Vàng chưa bao giờ hết vai trò “trú ẩn cuối cùng”

(ĐTCK) Dịch Covid-19 giúp nhà đầu tư thêm một lần nữa thấy vai trò của vàng, khi mà làn sóng tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán diễn ra trong quý I, vàng trở thành nơi trú ẩn lý tưởng.
Vàng chưa bao giờ hết vai trò “trú ẩn cuối cùng”

Nhà đầu tư tìm đến hầm trú ẩn vàng

Tính từ đầu năm đến giữa tháng 4/2020, giá vàng đã tăng trên 17%. Sở dĩ giá vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây chủ yếu do tác động bởi đại dịch Covid-19 không chỉ dừng lại ở khu vực châu Á, mà ngày càng lan nhanh trên toàn cầu kể từ cuối quý I/2020, nhất là ở khu vực châu Âu và Mỹ.

Vàng chưa bao giờ hết vai trò “trú ẩn cuối cùng” ảnh 1

Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam

Dịch bệnh khiến cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Kinh tế suy giảm và khó tránh việc lặp lại khủng hoảng kinh tế như đã diễn ra như trong giai đoạn 2008-2009. Trước tình hình này, Chính phủ Mỹ cũng như các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đưa ra nhiều gói cứu trợ cho người dân và nền kinh tế.

Với Mỹ, ngoài gói cứu trợ lên tới 2.000 tỷ USD cuối tháng 3/2020 để “cứu thương” nền kinh tế thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đưa ra một loạt giải pháp. Ngoài hạ lãi suất thì có một lượng tiền rất lớn lên tới 2.300 tỷ USD được bơm vào hệ thống tài chính dưới hình thức các khoản vay cho tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Dữ liệu được chú ý nhất tại Mỹ đó là đơn xin trợ cấp thất nghiệp, tăng vọt đầu tháng 4 khi nước này công bố tình trạng khẩn cấp tại tất cả các bang, lên tới con số “không tưởng” là hơn 15 triệu người.

Đó là Mỹ, còn nếu tính tới tất cả các nền kinh tế trong nhóm G20 thì số tiền được bơm ra giải cứu kinh tế lên tới hơn 5.000 tỷ USD.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định, đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế thế giới vào một đợt suy thoái sâu và theo chiều ngược lại, thị trường vàng trở thành điểm sáng. Vàng có thời điểm đã tăng vượt mốc 1.700 USD/ounce, tuy sau đó có giảm về mức 1.678,97 USD/ounce, nhưng hiện vẫn có nhiều dự báo cho thấy vàng “sẵn sàng” tăng giá trở lại.

Lý do để vàng tăng giá chính là các nhà đầu cơ và quỹ đầu tư trên thế giới thường tìm đến vàng khi khủng hoảng kinh tế xảy ra và thực tế, sức mua vàng của các quỹ đầu tư tăng lên. Khi các quỹ đầu tư cũng như các nhà đầu cơ, nhà đầu tư trên thế giới nhận thấy khó khăn suy thoái kinh tế xảy ra, sẽ thường thoái vốn ra khỏi các kênh đầu tư khác đang có thanh khoản kém như chứng khoán, bất động sản... và tìm đến hầm trú ẩn an toàn hơn, đó là vàng.

Thực tế cho thấy, lo ngại suy thoái kinh tế trước diễn biến của dịch bệnh lan nhanh khắp thế giới, chứng khoán Mỹ rơi đã vào giai đoạn thị trường con gấu (chu kỳ giảm giá) và bất động sản cũng không còn là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.

Trong bối cảnh đó, quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR liên tiếp mua vào. Tính chung, kể từ đầu năm đến cuối tháng 3, quỹ này có tổng khối lượng mua vào 173,85 tấn, trong khi chỉ có 17 ngày bán ra với khối lượng 88,11 tấn. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Nga cũng chỉ mới bắt đầu dừng mua vàng kể từ đầu tháng 4/2020, sau 5 năm chi tới hơn 40 tỷ USD tích trữ kim loại quý này...

Tại Đông Nam Á, sức mua vàng vật chất hiện chưa nói được gì nhiều. Tuy nhiên, nhu cầu nữ trang vàng của thị trường này sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, trong đó không loại trừ tại Việt Nam, khi các hệ thống cửa hàng kinh doanh nữ trang vàng của doanh nghiệp phải đóng cửa theo quy định về giãn cách xã hội.

Nhìn tổng thể thị trường vàng trong giai đoạn dịch bệnh, hoạt động mua vàng tài khoản của các quỹ đầu tư vàng trên thế giới vẫn tiếp diễn.

