VCG: Tòa yêu cầu dừng Nghị quyết ĐHCĐ, ai sẽ điều hành?

(ĐTCK) Tuần qua, thị trường ghi nhận hai vụ khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án. Cả hai trường hợp đều là những doanh nghiệp lớn, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, bao gồm Eximbank và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Vinaconex (VCG).

Cổ đông lớn bất hòa?

Theo công bố thông tin của Vinaconex, ngày 27/3/2019, doanh nghiệp này nhận được hai văn bản của Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội). Thứ nhất là thông báo thụ lý việc kinh doanh thương mại về việc “Yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông” theo đơn yêu cầu của hai pháp nhân là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest và hai cá nhân là ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà.

Thứ hai là Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo đó, Tòa án yêu cầu Vinaconex dừng thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngày 11/1/2019. Tại đại hội này, Vinaconex đã bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2022 sau khi các cổ đông lớn SCIC và Viettel thoái vốn. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Cùng với việc công bố thông tin về các quyết định của Tòa án, Vinaconex cũng cho biết, doanh nghiệp đã có văn bản khiếu nại gửi Tòa án, kiến nghị Tòa án hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên. Đồng thời, Vinaconex yêu cầu các bên liên quan bồi thường toàn bộ tổn thất cho doanh nghiệp và các cổ đông của Vinaconex từ việc áp dụng quyết định này, trong đó có việc giảm giá cổ phiếu.

Được biết, cuối năm 2018, các cổ đông lớn của Vinaconex bao gồm SCIC, Viettel, Pyn Elite đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần. Công ty TNHH An Quý Hưng nhận chuyển nhượng 57,5% cổ phần VCG từ SCIC. Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ mua lại 21,28% cổ phần từ Viettel và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest mua lại 7,6% cổ phần từ Pyn Elite.

Với sự biến động về cơ cấu cổ đông, vào tháng 1/2019, Vinaconex đã tổ chức ĐHCĐ bất thường bầu HĐQT và Ban Kiểm soát. Tại Đại hội, cổ đông Viettel đã đề cử 2 ứng viên vào HĐQT, 2 ứng viên vào Ban Kiểm soát. 5 ứng viên vào HĐQT và 3 ứng viên vào Ban Kiểm soát còn lại do HĐQT đương nhiệm giới thiệu.

Kết quả, ông Đào Ngọc Thanh - người từng giữ chức Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển Việt Hưng - chủ đầu tư dự án Khu đô thị Ecopark giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex. Các thành viên HĐQT còn lại gồm ông Nguyễn Xuân Đông (Chủ tịch HĐQT Công ty An Quý Hưng), ông Dương Văn Mậu (Phó tổng giám đốc Vinaconex), ông Nguyễn Hữu Tới (Chủ tịch HĐQT Vinaconex 12), ông Bùi Tuấn Anh (Trợ lý Chủ tịch HĐQT Vinaconex 12), ông Nguyễn Quang Trung (Phó tổng giám đốc Địa ốc Phú Long) và ông Thân Thế Hà (Phó tổng giám đốc Vinaconex, Chủ tịch HĐQT Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh - An Khánh JVC).

Khúc mắc từ quy định “sở hữu liên tục 6 tháng”?

Sau đại hội này, hai cổ đông lớn là Công ty Bất động sản Cường Vũ và Công ty Đầu tư Star Invest đã đơn yêu cầu đề nghị Tòa án hủy Nghị quyết ĐHCĐ. Theo quy định tại Điều 147, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được biên bản họp ĐHCĐ, cổ đông có quyền yêu cầu tòa án hoặc trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết nếu trình tự và thủ tục triệu tập họp, ra quyết định trái với quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty hoặc nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.

Tạm thời, chưa thấy các bên đương sự thông tin về căn cứ pháp lý mà Công ty Cường Vũ và Star Invest đưa ra để yêu cầu hủy Nghị quyết Đại hội. Tuy nhiên, lật lại biên bản ĐHCĐ bất thường ngày 11/1/2019 của Vinaconex, có một vấn đề đã được nêu lên trong phần thảo luận. Đó là tư cách của người đề nghị triệu tập cuộc họp.

Một cổ đông có mã số 2279 cho biết không nhận được các hồ sơ tài liệu liên quan nội dung họp trước 10 ngày theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp. Cổ đông này cũng nêu vấn đề, cuộc họp ĐHCĐ bất thường năm 2019 là theo yêu cầu của Công ty An Quý Hưng. Nhưng Công ty An Quý Hưng hiện chưa sở hữu cổ phần đủ 6 tháng liên tục, nên chưa có quyền đề nghị triệu tập đại hội. Cổ đông yêu cầu HĐQT làm rõ căn cứ pháp lý triệu tập ĐHCĐ bất thường.

