Vasep kiến nghị 6 giải pháp gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuỷ sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 14/6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) đã có công văn phúc đáp công văn số 4367/BKHĐT-TH Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn có liên quan cho ngành thuỷ sản trong giai đoạn hiện nay.
Vasep kiến nghị 6 giải pháp gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuỷ sản

Thứ nhất, về việc lãi suất ngân hàng và các khoản phí của ngân hàng hiện quá cao, Vasep kiến nghị điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VND xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu

Cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý II - III/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông - ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.

Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên gồm: thủy sản, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh và tạo cơ sở thúc đẩy sinh kế cho chuỗi nông-ngư dân phía trước;

Đặc biệt là sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN.

Thứ hai, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực sự mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3 - 6 tháng nữa trong năm 2023 và quý I/2024, ứng phó với tình trạng đơn hàng xuất khẩu không có trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, liên quan chính sách thuế, Vasep kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết năm 2023.

Liên quan chính sách về các khoản đóng góp bắt buộc của doanh nghiệp đối với người lao động, Vasep kiến nghị giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đến hết 2023; Nghiên cứu sửa đổi, đề xuất giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống còn 0,5% và tạm dừng đóng BHTNLĐ và bệnh nghề nghiệp đến hết năm 2023; Giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH; Kiến nghị cho các doanh nghiệp giãn nộp BHXH từ 3 -6 tháng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đồng thời, Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi Việt Nam.

Vasep cũng đề nghị BHXH Việt Nam giãn thời gian đóng BHXH bắt buộc “thời hạn nộp BHXH hàng tháng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng “ – quy định của BHXH Việt Nam đang gây áp lực rất lớn công tác lao động-tiền lương cuối tháng của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, tăng khối lượng đối chiếu/điều chỉnh tăng giảm đóng BHXH ở kỳ sau (sau khi doanh nghiệp tính trả lương cho người lao động).

Thứ tư, về các giải pháp liên quan khác để giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất-nhập khẩu, duy trì chuỗi cung ứng, việc làm, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục cho doanh nghiệp vay từ ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động, tránh việc sa thải người lao động.

Chính sách giảm 2% thuế VAT được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nếu được triển khai với toàn bộ nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp khi nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Kiến nghị mở rộng phạm vi áp dụng giảm 2% với tất cả các hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất VAT 10% và không loại trừ.

Cho phép và hướng dẫn thủ tục để doanh nghiệp thủy sản có thể lắp đặt điện mặt trời áp mái không phát lên lưới (Zero export) để sử dụng cho sản xuất của doanh nghiệp (chế biến, trang trại nuôi tôm-cá).

Thứ năm, đối với các vướng mắc trong quy định về phòng cháy chữa cháy, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất giải pháp theo hướng rà soát, sửa đổi các quy định về phòng cháy chữa cháy để phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp dụng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo mức độ rủi ro; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Thứ sáu, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng dự án cũ của doanh nghiệp, Vasep kiến nghị đơn giản hóa thủ tục đối với dự án đầu tư nhà máy chế biến thủy sản đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trước đây, đang hoạt động nay đầu tư nâng công suất/đổi mới công nghệ (không phát sinh nhu cầu giao đất/thuê đất).

Hồng Ân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục