VEC đã hoàn thành bàn giao cọc giải phóng mặt bằng các địa phương, hiện địa phương đã phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Tại Dự án xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chủ đầu tư đã hoàn thành bàn giao cọc giải phóng mặt bằng và cọc lộ giới đường bộ của toàn tuyến chiều dài 139,3 km (100%) cho các địa phương, hiện nay địa phương đã cơ bản hoàn thành xong công tác đo đạc kiểm đếm và lên phương án đền bù.

Trong khi đó, VEC đang chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thành tiến độ các dự án, cụ thế: Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hiện đang phấn đấu hoàn thành đoạn tuyến JICA tài trợ trong năm 2016 và hoàn thành toàn bộ dự án vào giữa năm 2017; dự án Bến Lức - Long Thành phấn đấu hoàn thành Gói thầu J2 và đẩy nhanh thi công đoạn từ TP.HCM - Trung Lương đến Bình Chánh để đưa vào khai thác năm 2017, cũng như hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án Nội Bài - Lào Cai để dự án được khai thác đồng bộ và hiệu quả.

“Do vậy, việc bố trí vốn đối ứng kịp thời cho các dự án nói trên để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình công cộng là rất cấp bách. Tuy nhiên, đến nay, VEC vẫn chưa được giao kế hoạch vốn đối ứng bổ sung cũng như kế hoạch vốn năm 2016 cho các dự án nói trên”, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết.

Hiện cùng với rốt ráo xây dựng phương án vay vốn thương mại phục vụ cho các dự án, VEC đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc các bộ, ngành sớm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa để bổ sung cho các dự án ODA.

“Đây là giải pháp khả dĩ nhất để có thể xử lý tình trạng giật gấu, vá vai vốn đối ứng cho các dự án hạ tầng ODA trong giai đoạn hiện nay”, một chuyên gia cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục