Vàng Bồng Miêu và Vàng Phước Sơn nợ thuế 400 tỷ đồng, tại doanh nghiệp hay tại chính sách?

(ĐTCK) Liên quan đến khoản nợ thuế gần 400 tỷ đồng của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, doanh nghiệp cho rằng có một phần nguyên nhân từ các quy định về thuế tài nguyên chưa hợp lý và chưa đầy đủ của tỉnh Quảng Nam nói riêng cũng như Việt Nam nói chung. 

Lập luận này của doanh nghiệp có cơ sở để xem xét hay không?

Tập đoàn Besra nhận giấy phép khai thác mỏ Bồng Miêu năm 1997, tập trung xây dựng nhà máy và đưa vào hoạt động năm 2005. Mỏ Phước Sơn được cấp phép năm 1999 và tháng 6/2011 đi vào hoạt động.

Cả hai sau đó đều vướng phải nợ nần, trong đó riêng nợ thuế lên tới gần 400 tỷ đồng và đã phải dừng hoạt động do Cục Thuế Quảng Nam áp dụng các biện pháp cưỡng chế hóa đơn. Câu chuyện nợ thuế của hai đại gia nêu trên từng gây ồn ào trong suốt một thời gian dài trước đây. Nay hai công ty đang trong quá trình tái cơ cấu. Một trong những phần việc quan trọng mà Besra và đối tác Việt Nam đang thực hiện là đàm phán nợ thuế với Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Trong công văn gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế hồi tháng 9/2015 do quyền Tổng giám đốc hai công ty Bồng Miêu và Phước Sơn là ông Paul Seton ký, đã đề nghị xác định lại số thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp phải nộp giai đoạn 2010 - 2014.

Lập luận mà Bồng Miêu và Phước Sơn đưa ra là hai công ty thực hiện khai thác quặng vàng nguyên khai, không bán ra, mà đưa vào quy trình chế biến hoàn toàn khép kín, bao gồm nhiều công đoạn để chế biên thành sản phẩm là vàng thỏi dore. Thông tư số 105/2010/TT-BTC quy định, “đối tượng chịu thuế tài nguyên là các tài nguyên thiên nhiên”. Vậy trong trường hợp của hai công ty, đối tượng chịu thuế tài nguyên là quặng vàng nguyên khai, chứ không phải sản phẩm cuối cùng là vàng thỏi dore.

Trong giai đoạn 2010 - 2014, mặc dù sản phẩm vàng thỏi dore đã được xác nhận là thành phẩm, nhưng do UBND tỉnh Quảng Nam chỉ quy định giá tính thuế tài nguyên dựa trên giá vàng 98%, mà chưa có tỷ lệ quy đổi từ vàng 98% ra quặng vàng nguyên khai, nên hai công ty đã không có cơ sở để xác định sản lượng quặng vàng nguyên khai khai thác được để tính thuế tài nguyên theo quy định của Thông tư 105. Tuy nhiên, để đảm bảo tuân thủ quy định về kê khai và nộp thuế tài nguyên đúng thời hạn, hai công ty đã tạm thời lấy số lượng vàng thỏi dore bán ra làm sản lượng tính thuế tài nguyên.

Tại Điều 6, Thông tư 105 quy định, “giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phải được thể hiện trên chứng từ bán hàng”. Trên thực tế, hai công ty không bán tài nguyên nguyên khai khai thác được và trên chứng từ bán hàng thể hiện giá bán đơn vị sản phẩm là vàng thỏi dore, không phải giá bán đơn vị tài nguyên nguyên khai.

Tại Điều 6, Khoản 2, Thông tư trên quy định: “Trường hợp tài nguyên chưa xác định được giá bán tài nguyên khai thác theo hướng dẫn tại Khoản 1, điều này thì giá tính thuế tài nguyên được xác định theo một trong những căn cứ sau: Giá bán thực tế trên thị trường khu vực của đơn vị sản phẩm tài nguyên cùng loại, có giá trị tương đương…”.

Thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ có 2 công ty thực hiện khai thác tài nguyên khoáng sản vàng để chế biến cùng vướng mắc chưa có giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên (UBND tỉnh Quảng Nam chỉ quy định giá bán cho vàng 98%). Mặt khác, trên lãnh thổ Việt Nam, số lượng mỏ vàng và các đơn vị thực hiện khai thác không nhiều, trữ lượng và hàm lượng vàng trong quặng không đồng đều giữa các mỏ, do vậy việc áp dụng “Giá bán thực tế trên thị trường khu vực của đơn vị sản phẩm tài nguyên cùng loại, có giá trị tương đương…” là không khả thi.

Tại Khoản 3.3, Điều 6 quy định: “Đối với tài nguyên khai thác không tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu là giá xuất khẩu đơn vị sản phẩm tài nguyên (theo giá FOB)”. Thực tế, hai công ty xuất khẩu thành phẩm vàng thỏi dore, không xuất khẩu quặng vàng nguyên khai, vì vậy không thể áp dụng giá FOB khi xuất khẩu vàng thỏi dore để tính thuế tài nguyên.

Tại Điều 6 quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhưng không bán ra… nên không có đủ căn cứ để xác định giá bán tài nguyên khai thác thì áp dụng giá bán đơn vị tài nguyên do UBND cấp tỉnh tại địa phương có khai thác tài nguyên quy định cho từng thời kỳ để tính thuế tài nguyên”. Tuy nhiên, UNBD tỉnh Quảng Nam chỉ quy định giá vàng 98% qua các thời kỳ, mà chưa có quy định về tỷ lệ % quy đổi từ vàng 98% ra quặng vàng nguyên khai (đối tượng chịu thuế), để xác định giá tính thuế tài nguyên.

Thực tế, hai công ty bán vàng thỏi dore, do đó không thể áp dụng giá bán đơn vị tài nguyên do UBND cấp tỉnh tại địa phương có khai thác tài nguyên quy định cho từng thời kỳ để tính thuế tài nguyên.

Do các vướng mắc đối với việc hai công ty khai thác quặng vàng không trực tiếp bán ra mà đưa vào chế biến ra thành phẩm vàng thỏi dore, việc ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên và chưa có tỷ lệ quy đổi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không thể áp dụng với thực tế khai thác, chế biến và tiêu thụ của hai công ty, với bản chất thuế tài nguyên được tính bằng tỷ lệ % trên giá bán tài nguyên nguyên khai được xác định (là quặng vàng nguyên khai), trong khi giá bán thể hiện trên hóa đơn bán hàng của hai công ty là giá bán thành phẩm vàng thỏi dore, nên hai công ty đề xuất phương án tính lại thuế tài nguyên cho giai đoạn 2010 - 2014.     

Nhóm PV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục