Vận tải tàu dầu ngược sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường vận tải biển đối mặt với giá cước và nhu cầu suy giảm, nhưng phân khúc vận tải dầu khí lại đón nhận nhiều yếu tố thuận lợi.
Nhu cầu đối với tàu chuyên chở dầu thô và tàu chở dầu sản phẩm dự kiến sẽ tăng nhanh hơn nguồn cung trong cả năm 2023 và 2024. Nhu cầu đối với tàu chuyên chở dầu thô và tàu chở dầu sản phẩm dự kiến sẽ tăng nhanh hơn nguồn cung trong cả năm 2023 và 2024.

“Mặc dù rủi ro vẫn tồn tại, nhưng tất cả các chỉ số đều phản ánh sự ổn định và bền vững của thị trường tàu dầu, điều chưa từng thấy kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 2008”, ông Niels Rasmussen, Trưởng bộ phận Phân tích vận chuyển tại BIMCO nhận xét.

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn nguồn cung tàu trong 2 năm 2023 và 2024. Cụ thể, nhu cầu tàu chở dầu thô trong năm 2024 sẽ tăng 4,5 - 6,5% so với năm 2022, trong khi nguồn cung tàu giảm khoảng 0,6%. Tương tự, nhu cầu tàu chở xăng dầu dự báo tăng 6 - 8%, trong khi nguồn cung tàu giảm khoảng 0,7%.

Theo đó, giá cước thuê tàu chuyến, giá cước thuê tàu định hạn và giá tàu cũ nhiều khả năng sẽ tăng trong cả 2 năm 2023 và 2024.

Trong năm 2023, ước tính nhu cầu chuyên chở tăng 0 - 1% đối với tàu chở dầu thô và tăng 1,5 - 2,5% đối với tàu chở dầu sản phẩm, còn trong năm 2024, mức tăng trưởng kỳ vọng là 1 - 2% cho cả hai mặt hàng.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ khi đại dịch Covid-19 kết thúc, việc dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế đi lại là động lực chính cho sự gia tăng của nhu cầu nhiên liệu cũng như nhu cầu vận chuyển xăng dầu trên toàn cầu. Sự gia tăng nhu cầu nhiên liệu bay được dự đoán sẽ chiếm ít nhất một nửa nhu cầu về nhiên liệu sắp tới.

Bên cạnh đó, quãng đường chuyên chở hàng hóa bình quân nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng 3 - 4% sau khi lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ Nga được thực thi nghiêm ngặt hơn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 từ 2,7% lên 2,9%; trong đó, nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ 4,4% lên 5,2%.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo, Trung Quốc sẽ chiếm 38% tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu từ năm 2022 - 2024, còn Ấn Độ chiếm 18%. Đối với các quốc gia tại khu vực Trung Đông, con số này là 15%. Phần tăng trưởng còn lại được phân bổ cho các khu vực khác trên thế giới. Riêng nhu cầu dầu mỏ tại châu Âu dự kiến sẽ giảm, kết thúc năm 2024 ở mức thấp hơn 4% so với năm 2022.

Nhu cầu dầu tăng sẽ kéo theo sản lượng khai thác dầu mỏ toàn cầu gia tăng, đến năm 2024 có thể cao hơn 2 triệu thùng/ngày so với năm 2022.

Giá dầu thô hiện ở dưới mức 80 USD/thùng, giảm đáng kể so với mức trung bình 101 USD/thùng trong năm 2022. EIA dự đoán, giá dầu thô sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2023, giá dầu Brent biển Bắc trung bình là 84 USD. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ cho sự gia tăng về nhu cầu dầu cũng như giảm chi phí nhiên liệu cho các doanh nghiệp vận tải.

Về nguồn cung tàu năm 2023, đội tàu chuyên chở dầu thô dự kiến tăng 1,9% và đội tàu chuyên chở dầu sản phẩm tăng 1,4%; mức tăng năm 2024 lần lượt là 0% và 0,4%.

Thực tế, số lượng tàu chuyên chở hàng lỏng được đặt đóng mới ở mức khiêm tốn, chiếm 5,4% tổng số lượng tàu chuyên chở dầu thô và 4,4% số lượng tàu chuyên chở dầu sản phẩm.

Mặt khác, một số tàu cũ sẽ bị phá dỡ và năng suất của đội tàu dự kiến suy giảm khi tốc độ tàu được điều chỉnh thấp hơn nhằm tuân thủ các quy định EEXI (chỉ số hiệu quả năng lượng đối với tàu hiện có) và CII (chỉ thị cường độ các-bon của tàu). Ước tính, mức giảm tốc độ của đội tàu là 0,5 - 1,5% vào năm 2023 và 1 - 2% vào năm 2024.

Căn cứ vào các yếu tố trên, nguồn cung tàu chở dầu thô thực tế dự kiến tăng 0,9% trong năm 2023 và giảm 1,5% vào năm 2024; nguồn cung tàu chở dầu sản phẩm tăng 0,4% vào năm 2023 và giảm 1,1% vào năm 2024.

Như vậy, nhu cầu đối với tàu chuyên chở dầu thô sẽ tăng nhanh hơn nguồn cung từ 2,5 - 3,5% trong cả năm 2023 và 2024. Phân khúc tàu chở dầu sản phẩm dự kiến tích cực hơn, với lượng cầu vượt cung từ 4,5 - 5,5% trong năm 2023 và 2 - 3% trong năm 2024.

Linh Hương
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục