VC3: Thách thức cho nhóm cổ đông mới

(ĐTCK) Sự xuất hiện của APRest sau khi mua lại toàn bộ số cổ phiếu mà Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) nắm giữ đã giúp cổ phiếu CTCP VINACONEX 3 (VC3) có bước tăng trưởng ấn tượng về giá và thanh khoản. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhóm cổ đông mới sẽ có kế hoạch cải tổ VC3 như thế nào trong thời gian sắp tới?
VC3: Thách thức cho nhóm cổ đông mới

Dấu ấn của những “người mới”

Không phải đến bây giờ câu chuyện thoái vốn khỏi VC3 mới được để ý tới. Từ tháng 8/2012, trong kế hoạch tái cấu trúc, HĐQT VCG đã có Quyết định số 405/2012/QĐ-HĐQT về việc thoái hơn 4 triệu cổ phiếu nắm giữ tại VC3, tương đương khoảng 51% vốn điều lệ.

Tuy vậy, kế hoạch này đã không được thực hiện như mong đợi, khiến cổ phiếu VC3 có giai đoạn giao dịch khá trầm lắng so với đại đa số các DN khác trong ngành xây dựng.

Phải đến giữa tháng 4/2015, ngay sau khi xuất hiện thông tin có tổ chức sẽ mua cổ phiếu VC3 mà VCG thoái vốn với giá 30.000 đến 35.000 đồng/CP, khối lượng giao dịch cũng như giá của VC3 mới tăng đáng kể; đặc biệt có thời điểm leo lên ngưỡng đỉnh của 5 năm với mức giá trên 60.000 đồng/CP.

Cùng với đà tăng, “tin đồn” về việc thoái vốn của cổ đông lớn nhất là VCG đã chính thức trở thành hiện thực khi đơn vị này đã bán hơn 4 triệu cổ phiếu VC3 (ứng với 51% vốn điều lệ VC3) theo phương thức ngoài hệ thống cho 3 nhà đầu tư, gồm 1 tổ chức là CTCP Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát (APRest) 1,92 triệu cổ phiếu (chiếm 24%), 2 cá nhân là ông Nguyễn Thanh Phương 1,36 triệu cổ phiếu (chiếm 17%) và ông Nguyễn Hoài Anh 800.000 cổ phiếu (chiếm 10%).

Cũng trong vùng giá cao này, gần đây HĐQT VC3 đã thông qua việc bán 66.200 cổ phiếu quỹ với mức giá tối thiểu 36.200 đồng/CP.

Nhóm cổ đông mới của VC3 có tiếng trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, tuy nhiên, những thử thách sắp tới sau khi “thâu tóm” VC3 không phải là một bài toán dễ dàng tìm được lời giải. Hiện thị trường vẫn đang đặt ra câu hỏi về cuộc “đại cải tổ” mà nhóm cổ đông cùng VC3 sẽ thực hiện. 

Sau khi mua cổ phiếu, nhóm cổ đông mới đã phối hợp cùng ban lãnh đạo cũ của VC3 ngay lập tức triển khai kế hoạch kinh doanh, thay đổi cơ cấu quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý cùng việc tăng cường đội ngũ khách hàng. Bên cạnh đó, việc cắt giảm một số chi phí không cần thiết và đẩy mạnh thu hồi các khoản công nợ đã giúp doanh thu và lãi ròng sau thuế của VC3 tăng khá mạnh chỉ trong vòng 3 tháng ngắn ngủi cuối năm 2015.

Theo thông báo từ ban lãnh đạo của VC3, năm 2015, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty đạt 477 tỷ đồng (chưa bao gồm khoản doanh thu từ hoạt động tài chính và hoạt động khác gần 11 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt gần 43 tỷ đồng.

So sánh với kế hoạch đã điều chỉnh trước đó trong kỳ ĐHCĐ bất thường diễn ra vào tháng 9/2015, mức lợi nhuận này tăng 3% và tăng 134% so với kế hoạch ban đầu.

Có lặp lại vết xe đổ?

Cách đây khoảng 7 năm, trong bối cảnh hàng loạt cổ đông nội bộ và người có liên quan của VC3 tiến hành thoái vốn, CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) cũng từng chớp cơ hội gom cổ phiếu với mong muốn thâu tóm, trở thành cổ đông lớn của VC3 trong lúc giá cổ phiếu xoay quanh mức 45.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào VC3 đã mang lại thất vọng cho VND khi phải mua đắt bán rẻ, bởi sau đó, giá cổ phiếu VC3 liên tục giảm, xuống dưới 20.000 đồng/CP. Sau gần 2 năm nắm giữ, VND đã buộc phải bán toàn bộ 1,5 triệu cổ phiếu đang nắm giữ (tương ứng với 18,75% vốn điều lệ VC3). Đây chính là lý do khiến nhiều thành viên thị trường lo ngại kịch bản này có thể lặp lại với nhóm cổ đông mới.

Bên cạnh đó, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Đông Nam Á, dù đến nay không còn nợ vay, cộng với tỷ lệ cổ tức khá đều đặn trong những năm qua, vào khoảng 15%/năm, thì VC3 vẫn bị “chôn chân” với hàng chục tỷ đồng công nợ khó đòi. Chưa kể một khoản nợ phải trả đến hơn nghìn tỷ đồng trên báo cáo tài chính công bố quý III/2015, dù trong đó chủ yếu là khoản mục Người mua trả tiền trước (chiếm trên 80%).

Một số dự án như khai thác chợ BOT không những không mang lại lợi nhuận mà mỗi năm, VC3 phải trích ra 2 tỷ đồng phục vụ công tác quản lý. Hiện các chợ đã xuống cấp và VC3 vẫn còn hơn 50 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện được của 3 dự án chợ Bo -Thái Bình, chợ Phương Lâm - Hòa Bình, chợ Thương - Bắc Giang.

Ngoài ra, dù là một DN kinh doanh xây lắp trong thời gian dài, nhưng do hiện nay tập trung vào lĩnh vực bất động sản nên năng lực trong hoạt động xây lắp của VC3 gặp nhiều hạn chế, đặc biệt khi phải cạnh tranh với các DN xây lắp khác để tìm kiếm dự án mới khả thi, mang lại lợi nhuận cao.

Mặc dù, nhóm cổ đông mới của VC3 có tiếng trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, tuy nhiên, những thử thách sắp tới sau khi “thâu tóm” VC3 không phải là một bài toán dễ dàng tìm được lời giải. Hiện thị trường vẫn đang đặt ra câu hỏi về cuộc “đại cải tổ” mà nhóm cổ đông cùng VC3 sẽ thực hiện.      

“VC3 hầu như không gặp phải áp lực nợ vay”

VC3: Thách thức cho nhóm cổ đông mới ảnh 1

Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP VINACONEX 3

Năm 2015 đánh dấu một năm quan trọng của VINACONEX 3 khi VCG thoái vốn và xuất hiện nhóm cổ đông mới với nòng cốt là APRest. Chính sự thay đổi này mang lại sức sống mới cho VC3.

Là một DN có quy mô tương đối lớn thuộc sở hữu của Nhà nước trước đây, bản thân VC3 cũ gặp phải nhiều khó khăn trong các hoạt động kinh doanh, thậm chí từng đối mặt với thua lỗ, phá sản. Tuy nhiên, chúng tôi đã tiến hành cơ cấu lại tài sản, thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng từng bước ổn định về tài chính, tránh đầu tư dàn trải, xây dựng nền móng để VC3 phát triển bền vững trong tương lai.

Trên thực tế, cần hiểu rõ các khoản nợ phải trả chủ yếu là người mua trả tiền trước, nợ vay ngân hàng chỉ chiếm khoảng 3,1% tổng nợ. Vì vậy, VC3 hầu như không gặp phải áp lực nợ vay. Trong khi đó, các khoản công nợ cũ khó đòi đã được Ban lãnh đạo rốt ráo thu hồi và mang lại lợi nhuận đáng kể cho VC3 trong năm vừa qua.

Ngoài ra, lợi thế của VC3 là một DN xây lắp nhưng lại có quỹ đất rất lớn và chúng tôi đều đã có các phương án khai thác khả thi nhằm mang lại hiệu quả lớn nhất cho cổ đông VC3 trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Sắp tới, chúng tôi xác định tập trung vào công tác thu tiền của khách hàng tại các công trình đã hoàn thành (khoảng 330 tỷ đồng), từ các dự án Trung Văn (quý II/2016 hoàn thành) và dự án Thái Nguyên (dự kiến năm 2016 hoàn thành) để củng cố và ổn định năng lực tài chính, đồng thời đẩy mạnh triển khai tìm kiếm các dự án có tính hiệu quả cao trong trung và dài hạn. Ngoài ra, VC3 sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hóa, đặc biệt là tăng cường năng lực xây lắp của các đơn vị trực thuộc để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam vừa ký kết.

Trang Ninh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục