“Bắt bệnh” dự án ODA giáo dục hiệu quả chưa cao

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) cho biết, dự án ODA đã tạo động lực để Hùng Vương phấn đấu, vươn lên. Bằng chứng là, trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn, hàng năm, Hùng Vương vẫn đạt 60 - 70% chỉ tiêu đào tạo và học sinh của nhà trường đã nhiều lần giành giải cao trong các cuộc thi tay nghề trong nước cũng như quốc tế.
“Bắt bệnh” dự án ODA giáo dục hiệu quả chưa cao

Tuy nhiên, theo bà Thủy, thủ tục rườm rà, thiết bị đào tạo được tiếp nhận quá chậm là những rào cản lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện Dự án. Cụ thể, tháng 7/2015, nhà trường mới được tiếp nhận thiết bị của 2 nghề cơ điện tử và vận hành sửa chữa thiết bị lạnh với tổng số tiền gần 1,7 triệu USD. Số tiền dành cho thiết bị không quá lớn, nhưng bị chậm tiến độ gần 2 năm, trong khi đó các hạng mục xây lắp đã hoàn thành gần 3 năm, khiến nhiều hạng mục đã xuống cấp hoặc khi thiết bị đưa về lắp đặt thấy không phù hợp lại phải thay đổi, sửa chữa.

Chia sẻ vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết, trong hơn 10 năm qua, tỉnh có 6 dự án ODA, với tổng nguồn vốn gần 390 tỷ đồng, trong đó riêng vốn vay và tài trợ không hoàn lại là 300 tỷ đồng. Các dự án đã góp phần thu hẹp sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, miền, cải thiện và nâng cao đời sống người dân trong vùng dự án, song thủ tục thường kéo dài 3 - 4 năm, dẫn đến nhiều phiền toái.

“Khi lập dự án thì đã có mặt bằng, chờ mãi chưa thấy dự án triển khai, địa phương phải kêu gọi nhà đầu tư khác, đến khi dự án báo có vốn, lại phải lập thủ tục điều chỉnh địa điểm xây dựng”, bà Giang cho biết.

Theo các chuyên gia, dù nguồn vốn ODA là rất cần thiết và quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng đây cũng là khoản vay, nên yếu tố hiệu quả phải được xem xét ưu tiên trong việc tiếp nhận nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, trong thực tế, rất khó để có đánh giá tính hiệu quả của từng dự án sử dụng vốn ODA.

TS. Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing cho rằng, tỷ lệ các dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA trong giáo dục - đào tạo là rất lớn, nhưng còn nhiều hạn chế. Đơn cử, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 18 dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, trong đó có 14 dự án hỗ trợ kỹ thuật với tổng vốn là 7.414,01 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,4% (trong đó, vốn vay chiếm 92%, ODA không hoàn lại chiếm 8%)...

Ông Ngân cho biết, một định mức chi rất quan trọng trong các dự án hỗ trợ kỹ thuật là chi phí quản lý dự án lại không có quy định tỷ lệ trần trong các văn bản pháp quy của Việt Nam. Trong khi đó, với các dự án đầu tư xây dựng công trình, tỷ lệ này luôn có quy định, kể cả theo pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, cho đến nay, cả quốc tế lẫn Việt Nam đều chưa có bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của dự án hỗ trợ kỹ thuật. “Điều này đặt ra câu hỏi lớn về việc có nên tiếp nhận nguồn vốn ODA cho các dự án hỗ trợ kỹ thuật hay không?”, ông Ngân nói.

Trao đổi tại “Hội nghị tham vấn chuyên gia về hiệu quả các dự án sử dụng nguồn vốn ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2004 - 2014” tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Lê Văn Học, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận, hiệu quả của các dự án ODA còn chưa được khai thác, tận dụng triệt để nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi ích của nguồn vốn hỗ trợ này.

Từ thực tiễn đó, Ủy ban đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng thời, với chức năng và nhiệm vụ của mình, Ủy ban sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi, kiểm tra đối với việc thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Hồng Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục