VEAM quyết thoái vốn nhà nước về 36%

(ĐTCK) Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018 của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Ban lãnh đạo đã giải đáp nhiều chất vấn của cổ đông mà trọng tâm về triển vọng kinh doanh và việc thoái vốn Nhà nước.
VEAM quyết thoái vốn nhà nước về 36%

Duy trì lợi nhuận từ công ty liên doanh

Chia sẻ tại Đại hội, ý kiến của cổ đông cho rằng, VEAM đang phụ thuộc lớn vào 3 liên doanh là Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam. Cụ thể, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất động cơ và máy nông nghiệp, lắp ráp ô tô - xe máy, sản xuất phụ tùng, vốn là ngành nghề kinh doanh chính của VEAM nhưng không mang lại biên lợi nhuận gộp cao, khi lợi nhuận gộp mang về chỉ khoảng 620 tỷ đồng.

Hàng năm, Công ty đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế rất cao, chủ yếu nhờ khoản thu về từ công ty liên doanh, liên kết. Năm 2017, hạng mục này mang về cho VEAM tới 5.169 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với năm 2016. Do đó, bản thân Công ty phải vươn lên để nâng tầm quy mô cho tương xứng.

Trả lời cho câu hỏi về triển vọng của VEAM trong 2 năm tới, Ban lãnh đạo cho biết, kế hoạch năm 2018 đã được trình lên cổ đông với chỉ tiêu doanh thu công ty mẹ đạt 3.539 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.908 tỷ đồng, đều tăng trưởng mạnh so với năm 2017. Kết quả lợi nhuận trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.

Về lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết, lãnh đạo VEAM khẳng định, khoản tiền thu về năm 2018 sẽ không thấp hơn năm 2017.

Trong khi nhiều nhà đầu tư lo ngại về sự bão hòa thị trường xe máy sẽ khiến lợi nhuận từ Honda Việt Nam giảm mạnh, phía VEAM thông tin, Honda Việt Nam năm 2017 sản xuất 2,3 triệu xe máy, thị phần chiếm khoảng 71% tại Việt Nam và theo kế hoạch đến năm 2020, sản lượng sản xuất xe máy của Honda Việt Nam vẫn duy trì như hiện nay, mức lợi nhuận ước tính cũng sẽ duy trì. Nếu sau năm 2020, Chính phủ có chính sách khác như cấm xe máy tại các đô thị lớn thì Honda Việt Nam sẽ có giải pháp để xuất khẩu xe máy.

Nhà nước sẽ thoái 52% vốn trong năm

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc thoái vốn nhà nước, ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch HĐQT VEAM cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương phải thoái 53,57% vốn trong năm 2018. Khi đó, VEAM sẽ có 36% vốn nhà nước, còn lại là của các cổ đông khác.

Theo ông Chuyện, Bộ Công thương hiện đã thành lập Ban chỉ đạo thoái vốn tại VEAM, việc bán tiếp phần vốn nhà nước sẽ không có cổ đông chiến lược.

Do VEAM đã đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 2/7/2018 và dự kiến hoàn thành việc niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm 2018 nên việc thoái vốn sẽ được thực hiện theo hình thức khớp lệnh hoặc đấu giá công khai. Nếu việc đấu giá không thành công sẽ chuyển sang hình thức bán theo lô hoặc bán thoả thuận để giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ngay trong năm nay. Các thông tin liên quan đến việc thoái vốn này sẽ được VEAM cập nhật trên website doanh nghiệp để cổ đông tiện theo dõi.

Xác định 3 trụ cột phát triển

Chia sẻ với cổ đông, ông Bùi Quang Chuyện cho biết, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và các công ty con, VEAM tiếp tục xác định 3 trụ cột phát triển là động cơ - máy nông nghiệp, ô tô - xe máy và công nghiệp hỗ trợ.

Trước đó, trong năm 2017, Công ty vấp phải một số khó khăn trong ngành sản xuất ô tô và sản xuất máy nông nghiệp. Cụ thể, việc các sản phẩm máy nông nghiệp không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước so với sản phẩm nhập khẩu. Các sản phẩm chế tạo trong nước không được khấu trừ các chi phí đầu vào nên bị bất lợi về giá vốn trung bình 7% so với sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, thị trường ô tô tải có nhiều biến động do áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro4 cho tất cả các loại xe ô tô dùng động cơ diesel từ ngày 1/1/2018 và quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô nên tổng thị trường tiêu thụ giảm 10%, riêng xe lắp ráp trong nước giảm 15% so với năm 2016.

Trong bối cảnh này, VEAM sẽ đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, trong đó có thị trường xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu giảm tỷ lệ hàng tồn kho, đưa các dự án đầu tư nâng cao năng lực đã được phê duyệt vào triển khai, nhằm đưa vào hoạt động sớm, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục