Góp ý cho dự án luật này, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cho rằng, nên học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng nền tảng pháp lý mới, trong đó có việc tạo vị thế độc lập cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký VASB cho rằng, quá trình xây dựng Luật không phải vì mục tiêu ngắn hạn, mà Luật ra đời để phục vụ cho một tầm nhìn phát triển lâu dài của TTCK. Vì vậy, một số vấn đề cốt lõi cần được xem xét và xây dựng theo thông lệ quốc tế để tạo nền tảng cho thị trường phát triển ổn định và hội nhập trong tương lai.
Về địa vị pháp lý của UBCK, VASB cho rằng, từ ngày khởi đầu thành lập, UBCK đã trực thuộc Chính phủ, vai trò đó được khẳng định và đúng theo thông lệ quốc tế. Các nước hiện tại luôn tạo một vị thế, chỗ đứng cho UBCK vì đó chính là một định chế tài chính bậc cao của thị trường. Chứng khoán phát triển ổn định, kinh tế xã hội mới phát triển được.
UBCK độc lập sẽ đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO). Theo IOSCO, “Ủy ban chứng khoán đều có đầy đủ quyền lực để thực thi nhiệm vụ, trong đó nổi bật có một số quyền như: Quyền quản lý, giám sát toàn bộ các tổ chức định chế tham gia hoạt động trên thị trường chứng khoán, có thẩm quyền điều tra, khởi tố…”.
VASB chia sẻ, ở Mỹ, UBCK là cơ quan thuộc Chính phủ liên bang Mỹ, các ủy viên được bổ nhiệm bởi Tổng thống và được Thượng nghị viện phê chuẩn... Trong 128 quốc gia có TTCK, có 121 quốc gia mà cơ quan quản lý TTCK (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) có vị trí độc lập, có đủ thẩm quyền về thị trường vốn. Hiếm có nước nào có mô hình tổ chức vận hành TTCK như của Việt Nam hiện nay.
“Lần sửa Luật này chúng ta nên học kinh nghiệm tổ chức quản lý thị trường của các nước trên thế giới. Hiện mô hình của Việt Nam đang lùi lại một bước khi đặt ngành chứng khoán trực thuộc Bộ”, ông Kỳ nói và cho rằng, ngành chứng khoán có quy mô ngày một lớn và phải thực hiện mục tiêu phát triển mạnh trong tương lai.
Theo Đề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và tầm nhìn 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2019 thì quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% vào năm 2025. Quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% vào năm 2025.
Với mục tiêu này, quy mô TTCK đang tiến gần đến mức bằng và vượt quy mô lượng vốn tín dụng ngân hàng trong ngành kinh tế. Điều này đòi hỏi cơ quan tổ chức, vận hành thị trường phải có một vị thế xứng đáng và đủ quyền lực mới có thể tạo nên một thị trường minh bạch, bình đẳng và hiệu quả cho các chủ thể tham gia.
Được biết, trong Tờ trình về dự án Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính vẫn đề xuất UBCK là cơ quan trực thuộc Bộ. Tuy nhiên, dự án Luật dự kiến bổ sung thêm một số quyền cho UBCK gồm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm...
VASB cho rằng, chứng khoán là một ngành rất nhạy cảm, có nhiều vấn đề cần phải báo cáo, phải xử lý kịp thời để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế chung. Vì thế, không nên vì lý do giảm đầu mối, mà hạn chế sự phát triển của một ngành quan trọng.
Việc sửa Luật Chứng khoán lần này, VASB cho rằng, các nhà làm Luật cần cân nhắc thật kỹ về tầm quan trọng và mục tiêu phát triển dài hạn của thị trường, để từ đó xem xét việc đưa cơ quan quản lý TTCK trở lại vị thế là một cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ.