Vàng "bỏ ống" cũng có lãi, huống chi là buôn?

Vàng từ xa xưa được coi là đồ trang sức, dần dần trở thành "nơi ẩn náu" an toàn cho các nhà đầu tư, mỗi khi xuất hiện nguy cơ lạm phát hoặc bất ổn chính trị, xã hội. Đối với người tiêu dùng, ngoài việc để trang sức, cho con cái khi lập gia đình, họ còn "bỏ ống" theo kiểu "tích cốc phòng cơ", phòng khi có những rủi ro, bất trắc.
Vàng "bỏ ống" cũng có lãi, huống chi là buôn?

Trong kinh tế thị trường, vàng cũng là một kênh đầu tư, không chỉ để bảo toàn vốn, mà còn được kinh doanh, thậm chí được đầu cơ theo kiểu "lướt sóng" nhằm thu lợi nhuận, không kém gì, thậm chí còn cao hơn các kênh đầu tư khác (giá vàng tính đến nay so với tháng 12/2000 đã gấp trên 3 lần, trong khi giá tiêu dùng mới gấp gần 1,5 lần, giá USD gấp trên 1,1 lần, giá bất động sản gấp khoảng 3 lần...).

 

Vì sao giá vàng tăng?

Yếu tố quan trọng nhất là do giá vàng trên thị trường thế giới. Giá vàng giao ngay khi kết thúc phiên 6/11 ở New York đã lên tới 820,8 USD/ounce; khi mở cửa thị trường Hồng Kông sáng 7/11 đã lên đến 824,5-825USD/ounce - đều là những mức cao nhất từ trước đến nay. Giá vàng thế giới tăng lên sẽ kéo giá vàng trong nước tăng theo, bởi vàng ở trong nước có đến 95% là nhập khẩu, mấy năm nay, mức nhập khẩu lên đến trên dưới 60 tấn/năm. Điều đó có nghĩa là giữa vàng trong nước và vàng thế giới gắn liền gần như "bình thông nhau", nếu giá vàng trong nước không tăng theo thì vàng sẽ bị xuất lậu, trốn thuế ra thế giới.

Các chuyên gia dự đoán, giá vàng thế giới có thể lên đến 850-875 USD/ounce, nên giá vàng trong nước có thể lên đến trên dưới 17 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, do tác động của yếu tố đầu cơ (nhất là trên thị trường thế giới), nên khi giá cao sẽ bán ra, khi giá thấp thì mua vào, làm cho diễn biến giá vàng cũng không thoát khỏi hình thế "răng cưa" (lúc tăng, lúc giảm); song, xu hướng là tăng lên.

Giá vàng thế giới tăng do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng hàng đầu là do sự mất giá của đồng USD. Giá USD ngày 6/11 so với 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua, chỉ còn 75,986 điểm. Một USD chỉ còn ăn 0,6863 euro, 0,4783 bảng Anh, 114,7 yên Nhật, 0,9219 đôla Canada ... Giá USD giảm cũng do nhiều nguyên nhân. Trước hết là triển vọng kinh tế Mỹ ngày càng u ám do tác động xấu của việc cho vay thế chấp trên thị trường nhà đất ở mức khổng lồ, trong khi giá nhà đất rớt thê thảm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 18/9 đã cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD tới 0,5% (từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm); mới đây lại cắt giảm thêm 0,25% (còn 4,5%/năm) và đang có dự đoán FED sẽ còn cắt giảm tiếp. Khi lãi suất USD giảm mạnh như trên thì lượng USD ra lưu thông sẽ tăng, làm cho USD giảm giá. Đồng USD vốn là một đồng tiền mạnh, chiếm trên dưới 70% thị phần thanh toán và cũng từng đó dự trữ ngoại hối của các nước, nên nhiều năm qua, nước Mỹ in tiền ra để bù đắp cho tiêu dùng vốn chiếm tỷ lệ rất cao (trên 80%) GDP của Mỹ. Đứng trước sự giảm giá của USD, sự lên giá của vàng và các ngoại tệ mạnh, nhiều nước có dự trữ quốc tế lớn (theo ước tính lên đến 5.000 - 7.000 tỷ USD) đã cơ cấu lại dự trữ quốc tế của mình bằng cách đẩy USD ra, để đưa ngoại tệ mạnh khác và vàng vào thay. Khi thị trường tài chính xuất hiện vấn đề không an toàn, ngay sau khi Mỹ cắt giảm lãi suất từ 5,25% xuống 4,75%, ngài Marc Faber - Giám đốc điều hành công ty đầu tư mang tên ông (người đã hai lần dự đoán khá đúng về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ năm 1987 và sự biến động của giá vàng từ năm 2001), đã khuyến cáo các nhà đầu tư tài chính là "hãy bán USD ngay lập tức để đầu tư vào vàng, bạc và dầu thô".

Giá vàng thế giới tăng còn do giá dầu thô thế giới tăng mạnh, hiện đã vượt mốc 98 USD/thùng, cao nhất từ trước tới nay. Giá dầu tăng cao, ngoài nguyên nhân do đồng USD giảm giá, còn do nguồn cung (từ các kho dự trữ) cho các nước công nghiệp trên thế giới, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), cuối năm nay sẽ thấp hơn khoảng 20 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm qua, trong khi mức tăng sản lượng rất "nhỏ nhoi" của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thấp hơn nhiều. Đó là chưa kể nhu cầu tăng trưởng kinh tế và đời sống tăng lên; đặc biệt, còn có thông tin có nước đã đưa tiền ra mua dầu để "bơm" vào các mỏ dầu đã khai thác hết để khắc phục về kho chứa và để đề phòng giá có thể vượt qua mốc 100 USD/thùng.

Giá vàng thế giới tăng còn do các nước có số dân đông (như Trung Quốc, Ấn Độ...) có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, nhì thế giới, có mức sống đang lên... đang bước vào mùa cưới hỏi, nhu cầu vàng nữ trang tăng mạnh.

 

Các yếu tố tác động giá vàng ở thị trường nội địa

Giá vàng trên thị trường nội địa tăng cũng còn có yếu tố trong nước. Nhiều người có lượng vốn lớn chưa biết đầu tư vào đâu. Trên thị trường chứng khoán chính thức, chỉ số giá diễn biến theo hình "răng cưa", lại đang có xu hướng giảm, trong khi IPO của các "đại gia" bị chậm. Trong khi kinh doanh bất động sản cần vốn rất lớn, việc mua bán chỗ đẹp không dễ, lại còn giấy tờ, phong thủy, chính sách của Nhà nước đang có sự điều chỉnh, việc mua bán không dễ dàng... Giá USD đang giảm, lãi suất gửi USD thấp. Lãi suất thực của tiết kiệm VND cũng thấp... Và những lượng vốn chưa biết đầu tư vào đâu đã được đầu tư một phần vào vàng. Điều đó được giải thích tại sao giá vàng trong nước các lần trước thấp hơn nhiều so với giá thế giới, nhưng nay đã sát giá thế giới.


TN

Tin cùng chuyên mục