Rút tiết kiệm mua vàng không phải là lựa chọn tốt

Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cho rằng, Covid-19 đang lan nhanh trên toàn cầu khiến nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán, bất động sản... để tìm đến hầm trú ẩn an toàn là vàng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong nước nên cẩn trọng, vì thị trường vàng trong nước khó liên thông với thị trường quốc tế.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam. Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam.

Giá vàng liệu có tiếp tục đà tăng lên trong thời gian tới, thưa ông?

Dịch bệnh khiến kinh tế suy giảm và khó tránh lặp lại khủng hoảng như thời điểm 2008-2009. Trước tình hình này, Chính phủ Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 2.000 tỷ USD để “cứu thương” nền kinh tế. Tối 9/4 (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo tiếp tục bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính thông qua việc cung cấp 2.300 tỷ USD dưới hình thức các khoản vay cho tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. 

Những động thái đó cho thấy, Covid-19 đang đẩy kinh tế thế giới vào một đợt suy thoái sâu khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán cũng như một số kênh đầu tư khác, thì vàng được hưởng lợi. Trong khi các thị trường chứng khoán đã mở đầu quý mới trong sắc đỏ, giá vàng vẫn có cơ hội đi lên.

Giá vàng giao ngay giao dịch ngày 9/4 tăng từ 1.642,75 USD/ounce lên 1.678,97 USD/ounce. Sang phiên giao dịch sáng 10/4, vàng giao dịch ở mức 1.678,97 USD/ounce. Nếu giá vàng giao ngay phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.697-1.700 USD/ounce, thì mục tiêu sẽ đạt và kiểm định trên vùng 1.700 - 1.720 USD/ounce. Tôi cho rằng, điều đó không khó để xảy ra trong thời gian tới.

Theo ông, khả năng vàng sẽ đạt đỉnh ở mức nào trong năm nay?

Chúng ta không thể chắc chắn vàng sẽ đạt mức đỉnh bao nhiêu trong năm nay, nhưng xu hướng tăng là có cơ sở. Các gói cứu trợ nền kinh tế đang được các ngân hàng trung ương trên thế giới đưa ra trước diễn biến dịch bệnh leo thang, cùng việc Fed tung lượng tiền lớn khiến đồng tiền của các nước mất giá sẽ tác động lên giá vàng.

Mặt khác, để đưa ra một lượng tiền lớn như vậy, khó loại trừ việc các ngân hàng trung ương phải in thêm tiền. Trong khi đó, vàng không thể “in” thêm và trước khủng hoảng kinh tế, nhiều nhà đầu cơ, đầu tư lại tìm đến hầm trú ẩn an toàn này. Chỉ trong tuần trước, giá vàng đã tăng gần 6% và tính từ đầu năm đã tăng 17%.

Không ai có thể dự đoán được khi nào Covid-19 sẽ chấm dứt trong bối cảnh số ca nhiễm và số ca tử vong trên toàn thế giới gia tăng theo từng ngày. Vì thế, để kỳ vọng kinh tế trở lại bình thường trong ngắn hạn là rất khó, chứ chưa thể nói đến tăng trưởng. Đó cũng chính là lý do để các nhà phân tích đưa ra dự báo giá vàng sẽ còn cơ hội lập đỉnh mới 2.500 USD/ounce năm nay.

Theo tôi, giá vàng có thể tăng lên 2.000 USD/ounce trong thời gian từ nay đến cuối năm 2020, bởi việc bơm tiền của các ngân hàng trung ương trên thế giới để cứu nền kinh tế sẽ được thực hiện dần từ nay đến cuối năm, chứ không bơm ra cùng một lúc được.

Liên tục giảm lãi suất trong thời gian ngắn, liệu Fed có đưa lãi suất về 0%, thưa ông?

Ngày 15/3, Fed thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần kể từ đầu năm 2020, nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh  Covid-19 lây lan trên toàn nước Mỹ. Hiện Mỹ đã và đang sử dụng công cụ của Chính phủ đưa ra hàng ngàn tỷ USD, song nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, thì chắc chắn Chính phủ Mỹ cũng sẽ phải sử dụng hết tất cả các công cụ và không loại trừ việc Fed đưa lãi suất về 0% như đã từng làm trước đây.

Khi Fed có động thái thì sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu, Chính phủ Mỹ cũng sẽ cân nhắc trước khi quyết định. Tôi cho rằng, việc Fed đưa lãi suất về 0% không còn tác động nhiều lên giá vàng. Bởi hiện  Fed đã đưa lãi suất về gần vùng tiệm cận 0% và tâm lý của các nhà đầu cơ, đầu tư trên thế giới tìm đến vàng là do lo ngại dịch bệnh.

Đối với thị trường vàng trong nước thì thế nào, thưa ông? Nhà đầu tư có nên xuống tiền lúc này để tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh các kênh đầu tư khác trầm lắng?

Hiện nhiều người cho rằng, giá vàng đã tăng cao, song theo các dự báo,  giá vàng còn tăng trong thời gian tới. Vì vậy, bỏ vốn vào mặt hàng kim quý này, nhà đầu tư ít nhất đảm bảo được an toàn vốn, kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu lướt sóng cũng sẽ rất rủi ro.

Đối với thị trường vàng trong nước, hiện giá mua - bán còn chênh lệch cao so với giá thế giới, do thị trường vàng trong nước không liên thông với giá thế giới. Mặt khác, thị trường còn bị kiểm soát bởi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Các nhà đầu tư cũng không thể mua bán vàng qua tài khoản trong bối cảnh các cửa hàng kinh doanh vàng phải đóng cửa do dịch bệnh.

Rút tiết kiệm mua vàng lúc này, theo tôi, không phải là lựa chọn tốt đối với các nhà đầu tư trong nước. Bởi lãi suất tiền gửi tiết kiệm có xu hướng giảm nhẹ, song vẫn ở mức cao trên 6%/năm, thậm chí 7-8%/năm. Vì thế, việc giữ tiết kiệm lúc này được xem là một giải pháp.

Trong thời gian tới, nếu lãi suất tiền gửi giảm thêm, các nhà đầu tư sẽ tính toán lại việc có nên tiếp tục gửi tiền trong ngân hàng, hay giảm bớt danh mục ở một số kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản) để mua một ít vàng, chứ không nên dồn hết tiền vào vàng. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc lướt sóng, tìm kiếm lãi cao, bởi ở kênh đầu tư nào cũng vậy, lợi nhuận cao thì rủi ro sẽ rất lớn.

Thùy Vinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục