Đây là những vấn đề hy vọng sẽ được cải thiện nếu các địa phương phải vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ và chịu trách nhiệm trả nợ theo đúng cam kết với nhà tài trợ.
"Các tỉnh nói dự án nào cũng cần"
Đưa ra thống kê trong hội thảo "Cơ chế cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh" sáng 10/12, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, hiện có tới 92,15% vốn nước ngoài tại địa phương theo hình thức cấp phát.
"Có thực trạng địa phương lớn thì có dự án và được trợ cấp lớn trong khi địa phương nhỏ thì chỉ được cấp nguồn vốn nhỏ. Một số địa phương như Vĩnh Long, Bạc Liệu thì thậm chí hoàn toàn không có dự án được trợ cấp vốn ODA" - bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính.
Theo bà, các địa phương hiện chưa ý thức được đây là khoản vay mà coi là nguồn cho không nên có tình trạng các tỉnh "đăng ký vốn càng nhiều càng tốt." Trong khi ấy, bà Thảo thống kê, có tới 90% dự án phải gia hạn ít nhất một lần, trong đó có những dự án tại các địa phương phải mất tới 10-12 năm mới hoàn thành. Như vậy, hiệu quả đầu tư của các nguồn vốn vay là chưa cao trong khi cam kết trả nợ thì vẫn phải thực hiện đúng hạn.
Cũng vì coi đây là vốn cho không nên bà Thảo cho rằng, tính ưu tiên của các địa phương cho dự án là chưa cao. "Các tỉnh nói dự nào cũng cần," lãnh đạo ngành tài chính chia sẻ.
Sự thiếu bình đẳng cũng là vấn đề bất cập khác khi cấp phát ODA cho các tỉnh như hiện tại. Bà Thảo thừa nhận, có thực trạng địa phương lớn thì có dự án và được trợ cấp lớn trong khi địa phương nhỏ thì chỉ được cấp nguồn vốn nhỏ. Một số địa phương như Vĩnh Long, Bạc Liệu thì thậm chí hoàn toàn không có dự án được trợ cấp vốn ODA.
Đây là những vấn đề theo lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngọai phải kiểm soát lại nhất là trong điều kiện từ năm 2017, các khoản ODA sẽ giảm dần và tiến tới chấm dứt.
Trong hoàn cảnh này, theo bà, việc vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ là xu hướng hợp lý với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản vay thương mại.
Bà Thảo cũng đưa hướng quản lý vốn vay thời gian tới sẽ là tăng cường cho vay lại với trách nhiệm trả nợ chuyển dần từ Trung ương sang địa phương.
Đây là vấn đề cơ quan chức năng đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương nhưng theo bà Thảo, phương pháp này có thể khiến các tỉnh chủ động tính toán hiệu quả đầu tư và buộc phải xây dựng năng lực quản lý nợ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Sẽ có lộ trình tránh gây "sốc"
Đồng tình với hướng sửa đổi trên, bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) mong muốn, cơ quan chức năng cần có cơ sở pháp lý thật rõ ràng cho quá trình cho vay lại vốn nước ngoài. Điều này giúp WB với tư cách là nhà tài trợ có thể lên kế hoạch trung hạn cho phía Việt Nam.
Theo bà, cơ chế cho vay lại cần đảm bảo có bộ tiêu chí phân bổ, tỷ lệ giữa cấp phát và cho vay lại minh bạch và có tính dự đoán cao cho cả một thời kỳ.
Dẫn kinh nghiệm thế giới, bà Quyên cho rằng, các nước có nhiều tiêu chí phân bổ vốn cho các địa phương như theo GDP đầu người, tỷ lệ nghèo, đặc điểm dân số,...; tuy nhiên, tại Việt Nam có thể sử dụng tiêu chí năng lực tài khóa địa phương để phân chia tỷ lệ giữa cấp phát và cho vay lại.
Đại diện WB đưa ra gợi ý các địa phương có khả năng chủ động ngân sách, ít trông chờ vào nguồn bổ sung trung ương sẽ phải vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ cao. Với 1 số địa phương, tỷ lệ vay lại có thể lên tới 100%. Với các địa phương khó khăn hơn, bà Quyên cho rằng, tỷ lệ cấp phát có thể vẫn chiếm 70-90%, còn lại là phần vay lại của Chính phủ.
Về điều kiện vay, đại diện WB cho rằng, nên giữ điều kiện cho vay gốc. Đây là hướng cho vay đang được nhiều nước thực hiện để để giảm bớt chi phí cho các tỉnh.
Thống nhất quan điểm trên nhưng ông Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính góp ý, kỳ hạn trả nợ của các địa phương nên sớm hơn 1 bước so với cam kết của Chính phủ với nước ngoài. Đây là vấn đề theo ông giúp Chính phủ có điều kiện xử lý và trả nợ đúng hạn.
Ngoài ra, theo ông Mơ, cơ quan chức năng trước khi cho vay lại vốn nước ngoài phải xác định thật cẩn thận tính cấp thiết của dự án, mức vốn, nhu cầu và khả năng trả nợ của địa phương để đảm bảo nguồn vốn thật hiệu quả.
Các địa phương sẽ phải ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án thay vì "dự án nào cũng cần." Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Vấn đề kỷ luật cho vay cũng được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hà, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu lên với lo lắng, việc vay lại vốn liệu có giống "mẹ cho con vay không?"
Bà Hà đặt ra nghi vấn việc hoàn trả của các địa phương sẽ thực hiện như thế nào và vay nhưng không đòi được thì liệu có trở thành nợ xấu quốc gia không.
"Không thể biến địa phương thành con nợ rồi bêu tên. Bởi vậy, chúng ta cần tổ chức chuyên trách và có kỹ năng cho vay, ví dụ như Ngân hàng Phát triển Việt Nam," bà Hà nêu ý kiến.
Góp ý thêm, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho hay, việc cải cách sẽ có lộ trình và không chuyển hẳn sang 100% cho vay lại để tránh sốc cho các địa phương.
Theo đại diện Bộ Tài chính, cơ quan chức năng sẽ vừa làm vừa đánh giá tác động tới Trung ương cũng như địa phương để hoàn thiện cơ chế này.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong giai đoạn 2004-2014, tổng nguồn vốn vay ODA là 45 tỷ USD trong đó vốn cho địa phương là 15,51 tỷ USD. Trong số này, 38% vốn dành cho dự án cơ sở hạ tầng, 35% cho dự án phát triển đô thị, 23% cho dự án giảm nghèo và 4% với các dịch vụ xã hội. Tính tới hết năm 2014, nợ công của Việt Nam đã đạt 59,6% GDP, sắp chạm ngưỡng 65% GDP Quốc hội phê duyệt. Chỉ số trả nợ do Chính phủ vay so với thu ngân sách Nhà nước sắp chạm ngưỡng an toàn là 25%. |