Ðọc kỹ trước khi dùng
Chị Quỳnh Anh (quận Thủ Ðức, TP.HCM) cho biết, do có nhu cầu mua sắm đồ gia dụng, chị đã đến siêu thị điện máy và được một nhân viên của công ty tài chính tư vấn vay mua hàng trả góp. Chị đồng ý với khoản vay 20 triệu đồng để thanh toán tiền cho tủ lạnh, ti vi mới mua, trả góp trong 6 tháng.
Tuy nhiên, lúc mới nghe tư vấn thấy lãi cũng không cao, nhưng khi nhận phiếu nhắc nợ mới biết con số không nhỏ. Thực tế, khi trả xong khoản vay thì tổng số tiền lên tới gần 30 triệu đồng (cả gốc và lãi), tức là tiền lãi lên tới phân nửa tiền vốn.
Nghe tư vấn kỹ và yêu cầu cả bảng kê trả lãi (gồm cả lãi phạt thanh toán chậm) từng tháng là lời khuyên trước khi đặt bút ký. Bởi vì lãi suất “nghe” có vẻ hợp lý, nhưng sẽ rất khác khi phương thức trả nợ thay đổi, bởi tính theo dư nợ gốc thì con số cao hơn rất nhiều dư nợ giảm dần nếu cùng mức lãi suất.
Tận dụng khuyến mại từ các công ty tài chính lớn
Thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân tăng mạnh. Nắm bắt xu hướng tiêu dùng, nhiều công ty tài chính, nhà cung ứng vốn và cả ngân hàng đã tung ra nhiều “chiêu” khuyến mại để “hút” khách vay tiền.
Ngay năm 2019 này, Home Credit triển khai chương trình khuyến mại đặc biệt “10 phút duyệt vay - Cầu là được ngay” kéo dài tới hết 19/1/2020, với tổng giá trị giải thưởng gần 700 triệu đồng dành cho khách hàng trên toàn quốc.
FE Credit cho vay đến 70 triệu không cần thế chấp, trả góp trong 6-36 tháng, đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu chi tiêu đa dạng của người tiêu dùng…
Các khuyến mại từ các công ty tài chính tiêu dùng lớn có mức độ tin cậy cao và ưu đãi tốt cho người vay vốn, nhưng lời khuyên “đọc kỹ trước khi dùng” vẫn không nên bỏ qua.
Cẩn trọng vay ngang hàng…
Bên cạnh các công ty tài chính có tên tuổi, trên mạng xuất hiện hàng loạt trang cho vay tiêu dùng nhanh, thủ tục vay cực dễ, thậm chí chỉ với chiếc điện thoại thông minh là có tiền về tài khoản. Nhưng vay là có trả chứ không nên có suy nghĩ khác, vì vậy, vẫn cần phải quan tâm tới tất cả các khía cạnh, đặc biệt là lãi suất có những đơn vị lên tới 100-300%/năm.
Có thể điểm danh hàng loạt các dịch vụ này trên mạng với những từ khóa “Vay tiền nhanh online”, “Vay tiền không thế chấp”, “Vay tiền không cần gặp mặt”…
Các mô hình này thường được giới thiệu là công ty thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người đi vay và người cho vay (công ty tư vấn).
Tùy vào mô hình hoạt động mà người cho vay có thể được xác định cụ thể là một đối tác hợp tác với công ty tư vấn (ví dụ như ucash.vn; ATMonline.vn, avay.vn, clickvay.vn, doctordong.com; monily.vn, olava.vn, fastdong.com, dongshopsun.vn…); hoặc không được xác định cụ thể, có thể là tổ chức, cá nhân bất kỳ có đăng ký cho vay trên hệ thống của công ty tư vấn (ví dụ như mô hình của tima.vn; vaymuon.vn - các mô hình hiện được biết đến trên thị trường thế giới với tên gọi là mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer Lending hay P2P Lending).
Cần lưu ý là Việt Nam hiện chưa có hành lang pháp lý cho P2P Lending và việc vay mượn như vậy không được pháp luật bảo vệ.
… Và các hình thức biến tướng
Tín dụng tiêu dùng ngày càng có vai trò quan trọng khi tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng cho nền kinh tế đã tăng từ 12,3% (năm 2016) lên 17% (năm 2017) và 19,7% (năm 2018). Tuy nhiên, đây vẫn là mức thấp hơn so với các nước phát triển trên thế giới (40-50%) và là cơ sở cho dự báo rằng, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển.
Hiện một loạt mô hình có và chưa có khung pháp lý hướng dẫn đang nở rộ như vay tiêu dùng từ ngân hàng, qua công ty tài chính, cầm đồ, vay online (P2P Lending)… thường cùng có một điểm chung là những lời mời chào hấp dẫn. Tâm lý người tiêu dùng nói chung là khi cần tiền thường sẽ dễ chấp nhận các điều khoản định sẵn.
Ðây cũng là nguyên nhân khiến các hoạt động “tín dụng đen” biến tướng dưới áo khoác tín dụng tiêu dùng hợp pháp, thực tế đã gây nhiều hệ lụy. Thận trọng trước những “lời mời” là yêu cầu bắt buộc với người vay vốn.