"Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ"
Nhưng chính những người dân cuối cùng còn lại nơi đây đã nhấn mạnh với chúng tôi nhiều lần là từ "che" của "che chở". Mà nếu may mắn đặt chân đến đây du khách sẽ rất dễ hiểu vì sao có cái tên này.
Nha Trang giờ đông đúc lắm. Chuyện tắc đường, kẹt xe không chỉ du khách hay dân địa phương ta thán mà đã lên cả báo đài trung ương.
Cũng mừng cho sự phát triển của miền biển tươi đẹp thân thương, nhưng lại khá ngần ngại khi nghe bạn bè rủ rê lâu quá sao không về chơi. Rồi về nhưng với tiêu chí tự đặt là chỉ trốn ở những nơi nào vắng vẻ. Và quả là rất may mắn với hành trình lênh đênh ra bãi Che.
Lúc đầu nghe bãi nằm trên Hòn Tre cũng hơi ngại, chưa tin lắm. Vì những resort hiện đại, khu du lịch V, C... đông đúc, xây dựng nhân tạo bời bời đều nằm trên cái đảo lớn không xa lắm thị thành Nha Trang này.
Nhưng với cái gật đầu cam kết và được coi ké vài tấm hình của bạn chia sẻ về lần đi trước... mới yên tâm leo lên canô. Quả như ước nguyện, nguyên cái bãi mênh mang chỉ có nhóm chúng tôi ở bãi Che đêm đó dù là ngày cuối tuần và cũng là đêm rằm trăng sao vằng vặc.
Lượng khách đến Bãi Che khá ít, qua đêm càng hiếm hơn. -Ảnh: T.T.H.
Nói thêm tí về từ "may mắn" đề cập ở trên, không chỉ vì điều kiện kinh tế hay thời tiết. Nhiều năm trước chúng tôi lê lết bao lần ở bãi Trũ, một bãi biển đẹp nhất nhì Nha Trang cũng trên Hòn Tre này.
Ngày đó bãi vắng vẻ chỉ với một làng chài yên ả, nhưng rồi đã phải chia tay đi tìm những miền hoang sơ khác từ sau khi khu du lịch được xây lên.
Và giờ cũng có nghe phong thanh chuyện bãi Che lọt vào tầm ngắm, có dự định quy hoạch du lịch. Chuyện phát triển du lịch, việc cần có những dịch vụ, tiện nghi... khác nhau tùy thuộc sở thích, nhu cầu cá nhân.
Hạnh phúc đắm trong bình minh rực rỡ sắc màu.-Ảnh: T.T.H.
Nhưng với những người yêu thiên nhiên hoang sơ, việc đến được bãi Che ngày chưa xây xây dựng dựng này sẽ là rất may mắn.
"Yêu nhau, yêu cả đường đi lối về"
Buổi chiều hè nắng cháy tự nhiên chuyển xám mây lúc chiếc canô hướng về bãi Che. Nhưng mặt biển vẫn yên ả lạ lùng khi chúng tôi vào vịnh núi nhỏ ôm lấy bãi xinh.
Có lẽ đó là lý do bãi được đặt tên khi che chở cho những tàu thuyền nép vào tránh dông bão trùng khơi dữ dội.
Được ôm che bởi hai dãy núi vươn dài ra đến biển, bãi cát trắng mịn cong nhẹ theo hướng đông tây rất thú vị vì ngắm được cả bình minh và hoàng hôn biển. May mắn hơn nếu đến trúng ngày tròn trăng, sẽ được tưởng thưởng đêm thanh xanh ngắt.
Chỉ ba khu lán khá đơn sơ phục vụ du khách với những người dân đảo chân chất. Nhưng rất hiểu ý khách ở thời đại selfie lên ngôi nên nhấn nhá thêm vài cây dù trắng tinh, mấy cái vàng rực, thêm cái cầu phao bồng bềnh, võng treo ơ hờ dùng nghỉ ngơi hay làm đạo cụ diễn xuất gì cũng được...
Còn sót lại chiếc cổng hoa hơi điệu đà chắc của ai đó từng ra đây chụp hình đám cưới là hơi màu mè tí! Chỉ vậy thôi nhưng lên hình lại rất lung linh. Vì lúc khoe thân trên bãi cát trắng, khi thủy triều lên lại bồng bềnh nhân bóng trên mặt nước trong leo lẻo yên ả như mặt hồ.
Ngư dân giờ là đầu bếp không thua ai. --Ảnh: T.T.H
Vàng với xanh thì lộng lẫy. Xanh với trắng chợt chuyển tinh khôi... đủ các góc hình đẹp cho nam thanh nữ tú. Rồi thêm phông nền gần là bãi cát trắng mịn màng, bối cảnh rộng là dãy núi xanh ôm quanh khi lúp xúp cây bụi, lúc đòng đưa bóng dừa.
Một bãi đá lổn ngổn đổi tông cho những pô hình khi đã dư màu biển. Nhưng phải nói là dù có nhiệt tình vui chơi đến mấy, du khách đến đây nên ráng sức thức giấc đón bình minh rất đẹp, như các phó nháy rỉ tai nhau điểm săn hình trên các diễn đàn.
Chẳng biết phải may mắn (lại may mắn!) mà bình minh hôm đó lại quá đỗi sắc màu.
Một điểm cộng nữa cho chuyến đi bãi Che là canô không xuất phát từ cảng biển Cầu Đá mà từ bến nhỏ bên sông Cái. Nên sẽ có khá nhiều khung hình đẹp lạ khác cho khách chụp choẹt, rất hiếm có được cùng lúc chỉ trong một chuyến cưỡi ngựa xem hoa.
Từ cù lao xanh Champa đến Tháp Bà Poh Nagar sừng sững, cây cầu Trần Phú thanh thoát đến ngôi chùa nhỏ xinh Từ Tôn trên Hòn Đỏ be bé, đến một cảng cá rực xanh những con thuyền ngơi nghỉ...
Điều thú vị được tặng thêm nữa là con sông Cái hôm đó chợt trở màu vì mưa đâu đó đầu nguồn nhuốm vàng mênh mang cửa biển, chỉ nhạt bớt, phai dần khi ra đến biển lớn.
Còn hơn nửa ngày chờ chuyến tàu đêm về Sài Gòn. Ngang qua các con phố đông Nha Trang, cứ nhớ miết những thời khắc yên ả biển đảo đẹp ngời ngợi, mấy câu chuyện mộc mạc của những người dân đảo hiền lành... Chắc phải quay về lại nơi đây sớm thôi. Mà không chỉ một lần!
Có nhiều hình thức du lịch đến Bãi Che. Có thể sáng đi chiều về, hoặc ngủ qua đêm, hoặc chỉ ra từ chiều chơi đêm sáng mai về. Giá cả thay đổi tùy theo chỉ thuê canô không thôi hay kèm theo dịch vụ ăn uống, một hay nhiều bữa.
Nếu qua đêm, các nhân viên ở đó sẽ lo lều ngủ hoặc võng tùy yêu cầu. Nên giá tùy theo nhóm khách đông hay ít (để chia tiền canô), giá cả dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Món nhum không chỉ dành riêng cho quý ông mà các cô, chị cũng rất thích.-Ảnh: T.T.H.
Tin vui cho các phượt thủ thích đi một mình, muốn ngủ qua đêm, tiết kiệm là có thể chuẩn bị tất tần tật từ lều, túi ngủ, thức ăn, nước uống… xong liên lạc với các chủ tàu để sắp xếp đi ké với các đoàn khác, chỉ phải chia sẻ phần chi phí đi tàu.
Lưu ý là về đêm ở bãi có các côn trùng nhỏ như muỗi, bù mắt… cắn khá đau và để lại dấu cũng lâu lâu, nên cần chuẩn bị thuốc bôi, xịt cũng như che chắn cẩn thận.
Du lịch Bãi Che thuận tiện từ tháng 4 đến tháng 10. Hướng của bãi đón gió chướng nên ở các mùa còn lại gió rất dữ dội.
Ngoài việc nghỉ ngơi, tắm biển, du khách có thể đi trekking băng qua các sườn núi, đồi để đến các khu Bích Đầm, Đầm Bấy… ngày trước đông đúc ngư dân nhưng giờ chỉ còn rất ít trụ lại vì phần lớn đã vô đất liền sinh sống nhường đất cho các dự án.
Hải sản tại đây rất tươi ngon, nhiều thứ trong đó được chính các anh, các chú phục vụ, cũng là ngư dân đi đánh bắt trong ngày như nhum, hàu, cá… chế biến mộc mạc nhưng đậm đà.
Và khẩu phần của người biển khá dồi dào, chắc chắn "bao no" "bao ngon" sau những chuyến ngụp lặn lội bơi hay trèo đèo băng núi.