Theo VASB, hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng, dẫn đến tỷ lệ đại chúng hóa ở các công ty đã cổ phần hóa đạt thấp, ảnh hưởng đến việc gia tăng các nguồn hàng chất lượng cho thị trường. Nhiều bất cập của cơ chế hiện hành khiến nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn khi muốn tham gia đấu giá mua cổ phần.
Ngoài ra, những vướng mắc trong quá trình triển khai cơ chế nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho nhà đầu tư nước ngoài đã tồn tại suốt thời gian qua, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ, khiến dòng vốn ngoại vào thị trường chưa được cải thiện như kỳ vọng của giới đầu tư khi cơ chế này mới được ban hành.
Cũng theo VASB, sản phẩm, hàng hóa trên TTCK vẫn đơn điệu, chủ yếu là cổ phiếu, trái phiếu, mà chưa có nhiều sản phẩm như thông lệ quốc tế, nhất là các sản phẩm chứng khoán phái sinh.
VASB cho rằng, để gia tăng hàng hóa cho thị trường, nhà quản lý cần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với đưa cổ phiếu lên sàn.
Tỷ lệ cổ phần bán ra đại chúng cần lớn đến mức Nhà nước không còn chi phối ở những ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm 100% cổ phần để hấp dẫn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cần sự phối hợp, gắn kết hiệu quả hơn nữa hoạt động điều hành lĩnh vực ngân hàng với lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại lên niêm yết.
Song song với đó, giám sát và quy định chặt chẽ hơn việc các ngân hàng sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, để giảm thiểu rủi ro hệ thống, giúp các ngân hàng phát triển bền vững.
Để tạo bước đột phá cho sự phát triển của thị trường trong thời gian tới, theo VASB, việc sửa Luật Chứng khoán cần được thúc đẩy theo hướng khắc phục những hạn chế đang tồn tại và đưa vào dự án luật này những ý tưởng cải cách mạnh mẽ.
Theo đó, cần áp dụng phương pháp dựng sổ trong chào bán IPO, để hấp dẫn nhà đầu tư. Việc áp dụng nhiều hơn các chuẩn mực quốc tế trong lập báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết cần được thúc đẩy để cải thiện niềm tin trong giới đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Quy định khắt khe, nhiều công ty chứng khoán nhỏ phải… đứng bên lề
Trong bản kiến nghị của mình, VASB cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành nhiều quy định theo hướng hạn chế các công ty chứng khoán vừa và nhỏ tham gia TTCK phái sinh.
Trong bối cảnh các công ty này đang cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, có nhất thiết phải đưa ra nhiều điều kiện khắt khe, nhất là quy định về vốn quá lớn nếu công ty chứng khoán muốn tham gia triển khai các nghiệp vụ mới hay không?
Trên thực tế, quy định này đã giới hạn phần lớn các công ty chứng khoán tham gia cung cấp dịch vụ, tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh và tự do phát triển của thị trường.
Được biết, để tham gia TTCK phái sinh, công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ/vốn chủ sở hữu 800 tỷ đồng và nhiều điều kiện về an toàn tài chính khác. Hiện số công ty đáp ứng tiêu chuẩn này tại Việt Nam chưa đến 10 đơn vị.