Trong văn bản khiếu kiện gửi Chánh án TAND TP. Hà Nội và Chánh án TAND quận Đống Đa, Vinaconex kiến nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, đồng thời yêu cầu bồi thường số tiền tổn thất là 1.200 tỷ đồng, bao gồm cả việc giảm giá cổ phiếu sau khi quyết định này được công bố. Luật sư Nguyễn Minh Đức cho rằng, đây là số liệu tạm tính của Vinaconex. Công ty phải lượng hóa, đưa ra căn cứ chứng minh khi có đơn phản tố.

Ông Nguyễn Đức Chi, khi đó là Chủ tịch HĐQT Vinaconex đã đề nghị Tổ giúp việc kiểm tra tại sao tài liệu ĐHCĐ không được gửi tới cổ đông và nhắc nhở rút kinh nghiệm cho các lần đại hội sau.

Về việc triệu tập ĐHCĐ bất thường, ông Chi cho rằng, theo quy định, không nhất thiết phải triệu tập ngay. Tuy nhiên, để cổ đông mới nhanh chóng có quyền tiếp cận và thực hiện việc quản trị doanh nghiệp, tham gia điều hành, SCIC và Viettel đã thực hiện trách nhiệm, triệu tập Đại hội khi cổ đông mới yêu cầu. Trong quy chế bán vốn, các cổ đông cũ đã tuyên bố sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư trúng đấu giá có thể tham gia quản trị nhanh nhất.

Ông Chi cho biết, việc triệu tập Đại hội căn cứ vào đạo đức nghề nghiệp, chứ không hoàn toàn căn cứ vào yêu cầu của Công ty An Quý Hưng và việc triệu tập Đại hội hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật.

Trước giải thích của ông Chi, cổ đông này vẫn bảo lưu ý kiến và đề nghị HĐQT Công ty xem xét lại vấn đề này.

Dừng Nghị quyết, ai sẽ điều hành doanh nghiệp?

Sẽ có nhiều viện dẫn pháp lý mà các bên đương sự chuẩn bị để trình tòa, nhưng trong thời gian chờ phiên họp được mở (nếu có), dư luận nhà đầu tư không khỏi băn khoăn về các quy định liên quan đến áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Theo luật sư Nguyễn Minh Đức, Công ty luật DNAS, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định rất cụ thể điều kiện, thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Khoản 2, Điều 111, Bộ luật có nêu: Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho tòa án đó.

Luật cũng quy định người ra yêu cầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

“Hầu hết thẩm phán đều sẽ rất cẩn trọng khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì biện pháp đó được áp dụng khi chưa có bất cứ bản án nào và lại có hiệu lực thi hành ngay. Điều đó có thể hiểu là quá trình đánh giá, xem xét, tranh tụng giữa hai bên chưa diễn ra. Nhưng vì có lý do xác đáng, tòa án nhận định rằng, nếu không có động thái nhanh chóng thì sẽ xảy ra thiệt hại cho bên yêu cầu nên tòa phải quyết định áp dụng một biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Do chưa có bản án, đơn thuần chỉ dựa vào chứng cứ của một bên khiếu nại nên thẩm phán sẽ buộc bên yêu cầu phải có một khoản tiền ký quỹ hoặc có cam kết bảo lãnh để trong trường hợp đơn yêu cầu của họ đưa ra không đúng hoặc sai sự thật thì sẽ có một nguồn tiền để bù đắp lại cho những người bị thiệt hại”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Trường hợp bên bị yêu cầu hoặc bên thứ ba bị thiệt hại có thể làm đơn khiếu nại đến tòa án để đề nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp, hoặc làm đơn phản tố yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo luật, thời hạn khiếu nại là 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng. Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án là quyết định cuối cùng và phải được cấp hoặc gửi ngay cho người có yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và viện kiểm sát cùng cấp.

Nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 11/1/2019 của Vinaconex đã thông qua HĐQT và Ban Kiểm soát mới. Câu hỏi thị trường đặc biệt quan tâm là việc tạm dừng Nghị quyết Đại hội thì ai sẽ là người điều hành doanh nghiệp?

Luật sư Nguyễn Minh Đức cho biết, trong trường hợp này, Công ty có thể khôi phục HĐQT cũ để HĐQT cũ tạm thời điều hành doanh nghiệp. Còn nếu HĐQT cũ từ chối tham gia điều hành thì những người mới được bổ nhiệm là lựa chọn hợp lý, vì lợi ích chung của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, HĐQT mới sẽ e ngại trách nhiệm khi quyết định những vấn đề lớn. Khi đó, tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải “nằm im” trong giai đoạn này. Đó có thể cũng là một áp lực cho các bên sớm đạt được thỏa thuận tốt nhất để gỡ bỏ mâu thuẫn, tranh chấp.

Được biết, sau thông tin về quyết định của Tòa án, phiên 28/3, giá cổ phiếu VCG của Vinaconex trên sàn chứng khoán đã giảm về mức giá sàn với dư bán 1,8 triệu đơn vị trong phiên 28/3, khối lượng khớp lệnh cả phiên đạt gần 5 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, phiên 29/3, giá cổ phiếu VCG đã hồi phục, chốt phiên ở mức 27.000 đồng/cổ phiếu.

Bùi Trang - Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục