Một trong những thông tin có ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư chứng khoán là chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng và ước đoán cả năm 2011. Ngày 20/8, Hà Nội công bố CPI tháng 8 tăng 1,06% so với tháng trước đó, đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2010. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số CPI dự báo tháng 8 của Hà Nội cũng đã tăng đến 22,7%.
Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, theo dự báo trong nửa cuối tháng 8, hầu hết các nhóm hàng thiết yếu đều có xu hướng tăng, chỉ có vài mặt hàng giữ được giá hoặc giảm nhẹ, nhưng cũng khó có thể cưỡng nổi với sức kéo của giá vàng và tỷ giá USD/VND đang có xu hướng tăng sau nhiều tháng tương đối bình ổn. Trái ngược với sự tăng giá bất ngờ của giá vàng, chứng khoán sau một vài phiên tăng điểm đã tiếp tục rơi vào xu hướng giảm vốn có, chưa biết đến bao giờ mới có thể khởi sắc đi lên.
Chịu ảnh hưởng của đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước nửa tháng 8/2011 tăng mạnh và liên tục phá vỡ các kỷ lục về giá chỉ vừa được thiết lập trước đó.
Chứng kiến cảnh người người, nhà nhà đổ xô, chen lấn đi mua - bán vàng, Cục Quản lý giá đã không thể đưa ra dự báo diễn biến của giá vàng trong thời gian tới, mà chỉ dẫn lại công bố của Ngân hàng Nhà nước: "Giới đầu cơ trên thị trường vàng trong nước cũng tiến hành đầu cơ, làm giá để trục lợi, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân, mặc dù lượng vàng nắm giữ trong dân vẫn ở mức cao". Cộng với thông tin về việc một loạt ngân hàng trung ương các nước trên thế giới gia tăng việc thu gom mặt hàng kim loại quý này (Hàn Quốc mua thêm 25 tấn; Nga mua thêm 5,85 tấn nhằm tăng lượng dự trữ vàng lên 836,715 tấn; Thái Lan mua thêm 18,66 tấn để tăng lượng dự trữ vàng lên 127,524 tấn; Kazakhstan tăng dự trữ vàng thêm 3,11 tấn, lên 70,434 tấn; Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR cũng tăng lượng nắm giữ lên 1.281,76 tấn, sau khi mua vào 18,17 tấn vàng), nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, giá vàng tiếp tục xu hướng tăng cho đến khi kinh tế Mỹ, Nhật, EU phục hồi trở lại.
Trong khi đó, trước những bất ổn của nền kinh tế Mỹ, "đồng bạc xanh" tiếp tục mất giá so với các loại ngoại tệ khác, nhưng với VND, "đồng bạc xanh" lại diễn biến trái chiều khi tỷ giá USD/VND liên tục tăng trong nửa đầu tháng 8/2011, từ mức 20.565 - 20.615 đồng/USD (mua vào - bán ra tại các ngân hàng thương mại) hồi đầu tháng, đã lên mức 20.814 - 20.824 đồng/USD, tăng 249 - 209 đồng/USD vào thời điểm hiện nay.
Giá vàng, giá USD tăng đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới 9 nhóm hàng thiết yếu trong nước, đặc biệt là những mặt hàng là nguyên nhiên liệu đầu vào của nền kinh tế. Theo dự báo của Cục Quản lý giá, giá phân bón (đầu vào của sản xuất nông nghiệp) trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục có xu hướng tăng, kéo giá phân bón thị trường trong nước tăng. Hệ quả là đẩy giá sản phẩm nông nghiệp tăng, trong đó giá gạo tiếp tục xu hướng tăng sau khi đã tăng khoảng 1.000 đồng/kg (giá xuất khẩu 35 - 45 USD/tấn) trong nửa đầu tháng 8.
Hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống chiếm 42,85% trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng gồm 496 mặt hàng. Vì vậy, với việc hai nhóm hàng này duy trì xu hướng tăng, cộng với việc khai giảng năm học mới, nhu cầu chi tiêu của người dân tăng đột biến sẽ là đòn bẩy để đẩy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 nhiều khả năng vẫn ở mức cao.
CPI chưa có dấu hiệu giảm sẽ tiếp tục là chỉ báo cho thấy, mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Chính phủ kiên quyết thực hiện từ đầu năm nay chưa có kết quả rõ rệt. CPI tăng cũng đang là một thách thức cho thông điệp hạ lãi suất từ tháng 9 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng sẽ khó mà giảm được, vì nếu giảm, người gửi tiền tiết kiệm sẽ càng phải chịu lãi suất thực âm. Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn trên TTCK có thể còn kéo dài và kênh đầu tư vàng, trong ngắn hạn, vẫn sẽ giữ vị trí độc tôn về mức độ an toàn và khả năng sinh lời đồng vốn.