VBF: Cuộc đối thoại có trách nhiệm

Sáng nay (10/1), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 (VBF) diễn ra tại Hà Nội. Như thường lệ, cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và đại diện các cơ quan Chính phủ xoay quanh các kiến nghị, đề xuất mà VBF đã gửi các bộ, ngành trước đó.
Các doanh nghiệp kỳ vọng nhận được những giải pháp, giải thích chi tiết, để họ an tâm lên kế hoạch kinh doanh dài hạn tiếp theo. Các doanh nghiệp kỳ vọng nhận được những giải pháp, giải thích chi tiết, để họ an tâm lên kế hoạch kinh doanh dài hạn tiếp theo.

Năm nay, 107 vấn đề được lựa chọn, gồm cả những vấn đề mới phát sinh trong năm và không ít vấn đề được nhắc lại từ các VBF trước. Các bộ Tài chính, Công thương, Xây dựng, Lao động -  Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ... nhận được khá nhiều câu hỏi.

Cũng như thường lệ, các doanh nghiệp kỳ vọng nhận được những giải pháp, nhiều khi là giải thích chi tiết, để họ có thể an tâm lên kế hoạch kinh doanh dài hạn tiếp theo.

Nhưng năm nay, sự quyết liệt và cách hành động mới của Chính phủ trong các vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp sẽ đẩy kỳ vọng này lên mức lớn hơn, thậm chí được chờ đợi là sẽ có những bứt phá trong cách giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Riêng trong tuần đầu tiên của năm 2020, Văn phòng Chính phủ đã họp 2 cuộc với đại diện các bộ, ngành liên quan đến những công việc, những giải pháp rất cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, ngày 2/1, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì họp xây dựng công cụ và kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Kế hoạch dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong tháng 2/2020.

Ngày 6/1, các giải pháp cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh theo đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) được đặt lên bàn một cách chi tiết, với yêu cầu phối hợp cụ thể từng đầu việc giữa các bộ, ngành liên quan. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định để giải quyết những bất cập liên quan đến thủ tục khởi sự kinh doanh.

Phải nói thêm, trước đó, trong Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào ngày cuối của năm 2019 (1 ngày trước khi ban hành Nghị quyết 02/2020/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 vào ngày 1/1/2020), Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật là một trọng tâm trong điều hành của Chính phủ năm 2020. Không dừng lại ở đó, các trọng tâm điều hành khác cũng được chỉ rất rõ.

Đó là thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp, các ngành trong năm 2020; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm; kiểm soát, chấm dứt được tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt”…

Thông điệp rõ ràng đã được phát đi, theo đó, dư địa để cải cách còn nhiều và Chính phủ đang hành động một cách có trách nhiệm với những cam kết của mình. Năm nay, Chính phủ không đợi các cơ quan, bộ, ngành báo cáo, đề xuất các phương án, không chờ các bộ làm rồi mới đôn đốc, chỉ đạo, mà bắt tay vào cuộc ngay, đưa phương án xử lý ngay trong phạm vi của Chính phủ.

Điều này cũng có nghĩa, áp lực đối thoại và hành động với trách nhiệm của mình đang được Chính phủ đặt lên vai các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là những người đứng đầu.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục