Vàng trở nên ít hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ETF vàng đã bị ảnh hưởng bởi dòng vốn rút ròng 9 tỷ USD trong năm 2021, một động thái thể hiện sự sụt giảm đáng kể về nhu cầu của nhà đầu tư đối với kim loại quý này vào năm 2022.
Vàng trở nên ít hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu

Đánh dấu một đợt rút ròng hàng năm lớn nhất từ ​​các ETF vàng kể từ năm 2013, các nhà phân tích hiện đang cảnh báo rằng thị trường vàng miếng đang đối mặt với những thách thức lớn hơn với việc tăng lãi suất để đối phó với lạm phát và đồng đô la mạnh hơn dự kiến ​​sẽ gây áp lực lên giá vàng trong năm nay.

Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS Global cho biết: “Nhiều động lực có xu hướng tích cực đối với đồng đô la Mỹ trong bối cảnh chính sách của ngân hàng trung ương trở nên thắt chặt hơn, ít gói kích thích tài khóa hơn và lãi suất thực tế tăng cũng là xu hướng tiêu cực đối với vàng”. UBS kỳ vọng giá vàng sẽ giảm xuống 1.650 USD/ounce vào cuối năm 2022.

JPMorgan cho biết, việc các ngân hàng trung ương không áp dụng các chính sách tiền tệ “cực kỳ dễ dàng” trong năm nay sẽ là “xu hướng giảm giá hoàn toàn” đối với vàng, dẫn đến việc giá vàng giảm giá ổn định xuống mức trung bình là 1.520 USD/ounce trong quý IV/2022.

Giá vàng đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.067 USD/ounce vào tháng 8/2020 nhưng sự bứt phá của giá vàng trên mức 2.000 USD/ounce không đủ mạnh và vàng thỏi kết thúc vào năm ngoái ở mức 1.806 USD/ounce, giảm 12,6% so với mức đỉnh.

Trong khi đó, mối quan tâm của các nhà đầu tư yếu hơn đối với vàng chính là lực cản chính, dù nhu cầu đối với đồ trang sức bằng vàng, tiền xu, hay sử dụng công nghiệp và nhu cầu mua của các ngân hàng trung ương đều tăng trong năm ngoái.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, việc bán ra của các nhà đầu tư đã dẫn đến dòng vốn rút ròng 173 tấn trị giá 9,1 tỷ USD từ các quỹ ETF vàng vào năm 2021.

Nhà đầu tư rút ròng khỏi các quỹ ETF vàng trong năm 2021
Nhà đầu tư rút ròng khỏi các quỹ ETF vàng trong năm 2021

Ed Morse, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Citi cho biết, ông dự kiến ​​sẽ thấy “áp lực bán nhiều hơn” đối với giá vàng và dẫn đến việc rút thêm 300 tấn vàng khỏi các ETF trong năm nay và thêm 100 tấn vào năm 2023. Citi dự báo giá vàng sẽ giảm xuống mức trung bình 1.685 USD/ounce trong năm nay trước khi suy yếu hơn nữa xuống mức trung bình 1.500 USD/ounce vào năm 2023.

Với những lập luận rằng thâm hụt chính phủ và nợ công, cũng như nợ khu vực tư nhân tăng mạnh sẽ hỗ trợ giá vàng, chuyên gia Ed Morse cho rằng, chỉ có xác suất 30% cho một đợt tăng giá mới có thể đẩy giá giá vàng lên đỉnh mới trên mức 2.000 USD/ounce trong năm nay.

Phần lớn áp lực bán ra trong năm 2021 là ở Mỹ với các quỹ ETF vàng đã bị rút ròng 201,3 tấn, trị giá 10,8 tỷ USD. Thị trường Anh cũng bị rút ròng 28,5 tấn trị giá 1,5 tỷ USD vào năm 2021. Trong khi đó, tại các thị trường châu Á, giá vàng giảm đã thúc đẩy dòng vốn chảy vào các quỹ ETF vàng. Trong đó, chảy vào quỹ ETF vàng tại Trung Quốc 14,8 tấn trị giá 786,5 triệu USD. Các quỹ ETF vàng niêm yết tại Ấn Độ cũng chứng kiến ​​nhu cầu tăng lên với việc các nhà đầu tư chi 595,3 triệu USD để mua thêm 9,3 tấn vàng.

Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết, họ kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục xu hướng thị trường tăng giá vào năm 2022 do nhu cầu về đồ trang sức, công nghiệp và công nghệ tăng lên ở Trung Quốc và Ấn Độ.

James Steel, nhà phân tích kim loại quý kỳ cựu của HSBC cho biết, bất kỳ sự leo thang căng thẳng địa chính trị nào giữa Mỹ và Trung Quốc hay bạo lực hơn ở Ukraine hoặc Kazakhstan có thể “kích hoạt nhu cầu trú ẩn an toàn” đối với vàng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục