Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2021 (VBF 2021) được tổ chức vào ngày 21/2/2022, đề cập đến môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện trong năm 2021, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, công nghiệp văn hóa, các mô hình, hoạt động kinh doanh mới ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và sâu rộng”.
Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh ứng dụng công nghệ và sự cần thiết của dịch vụ dữ liệu hơn bao giờ hết. Các tổ chức nắm bắt được công nghệ số có thể nhanh chóng thích ứng trong bối cảnh gián đoạn do đại dịch, tận dụng tính linh hoạt của công nghệ để mở rộng hoặc thu hẹp quy mô dịch vụ, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa tài nguyên.
Một trong những hành động của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao đó là khuyến khích các công ty công nghệ toàn cầu đầu tư vào hạ tầng số và các dịch vụ mới (như Internet vạn vật - IoT, hạ tầng như một dịch vụ, trung tâm dữ liệu…). Những dịch vụ mới này có vai trò nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số năng động và mạnh mẽ của Việt Nam.
Các dịch vụ công nghệ mới sẽ thúc đẩy mục tiêu mở cửa nền kinh tế số của Việt Nam và giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thành tựu đổi mới toàn cầu, qua đó hỗ trợ và tăng cường chuyển đổi số. Đáng chú ý, hơn 1.000 dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được Chính phủ nỗ lực triển khai thời gian qua…
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu quan điểm: “Chính phủ hiện đại là tiên phong định hướng dịch vụ công, vì vậy không có chỗ cho sự lãng phí nguồn lực hành chính, do đó cần tiếp cận nhanh chóng với các công nghệ đơn giản hóa quy trình, giảm chi phí và cho phép đổi mới”.
Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) cho rằng, trong xã hội hiện nay, không thể tách nền kinh tế kỹ thuật số khỏi nền kinh tế thực. Chuyển đổi kỹ thuật số làm giảm đáng kể chi phí, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho nhiều đối tượng người tiêu dùng và doanh nghiệp hơn, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới hơn và lớn hơn.
Theo ông John Rockhold, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về thương mại điện tử, công nghệ tài chính Fintech, công nghệ giáo dục Edtech và nền kinh tế sáng tạo, những thay đổi về hành vi trong thời kỳ đại dịch đã thúc đẩy sự tăng trưởng đó. Để phát huy hết tiềm năng, Việt Nam cần đảm bảo một môi trường pháp lý thuận lợi.
“Chúng tôi khuyến khích một môi trường pháp lý mở và tương thích cho phép truy cập thông tin, quyền riêng tư dữ liệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và thương mại dịch vụ kỹ thuật số tự do, công bằng, có đi có lại, và phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu. Các công ty thành viên của chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các công ty Việt Nam để hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số của họ và thúc đẩy thế hệ khởi nghiệp công nghệ mới nhằm hỗ trợ mục tiêu của Việt Nam về Nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 25% GDP vào năm 2025”, ông John Rockhold nhấn mạnh.
Cũng theo ông John Rockhold, các chính phủ hiện đại làm việc trên tuyến đầu của việc cung cấp dịch vụ và phải đối mặt với một môi trường tài khóa đầy thách thức. Không còn chỗ cho lãng phí hành chính, các chính phủ ngày càng cần tiếp cận nhanh chóng với các công nghệ đơn giản hóa quy trình, giảm thiểu chi phí hành chính và cho phép đổi mới để tạo ra các dịch vụ có hiệu lực và hiệu quả nhanh cho người dân.
“Điện toán đám mây có thể đóng một vai trò nào đó trong việc tạo ra các dịch vụ tốt hơn đồng thời tạo điều kiện cho việc cộng tác và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chính phủ. Chuyển đổi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có thể mang lại lợi ích cho các chính phủ và người dân bằng cách kích thích sự đổi mới, tạo điều kiện cho sự hợp tác liên ngành và đẩy nhanh thời gian biểu để các dịch vụ tiếp cận cử tri. Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ xây dựng và áp dụng các chính sách ưu tiên đám mây thông minh để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số thông qua các cơ chế công nhận, tuân thủ và bảo mật trên đám mây được quốc tế công nhận”, ông John Rockhold nói.
Cũng tại VBF, bà Hà Nguyễn, đồng Trưởng Nhóm Công tác Kinh tế số VBF chia sẻ, số hóa tất cả các ngành và toàn bộ nền kinh tế là một hành trình dài, cần rất nhiều nỗ lực của tất cả mọi người và doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để chuyển đổi hình thức kinh doanh. Các thành viên Nhóm Công tác Kinh tế số của VBF mong muốn tăng đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ, giải pháp, nguồn lực đối tác, nguồn lực đào tạo, nhằm hỗ trợ tối đa cho Chính phủ, các đối tác công nghệ và khách hàng Việt Nam trong hành trình này.
“Hợp tác quốc tế trở thành yêu cầu cần thiết hơn bao giờ hết trong quá trình chinh phục tương lai của nền kinh tế số và việc tiếp tục tham gia các hiệp định quốc tế là cần thiết cho Việt Nam để hướng tới phát triển các phương pháp tiếp cận đổi mới cho những thách thức khó khăn, thảo luận chính sách và đạt được sự đồng thuận để hành động”, bà Hà Nguyễn nói.
Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra, trong 10 kiến nghị do cộng đồng doanh nghiệp trong nước đề cập cũng nhấn mạnh: “Kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử (sàn giao dịch điện tử, vận tải công nghệ, chợ đầu mối trực tuyến....); hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (đào tạo nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, tư vấn/định hướng ứng dụng công nghệ/số hoá quy trình quản trị doanh nghiệp...), tăng cường triển khai các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, marketing số...