Vật liệu xây dựng khó chờ cầu nội

(ĐTCK) Tiêu thụ vật liệu xây dựng những tháng cuối năm đã có phần ấm lên sau gần 2 năm ế ẩm. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ trong nước năm nay được dự báo là thấp hơn, cùng lắm là bằng năm ngoái. Loay hoay tìm đường ra bằng xuất khẩu hoặc “dọn đường” cho xuất khẩu vẫn là cách làm của các doanh nghiệp Việt.
Vật liệu xây dựng khó chờ cầu nội

Xi măng, xuất khẩu gần 22%

Thị trường tiêu thụ xi măng đã sáng lên so với năm ngoái, nhưng các nhà sản xuất đều không mấy hy vọng sẽ bớt khó khăn hơn. Gần như tất cả các nhà sản xuất trong nước đều không thể dự đoán trước về tiêu thụ cho năm tiếp theo, mà chỉ có thể dự đoán dài nhất là 1 quý, thường là 1 tháng.

Thực tế, dự báo về tiêu thụ xi măng trong 2 năm vừa qua có độ lệch lớn so với diễn biến thực tế. Nhiều doanh nghiệp thất bại vì dự báo tiêu thụ nội địa trong năm 2012 tăng khoảng 10% so với năm 2011, nhưng thực tế không tăng. Trong 10 tháng đầu năm 2013, toàn ngành đã tiêu thụ 48,27 triệu tấn sản phẩm, trong đó xuất khẩu trên 10,5 triệu tấn, chiếm gần 22%. Nhìn vào số lượng tiêu thụ, sản lượng tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xuất khẩu tăng đến 62% cho thấy, thị trường trong nước vẫn chồng chất khó khăn.

Vật liệu xây dựng khó chờ cầu nội ảnh 1

Lợi nhuận ngành thép được dự báo ở mức thấp

Để cân đối mục tiêu tiêu thụ sản phẩm và duy trì kế hoạch lợi nhuận, VICEM - nhà sản xuất xi măng số 1 Việt Nam đã tăng tốc xuất khẩu trong năm 2013. 10 tháng đầu năm, VICEM xuất khẩu được 1,8 triệu tấn sản phẩm, bằng 601% so với kế hoạch và bằng 174% so với cùng kỳ 2012.

Ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc VICEM cho biết, trong đợt xuất khẩu vừa qua, giá clinker trung bình của VICEM tăng hơn 2 USD/tấn. VICEM đã có thêm thị phần xuất khẩu, hiện đang tìm kiếm thêm thị trường mới để “dọn đường” tiêu thụ, đề phòng thị trường trong nước vẫn khó khăn.

Trong khi các công ty có hoạt động xuất khẩu tìm cách mở rộng thị phần và sản lượng ra thị trường nước ngoài, thì những nhà tiêu thụ trong nước lại có kế sách riêng. Tại thị trường phía Nam , Xi măng FICO duy trì được mức tăng sản lượng tiêu thụ trung bình trên 10% mỗi năm. Ông nguyễn Quang Trung, Tổng giám đốc Xi măng FICO cho biết, FICO đẩy mạnh tiêu thụ trong khối dân sinh, cũng như các công trình lớn, luôn điều chỉnh chính sách bán hàng hợp lý để duy trì tiêu thụ.

 

Thép, lợi nhuận thấp

Dù còn khó khăn, nhưng ngành xi măng xem như còn “dễ thở”, trong khi đó, mức độ “ngột ngạt” của ngành thép lại tăng lên, cho dù tiêu thụ thép trong 10 tháng đầu năm đạt 3,74 triệu tấn, tăng gần 50.500 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%. Giá phôi thép trên thế giới và khu vực có xu hướng tăng, nhưng giá bán các mặt hàng thép xây dựng vẫn giảm ở cả miền Bắc và miền Nam do sức tiêu thụ hạn chế, cũng như nhiều doanh nghiệp giảm giá thông qua việc tăng hoa hồng bán hàng, hỗ trợ chi phí vận chuyển, chưa kể đến vấn nạn thép lậu.

Chiếm 16% sản lượng tiêu thụ thép cả nước, Pomina - thương hiệu thép hàng đầu Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Thép Việt, với 3 dây chuyền công nghệ hiện đại vào loại bậc nhất thế giới cũng trầy trật cạnh tranh để duy trì mức tiêu thụ khoảng 900.000 tấn mỗi năm.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt cho biết, tiêu thụ ngành thép nhìn chung chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm và thép Pomina cũng không ngoại lệ. Mỗi năm, Pomina tiêu thụ khoảng 770.000 tấn nội địa và 130.000 tấn xuất khẩu. Kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn cũng nằm ở con số đó. Năm nay, xuất khẩu phôi thép của Pomina dự báo tăng 30%, nhưng lợi nhuận thấp và kể cả không có lợi nhuận thì vẫn phải xuất khẩu để duy trì sản xuất.

Ông Thái chia sẻ, do bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, nên việc tiêu thụ đã khó lại càng khó. Dù vậy, tiêu thụ trong dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM đã tăng lên đáng kể, do người dân ngày càng chọn thép chất lượng cho ngôi nhà của mình.

 

Các mặt hàng khác nỗ lực xuất khẩu

Không chỉ xi măng và thép luôn phải “dò đường” cho đầu ra, mà gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng cũng không phải là ngoại lệ. Đơn cử, Tổng công ty Viglacera cũng phải tìm đầu ra cho sản phẩm bằng xuất khẩu. Trong tổng doanh thu 3.000 tỷ đồng từ vật liệu xây dựng trong 9 tháng đầu năm của Viglacera, có gần 30 triệu USD (tương đương 600 tỷ đồng) do xuất khẩu mang lại. Thị trường xuất khẩu ở con số trên 40 quốc gia cho thấy, nơi nào có thể bán được thì Viglacera đều đã nỗ lực xuất hàng.

Riêng gạch bê tông khí chưng áp (AAC), xuất khẩu vẫn là chủ lực để duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp. Ông Đàm Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Gạch Vương Hải (gạch V - Block) cho hay, thị trường tiêu thụ trong dân đã tăng lên, nhưng sản phẩm của Công ty vẫn xuất khẩu là chính. Nếu không xuất khẩu sẽ khó duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là “tâm tình” của nhãn hàng E - block khi sản phẩm của Công ty có đến 90% là xuất khẩu.

Trung Kiên
Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục