Phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Trần Quốc Phương, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về những ý kiến thảo luận đầu tiên về các văn kiện..
Thưa ông, chiều ngày 26/1, buổi thảo luận đầu tiên của Đại hội về các văn kiện Đại hội XIII đã diễn ra. Các đại biểu đang quan tâm, góp ý vào những nội dung gì?
Tôi thuộc đoàn Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, đại biểu từ các cơ quan trung ương, cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, nên có nhiều ý kiến, trải rộng khá nhiều vấn đề. Có thể trao đổi sơ bộ như sau.
Một là, về công tác đối ngoại, vai trò đóng góp của công tác đối ngoại tới sự phát triển đất nước. Trong tình hình mới, công tác đối ngoại mở rộng hơn, sâu hơn, có sự lồng ghép, đan xen nhiều lĩnh vực như đói ngoại về an ninh, về kinh tế, về văn hóa... nên cần được nâng tầm trở thành một nhiệm vụ của hệ thống chính trị, chứ không chỉ của riêng Bộ Ngoại giao.
Hai là, về nội dung Báo cáo Chính trị của Đại hội, nhiều ý kiến quan tâm đến công tác xây dựng Đảng phải thực sự vững mạnh, khẳng định vai trò của đảng cầm quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành đất nước.
Các ý kiến, trong đó có cả tôi, mong đợi Đại hội XIII có điểm nhấn không những củng cố mà còn phát triển hơn nữa vai trò của Đảng ở góc độ phát triển kinh tế - xã hội để đưa đất nước cường thịnh, phát triển hơn như Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu trong phiên khai mạc..
Ba là, công tác phát triển con người và công tác cán bộ cùa Đảng. Các ý kiến mong đợi kết quả Đại hội XIII lựa chọn ra đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm. Các đại biểu cũng quan tâm đến công tác bố trí cán bộ, phù hợp với năng lực trình độ của cán bộ đó, qua đó họ mới phát huy hết sức lực, khả năng để cống hiến cho sự phát triển của ngành, của địa phương, trong phạm vi công việc được giao...
Liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội thì sao, thưa ông?
Nhiều ý kiến quan tâm thảo luận đến nội dung về các thành phần kinh tế.
Thứ nhất, khẳng định vai trò của thành phần kinh tế nhà nước, thực hiện định lớn cùa Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, vai trò của kinh tế nhà nước là vai trò chủ đạo.
Các đại biểu cũng quan tâm đến việc phát triển kinh tế tập thể. Dự thảo văn kiện cũng nêu đến nội hàm kinh tế tập thể hiệu quả, hiện đại. Các ý kiến quan tâm đến việc triển khai sau này với định hướng đó. Sẽ có những thay đổi về luật pháp, quy định, vận hành khu vực này thế nào, định hướng mô hình này tới đây như thế nào...
Với định hướng mới và lớn về kinh tế tập thể của Đảng trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII, sẽ tạo điều kiện tốt để phát triển khu vực kinh tế tập thế.
Với khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các ý kiến đều thống nhất, đây là lực lượng mạnh đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Một mục tiêu đang được thảo luận là đến năm 2025 chúng ta sẽ có 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động. Đây là mục tiêu khá thách thức vì trong 1,5 triệu doanh nghiệp đăng ký thường có khoảng 60-70% doanh nghiệp đang hoạt động.
Giải pháp cũng được nhấn mạnh, đó là xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng.
Quan điểm của ông về mục tiêu này thế nào?
Chúng ta cũng cần môi trường cho các doanh nghiệp chất lượng. Chúng ta phải quan tâm cả số lượng và chất lượng doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp tốt sẽ đáp ứng được yêu cầu chúng ta mong đợi là phát triển bền vững, lớn mạnh.
Doanh nghiệp có nền tảng tốt, được chăm sóc tốt mới đạt được các yêu cầu này. Đây là quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về lĩnh vực xã hội, môi trường cũng là định hướng lớn trong dự thảo văn kiện lần này, cả báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế - xã hội đều nêu sự hài hòa, phát triển cân đối của 3 trụ cột, kinh tế - xã hội – môi trường trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, việc thể hiện cần rõ hơn, dễ nhìn thấy hơn 3 trụ cột này trong các nội dung hơn.
Các vấn đề xã hội, các đại biểu khối văn hóa quan tâm đến phát triển văn hóa, nhất là khi chúng ta đang coi đây là một động lực, sức mạnh để phát triển.
Về công tác xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đây là lĩnh vực khó, nên nhiều ý kiến đề nghị làm rõ một số nội hàm, pháp quyền dùng trong khái niệm nào, Nhà nước pháp quyền hay có lĩnh vực nào pháp quyền không.
Đây chỉ là ý kiến của một đoàn. Tôi tin rằng,sẽ có nhiều ý xác đáng để hoàn thiện nội dung của văn kiện trong buổi làm việc tại Hội trường.
Ông kỳ vọng gì các văn kiện của Đại hội XIII?
Văn kiện là văn bản gốc phải có tính mở đường, phải mở được đường, vì đây là văn kiện định ra đường lối, chủ trương cho quá trình thực hiện.
Lấy ví dụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang mong muốn sự đột phá về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo mẽ hơn. Để thực hiện được, các định hướng, chủ trương về khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, về kinh tế số... trong văn kiện phải được thể hiện rõ, làm cơ sở cho việc thực thi, nếu không sẽ rất khó khăn trong thực hiện, thậm chí không dám làm...
Tôi đang thấy rất nhiều điều tâm huyết trong nội dung các văn kiện.