Cẩn trọng khi xuống tiền

Xu hướng tăng giá của vàng là có cơ sở, song chúng ta không thể chắc chắn được vàng sẽ đạt mức đỉnh bao nhiêu trong năm nay.

Theo tôi, vàng có thể tăng lên 2.000 USD/ounce trong thời gian từ nay đến cuối năm 2020.   

Với các gói cứu trợ nền kinh tế được các ngân hàng trung ương trên thế giới đưa ra trước diễn biến dịch bệnh Covid-19, lượng tiền bơm ra nền kinh tế rất lớn và không loại trừ việc các ngân hàng trung ương phải in thêm tiền. Với vàng thì ngược lại, kim loại quý này không thể “in” thêm. Điều này đã được chứng minh, nếu nhà đầu tư rót vốn vào vàng từ đầu năm đã có khoản lãi khoảng 17%.

Để kỳ vọng kinh tế trở lại bình thường trong ngắn hạn là rất khó khi dịch bệnh chưa chấm dứt. Đó cũng chính là lý do để các nhà phân tích đưa ra dự báo giá mặt hàng kim quý vàng sẽ còn cơ hội lập đỉnh mới 2.500 USD/ounce trong năm nay. Nhưng theo tôi, vàng có thể tăng lên 2.000 USD/ounce trong thời gian từ nay đến cuối năm. Nguyên nhân do việc “bơm” tiền của các ngân hàng trung ương trên thế giới để cứu nền kinh tế trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 ngày càng lan rộng.

Mặt khác, việc Fed giảm lãi suất về 0 - 0,25%/năm trước diễn biến khó khăn của nền kinh tế thời gian qua cũng là một trong những yếu tố tác động tích cực lên giá vàng và lãi suất USD còn có thể giảm thêm.

Chính phủ Mỹ đã và đang đưa ra hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ người dân, nhưng nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát và kéo dài thì chắc chắn Mỹ cũng sẽ phải sử dụng hết tất cả các công cụ. Do đó, không loại trừ việc Fed đưa lãi suất về 0%/năm như đã từng làm trước đây. Tuy nhiên, khác với những lần trước, việc Fed đưa lãi suất về 0%/năm nếu xảy ra trong thời gian tới sẽ không còn tác động nhiều lên giá vàng. Vì lãi suất USD đã tiệm cận 0% và tâm lý của các nhà đầu cơ, nhà đầu tư trên thế giới tìm đến vàng là do lo ngại dịch bệnh.

Với các nhà đầu tư trong nước, lâu nay vàng luôn được xem là "của để dành". Đây cũng là thói quen của người châu Á, nên kể cả khi giá tăng, không ít người vẫn tìm đến vàng. Hiện nhiều người cho rằng, vàng đã tăng cao, song các dự báo đưa ra giá vàng sẽ còn tăng trong thời gian tới thì việc bỏ vốn vào mặt hàng kim loại quý này cũng ít nhất đảm bảo được an toàn vốn, kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, nếu lướt sóng sẽ khó tránh rủi ro. Đặc biệt, với thị trường vàng trong nước, hiện giá mua - bán chênh lệch với giá thế giới còn cao do thị trường vàng trong nước không liên thông với thế giới, khiến giá vàng trong nước nhiều khi lệch nhịp với giá quốc tế. Ngoài kênh mua bán tại cửa hàng, nếu có nhu cầu giao dịch vàng, nhà đầu tư trong nước cũng không dễ dàng thực hiện như trên thế giới khi được mua - bán vàng qua tài khoản. Do vậy, rút tiết kiệm mua vàng trong lúc này không phải là lựa chọn phù hợp đối với các nhà đầu tư trong nước. Bởi hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm có xu hướng giảm nhẹ, song vẫn ở mức cao trên 6%/năm, thậm chí 7 - 8%/năm với các khoản tiền gửi trung và dài hạn.

Vì thế, việc giữ tiết kiệm lúc này cũng được xem là một giải pháp có lợi hơn. Trong thời gian tới, nếu lãi suất tiền gửi giảm thêm, các nhà đầu tư cũng sẽ tính toán lại việc có nên tiếp tục gửi tiền trong ngân hàng hay giảm bớt danh mục ở một số kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản) để mua một ít vàng, chứ không nên dồn hết tiền
vào vàng.

Dù vậy, các nhà đầu tư cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc "lướt sóng" vàng để tìm kiếm lãi cao. Bởi ở mọi kênh đầu tư, lợi nhuận cao rủi ro cũng sẽ đi kèm.


Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục